Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: "Cần suy nghĩ tầm quốc gia về chuyển đổi số cho người nông dân, nông thôn"

An Linh Thứ sáu, ngày 13/10/2023 15:13 PM (GMT+7)
Từ thực tế ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động của người nông dân tại Việt Nam và bài học của các nước, TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh cần có suy nghĩ mang tầm quốc gia về chuyển đổi số cho người nông dân, nông thôn.
Bình luận 0

Ngành tài chính và nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu chuyển đổi số

Theo TS Hiển, hiện chuyển đổi số tại Việt Nam thực hiện từ các chủ trương chính sách của Nhà nước về Cách mạng Công nghiệp 4.0, trong đó Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52, Nghị quyết 29 về công nghiệp hoá, có lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, hay Nghị quyết 19 về HTX có kinh tế tập thể… Nói tóm lại, các chính sách của Nhà nước đều nhấn mạnh chuyển đổi số sẽ được thực hiện trong hai ngành ưu tiên: tài chính ngân hàng và nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: "Cần suy nghĩ tầm quốc gia về chuyển đổi số cho người nông dân, nông thôn" - Ảnh 1.

TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo do Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt tổ chức

Tại Việt Nam, khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn rất quan trọng, hiện 65,4% số dân đang ở khu vực nông thôn. Đóng góp trong GDP của lĩnh vực nông lâm, thủy sản hiện chiếm 11,8%, nhưng nếu tính toán đủ thì lớn hơn nhiều bởi ngành này có tính lan tỏa lớn.

"Lao động lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn năm 2022 chiếm 27,6% tổng lao động, xuất khẩu nông nghiệp đạt 23,5 tỷ USD năm 2022. 3 năm qua, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ, điểm tựa quan trọng của nền kinh tế khi đại dịch diễn ra, dù cho lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chững lại. Nông nghiệp tiếp tục có lợi thế, trở thành trụ đỡ", ông Hiển nói.

Theo TS Nguyễn Đức Hiển, chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, khâu trung gian vẫn có tỷ lệ lớn. Vì vậy, người nông dân cần chuyển đổi số, bán hàng trên môi trường điện tử nhằm rút ngắn khâu trung gian, gia tăng giá trị nông sản của chính mình, đa dạng khách hàng..

"Việt Nam xác định chuyển đổi số là toàn dân, toàn diện, rút ngắn chuyển đổi số đặc biệt cho nông nghiệp, bởi tính chất ngành nghề và những đóng góp của nông nghiệp là lớn", ông Hiển nhấn mạnh.

Đối với ngân hàng, TS Nguyễn Đức Hiển khẳng định đây là mạch máu của nền kinh tế, lĩnh vực tiên phong chuyển đổi số. Vì vậy, cần triển khai tài chính toàn diện, nâng cao chuyển đổi cho nông dân và thúc đẩy công nghệ chuyển đổi số.

Về giải pháp, theo Phó Ban Kinh tế Trung ương, kế hoạch chuyển đổi số các ngành đều có. Trên bình diện quốc gia, chúng ta có kế hoạch chuyển đổi số quốc gia. Nhưng nhìn nhận thẳng thắn cơ chế còn thiếu, yếu và tại Hội thảo nhiều đại diện doanh nghiệp, ngân hàng đều đưa ra những vấn đề liên quan đến an toàn, bảo mật, ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển nông nghiệp.

Đại diện Ban KTTW trích dẫn một sự việc ở Đồng Nai, khi bắt đầu thực hiện truy xuất nguồn gốc chăn nuôi, mới đầu rất hào hứng khi có tới 85% trang trại đăng ký. Nhưng sau 1 năm, chỉ 18% có báo cáo định kỳ.

"Lúc đầu rất hăng hở, đăng nhập, nhưng không có cơ chế pháp lý, sau một năm thì không ai muốn thực hiện. Quá trình chuyển đổi số liên tục, xuyên suốt không đạt yêu cầu", ông Hiển băn khoăn và nhấn mạnh "Cần liên thông dữ liệu, trường dữ liệu khác nhau. Cơ chế pháp lý khai thác, sử dụng và phối hợp chính sách cần bổ sung thêm. Cơ chế chính sách thực sự hiện nay phải nhìn nhận chúng ta có nhưng chính sách lớn của Nhà nước cho nông thôn, nông dân về chuyển đổi số là rất ít", ông Hiển nói.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: "Cần suy nghĩ tầm quốc gia về chuyển đổi số cho người nông dân, nông thôn" - Ảnh 2.

Theo TS. Hiển, nếu nông dân không có smartphone thì chịu, không thể chuyển đổi số được.

Chính sách gì, cơ chế nào ra tấm, ra món hỗ trợ cho nhóm đối tượng nông nghiệp có hay không? Theo ông Hiển, phải có chính sách rõ ràng để đẩy mạnh chuyển dịch số đối với nhóm này sẽ tạo tính căn bản, lan tỏa chung của quá trình chuyển đổi số của đất nước.

"Xây dựng nền tảng số, chúng ta có phát triển vượt bậc về hạ tầng viễn thông, internet, nhưng đặt ra yêu cầu đầu tư, xã hội hóa đến đâu thì chúng ta cần tiếp tục đầu tư, xã hội hoá, tiền đầu tư Nhà nước như nào thì cần tiếp tục. Trung Quốc đặt yêu cầu, phổ biến 4G và 5G đến tất cả khu vực nông dân, nông thôn, vậy với kinh nghiệm đó, chúng ta dùng cơ chế nào, chính sách nào để phù hợp?", Phó Ban Kinh tế Trung ương cho biết.

Về thiết bị, TS Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh: "Nếu nông dân không có smartphone thì chịu, không thể chuyển đổi số được".

"Báo cáo của Bộ TT&TT về smartphone thì rất cao 60%, nhưng ở nhiều tỉnh, khu vực nông thôn, khu vực miền núi có nơi chỉ 30% số nông dân có smartphone. Như vậy, phải suy nghĩ mang tầm quốc gia gắn kết chuyển đổi số ngân hàng, tài chính với nông nghiệp, nông dân và nông thôn", ông Hiển nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Đức Hiển, đất nước đặt trọng tâm chuyển đổi cơ sở hạ tầng bằng đầu tư đường cao tốc với mạng lưới xây dựng xuyên suốt để phát triển đất nước. Với chuyển đổi số, trong đó chuyển đổi số tài chính ngân hàng và nông nghiệp nông thôn cũng phải có suy nghĩ tầm quốc gia tương tự như đường cao tốc.

"Chúng ta có suy nghĩ về hạ tầng 5-10km đường cao tốc thì cũng phải có suy nghĩ tương tự về smartphone cho người nông dân mới có thể chuyển đổi nền kinh tế được. Ví dụ một km cần phải đầu tư 186 tỷ đồng, 10km là gần 2.000 tỷ đồng, cái này cần phải suy nghĩ thêm", TS Hiển nói.

Đại diện Ban KTTW nhấn mạnh, sắp tới TW Hội Nông dân Việt Nam cho biết sẽ ra mắt App thanh toán dành riêng cho người nông dân. Nhưng cũng có ý kiến có nhiều app quá, làm sao để người nông dân sử dụng, lựa chọn đây.

"Quan trọng theo tôi, App nào thì vẫn phải đơn giản, dễ hiểu, và an toàn. Vào cái là làm ngay", TS Hiển nói.

Theo Phó Ban KTTW, mục tiêu của Việt Nam về phát triển kinh tế số là năm 2030 sẽ có 30% giá trị của kinh tế số đóng góp vào GDP. Năm 2022 đang là 14,3%, còn 8 năm nữa, mục tiêu đạt 30% GDP là thách thức rất lớn. Chính vì vậy, hai lĩnh vực là tài chính ngân hàng và nông dân, nông thôn cần ưu tiên và nếu sớm vào cuộc nhanh và cụ thể thì mục tiêu này mới có thể đạt được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem