Giảm còn 12 chương trình
Theo dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) 2011-2015, sẽ có 16 chương trình được thực hiện. Tuy nhiên, theo ý kiến của hầu hết các đại biểu (ĐB), cần phải giảm số chương trình xuống bằng cách lồng ghép một số chương trình theo lĩnh vực với nhau.
|
Cần tăng đầu tư cho Chương trình nông thôn mới, bởi đây là chương trình có nhiều mục tiêu lớn, phạm vi rộng. |
Theo ĐB Danh Út (Kiên Giang): “Trong số 16 chương trình hiện nay vẫn còn phân tán nhiều đầu mối, dàn trải, nội dung trùng lặp. Do đó, nên ghép một số chương trình lại với nhau, chẳng hạn như Chương trình giảm nghèo với Chương trình dạy nghề hay Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn ghép vào Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM)… Như thế, chúng ta sẽ giảm được xuống còn 12 chương trình là phù hợp”.
Chung nhận định này, ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) nêu ý kiến: “Thực tế, hiện có những địa bàn có tới 2-3 chương trình, dự án triển khai cùng một lúc, trong đó có rất nhiều chương trình trùng hợp với chương trình chi thường xuyên của địa phương. Vì thế, đề nghị Chính phủ cần tổng kết, rà soát đánh giá lại nghiêm túc hiệu quả của các chương trình theo hướng kiên quyết cắt bỏ các dự án trùng lặp, hiệu quả thấp”.
Thậm chí, ĐB Mai Xuân Hùng (Bạc Liêu) còn đề nghị cắt giảm xuống còn 5 chương trình. “Hiện nay, có quá nhiều chương trình trùng lặp, ngay trong giai đoạn này, cần cắt giảm xuống còn 10 chương trình và sau năm 2015 giảm xuống chỉ còn 5 chương trình để dễ thực hiện” - ĐB Hùng đề nghị.
Phân bổ vốn hợp lý
Để thực hiện 16 chương trình cho giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã đề xuất tổng mức vốn đầu tư lên tới 275.372 tỷ đồng. Song đa số đại biểu Quốc hội đề nghị chỉ nên chi tối đa 105.392 tỷ đồng cho cả giai đoạn này.
“Chính phủ cần làm rõ hơn khả năng huy động vốn, cũng như thời gian thực hiện các chương trình, bởi trong cả giai đoạn 2006-2010, chúng ta chỉ chi có hơn 60.000 tỷ đồng cho cả 12 chương trình, còn số vốn giai đoạn tới lại gấp tới 4,2 lần là quá nhiều” - ĐB Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) đề nghị.
ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) thì cho rằng: “Trong 16 chương trình, nên tập trung vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM, bởi đây là chương trình mới có nhiều mục tiêu lớn, hạm vi rộng, nhiều tiêu chí. Tôi đề nghị, cần tăng tỷ lệ đầu tư của ngân sách T.Ư lên, vì trong cả giai đoạn 2012-2015, ngân sách T.Ư chỉ đầu tư 12.000 tỷ đồng, cộng với 8.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương là rất thấp”.
Phần lớn các đại biểu đã nhất trí cần ban hành Chương trình MTQG về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề. Theo đánh giá của nhiều đại biểu, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề là rất đáng báo động và cần phải có một chương trình riêng cho vấn đề này. Nếu được thông qua, đây sẽ là Chương trình thứ 16 trong danh mục các Chương trình MTQG giai đoạn 2011-2015.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, nếu muốn Quốc hội tiếp tục phê duyệt các chương trình MTQG, thì Chính phủ phải có sự đánh giá, tổng kết lại các chương trình đã thực hiện, bởi có nhiều chương trình sau 5 năm thực hiện, kết quả là không đạt được tiêu chí nào, chẳng hạn như Chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn có tới 9/9 tiêu chí không đạt.
Chính vì thế, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đề nghị: “Trên thực tế, có rất nhiều chương trình hiện đều nằm ở địa bàn nông thôn, do đó nên lồng ghép và đưa các chương trình khác vào Chương trình xây dựng NTM, coi như một tiểu chương trình hoặc dự án thành phần”.
Lê Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.