Với gần 20 tham luận, trong đó có 5 báo cáo của các nhà KH nước ngoài, đã làm rõi nét hiện trạng từ sản xuất, cung ứng, xuất nhập khẩu phân bón toàn cầu và tại Việt Nam; thực trạng và tồn tại của công tác quản lý nhà nước về phân bón, ảnh hưởng của nó đến sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam; bón phân cho cây ăn quả, cho lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, cho lúa tại đồng bằng sông Hồng, cho cà phê ở Tây nguyên; sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng… đến những vấn đề nghiên cứu lớn hơn như ảnh hưởng của vật liệu chứa sắt đến giảm phát thải khí mê tan và sinh trưởng của cây lúa trên đất lúa nhiệt đới; bảo vệ chất đạm (N) trong một thế giới thiếu protein; nâng cao hiệu quả sử dụng phân lân bằng công nghệ Avail; sử dụng phân bón và phát thải nhà kính trong sản xuất lúa; nghiên cứu hiệu lực phân bón dài hạn tại Viện lúa quốc tế (IRRI); rồi sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong khuyến nông phân bón…
Nguồn lực mỏng
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Bầm, vụ trưởng Vụ Khoa học, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh những vấn đề đáng lo ngại hiện nay trong công tác quản lý, sử dụng phân bón, đó là tình trạng lạm dụng phân bón khoáng, nhất là trên cây lúa và cây cà phê.
Khuyến cáo bón phân theo 4 đúng chưa được nhà nông tuân thủ nghiêm nhặt, làm ảnh hưởng xấu đến năng suất, chất lượng nông sản và môi trường sinh thái. Sản xuất phân bón kém chất lượng, giả, nhái… Công tác nghiên cứu khoa học (KH) về phân bón và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất phân bón đang rất thiếu, rất yếu.
Ông Trương Hợp Tác, Trưởng phòng nghiên cứu đất và phân bón, Cục Trồng trọt sau khi dẫn ra những cố gắng rất lớn của công tác quản lý nhà nước khi ban hành hàng loạt các luật, nghị định, thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý, kinh doanh phân bón kể từ năm 2003 đến nay.
Tuy nhiên, lực lượng quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành phân bón đang rất thiếu, rất mỏng. “ Ngay Phòng quản lý đất, phân bón của bộ, hiện cũng chỉ có 3 người. Muốn thanh tra thì phải lập đoàn, có nhiều thành phần. Khi phát hiện ra dấu hiệu vi phạm cũng khó, hoặc không dám niêm phong, xử phạt vì phải chờ hàng tháng sau mới có kết quả phân tích chất lượng sản phẩm…”
PGS. TS Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng, Cục Trồng trọt rất tâm đắc vấn đề rút ra từ hội thảo, đó là phải tăng cường, đẩy mạnh công tác nghiên cứu KH về phân bón. Nghiên cứu phải cụ thể, chuyên sâu. Phải phối hợp chặt chẽ giữa nhà KH với doanh nghiệp và cơ quan khuyến nông để ứng dụng nhanh vào sản xuất ra những sản phẩm phân bón tốt hơn và hướng dẫn nông dân đưa ngay vào sử dụng.
“Vừa qua, nhà nước chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác nghiên cứu - sản xuất phân bón. Kinh phí tập trung đến 64% cho nghiên cứu về giống, sau đó là công nghệ sinh học, phần giành cho phân bón rất “hẻo”, trong khi nghiên cứu KH về phân bón cần phải có chương trình dài hạn, có đất canh tác không chỉ khảo nghiệm qua một vụ, mà phải nhiều vụ mới có thể cho ra đời một sản phẩm phân bón mới thích hợp. Mà đất trước đây của HTX nên dễ xin, dễ mượn, nay là của dân, rất khó.
Theo ông Dư, đội ngũ cán bộ KH nghiên cứu về đất, phân bón rất mỏng. Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội mỗi khóa tuyển không nổi 20 sinh viên. Vậy mà các kỹ sư ra trường lại rẽ ngang rất nhiều. Số còn chuyên tâm nghiên cứu thì không biết bán công trình cho ai. Cho nên nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách cụ thể…”- Ông Bộ nhấn mạnh.
May còn doanh nghiệp năng động
Trong tình hình như vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón không đứng im, ngồi chờ mà luôn xông xáo, năng động, nắm bắt nhanh, nhận chuyển giao sớm những tiến bộ KH từ nước ngoài vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm phân bón chất lượng cao.
“Phân bón Đầu Trâu: bón ít, hiệu quả cao” là báo cáo của GS.TS Mai Văn Quyền, Chủ tịch Hội đồng cố vấn KH Công ty Phân bón Bình Điền tại hội thảo. Theo ông, vì hiệu quả kinh doanh - là cái số một; nhưng trách nhiệm với nhà nông là cái quan trọng không kém luôn thôi thúc những người làm phân bón Đầu Trâu không bao giờ dừng lại ở những gì đã có, mà phải tìm kiếm, đầu tư, khảo nghiệm, có cái mất vài ba năm, tốn kém không ít tiền của, công sức để cho ra những sản phẩm phân bón mới vì lợi ích cao nhất của nhà nông, vì sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà.
GS. TS Mai Văn Quyền cho biết, Công ty Phân bón Bình Điền luôn có sản phẩm mới, tốt hơn với tiêu chí bón ít (giảm tiền mua phân, giảm công bón phân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường) nhưng vẫn đạt hiệu quả cao nhất. Các sản phẩm phân bón chuyên dùng cho từng loại cây, từng thời kỳ sinh trưởng của cây, trên từng vùng đất; các sản phẩm NPK, Đạm hạt vàng… có chứa hoạt chất Agrotain, Avail giúp giảm lượng bón từ 25 đến 50 % đã được nhà nông không chỉ trong nước, mà nhiều nước trong khu vực chọn lựa, tin dùng…
Trần Đình Thế
Vui lòng nhập nội dung bình luận.