Cẩn trọng với sản phẩm vòng tay, thẻ đeo khử trùng chống sởi

Thứ bảy, ngày 03/05/2014 07:30 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, trên một số mạng xã hội đã có những quảng cáo về các loại vòng đeo tay, thẻ đeo có khả năng phòng sởi.
Bình luận 0
Những lời quảng cáo đường mật

Tin tưởng rằng đây là những sản phẩm sản xuất tại Nhật Bản, được xách tay về Việt Nam, nhiều người đã mua. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã chính thức khuyến cáo: Các sản phẩm này tiềm ẩn nhiều rủi ro với người tiêu dùng, hơn là có tác dụng khử bệnh sởi như quảng cáo.

Theo lời người bán vòng tay chống sởi, "sản phẩm này khi các bé đeo vào thì virus bệnh sởi sẽ không thâm nhập được vào cơ thể. Giá bán 450.000 đồng/chiếc”.

Còn quảng cáo về thẻ đeo khử trùng chống virus sởi, cũng có xuất xứ từ Nhật miêu tả khá kỹ “Tác dụng của thẻ này là người đeo sẽ làm cho virus không thể đến gần trong phạm vi 1m. Thẻ sẽ phóng ra chất chlorine dioxide được sử dụng phổ biến từ những năm 1970, do tác dụng diệt khuẩn hiệu quả và không tạo ra các hợp chất độc hại. Khả năng khử trùng hầu hết các loại vi khuẩn, làm sạch không khí. Chlorine dioxide không gây phản ứng phụ. Khả năng khử trùng và ôxy hóa mạnh các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là các dòng vi khuẩn Giardia và Cryptosporidium”.

Lý do mà các thiết bị này có thể chống sởi là do có sử dụng gói chứa hóa chất chlorine dioxide khử trùng không khí xung quanh người đeo, ngăn chặn vi khuẩn.

Trước những thông tin đăng tải về sản phẩm nói trên, rất nhiều người đã muốn mua, phần vì lo lắng phòng bệnh cho trẻ, phần vì tin tưởng đây là hàng sản xuất tại Nhật, xách tay về Việt Nam.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Hoài Châu - Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam: “Chất chlorine dioxide là hóa chất khử trùng được sử dụng khá phổ biến.

img
Những vòng tay được quảng cáo có tác dụng chống sởi đều chưa được kiểm nghiệm, tiềm ẩn rủi ro với người dùng.

Rủi ro đeo vòng tay, thẻ đeo chống sởi

Tuy nhiên, việc tiếp xúc liên tục với hợp chất này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Hàm lượng chlorine dioxide trong máy đeo tay chống sởi chưa được kiểm nghiệm, xác định. Vì thế, các loại thiết bị này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người tiêu dùng”.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo thêm: Theo quy định tại Điều 4 thông tư 24/2011/TT-BYT Hướng dẫn nhập khẩu trang thiết bị y tế, các trang thiết bị y tế sử dụng công nghệ mới lần đầu áp dụng trước khi nhập khẩu vào Việt Nam phải được xem xét và cấp phép nhập khẩu hoặc kiểm tra. Hiện nay, chưa có bất cứ thiết bị phòng, chống sởi nào nói trên hiện được thử nghiệm và xem xét đánh giá về hiệu quả.

Ngoài ra, trong các thông tin quảng cáo về trang thiết bị y tế, người bán cần phải được liệt kê rõ ràng tên, chủng loại, nước sản xuất và các thông tin sử dụng, cảnh báo cần thiết khác.Thiết bị phòng,chống sởi trên chưa được cá nhân phân phối nêu rõ tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và các thông tin liên quan. Vì thế, người tiêu dùng cần thận trọng với những rủi ro, nếu mua và sử dụng thiết bị này.

Cách phòng sởi hiệu quả vẫn là tiêm phòng sởi, bất cứ cháu bé nào dưới 10 tuổi chưa tiêm sởi đầy đủ 2 mũi hoặc không nhớ đã được tiêm hay chưa đều nên được tiêm phòng. Bé dưới 2 tuổi được tiêm phòng miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Tại 10 tỉnh/TP có nguy cơ lây bệnh cao, các cháu 2- 10 tuổi cũng đều được tiêm phòng miễn phí.

5 tỉnh/TP xuất hiện nhiều ca bệnh tay, chân, miệng

Đó là TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kon Tum, Đắc Lắc, Cà Mau. Theo Bộ Y tế, đã có 17.500 ca bệnh được ghi nhận ở cả 62 tỉnh/TP, nhưng 5 tỉnh/TP nói trên đang ghi nhận khá nhiều ca bệnh. Do chưa có vaccine phòng bệnh và hiện nay mới bắt đầu mùa bệnh nên tay, chân, miệng sẽ có xu hướng tiếp tục lây lan. Vì thế, người dân cần chú ý phòng bệnh.

Ở các nhà trẻ, mẫu giáo cần thực hiện 3 sạch: Ăn sạch, uống sạch, chơi đồ chơi sạch. Ở các gia đình và trường học, thường xuyên vệ sinh cá nhân và môi trường sống, lớp học, bề mặt các vật dụng bằng xà phòng hoặc hóa chất tẩy rửa. Bộ Y tế cũng yêu cầu BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, BV Nhi T.Ư; BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM rà soát nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế chuẩn bị tiếp nhận điều trị các bệnh tay, chân, miệng, hạn chế tối đa tử vong do căn bệnh này.

Trong những ngày nghỉ lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục thị sát công tác điều trị bệnh sởi tại các BV: Saint Paul, Thanh Nhàn, Đức Giang và Trung tâm Y tế Q. Long Biên (Hà Nội). Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch sởi tại Vĩnh Phúc. Đến nay, trên cả nước đã ghi nhận gần 3.900 ca bệnh, trong đó có 130 ca tử vong liên quan đến sởi. Các khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên đến nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Đã có 85% số 750.000 trẻ trong diện tiêm vét sởi được tiêm.


Lao Động (Theo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem