Ưu tiên nguồn lực cho đào tạo nghề nâng cao kỹ năng lao động
Cần ưu tiên nguồn lực để đào tạo nghề cho lao động trong bối cảnh mới
Thùy Anh
Thứ tư, ngày 08/12/2021 15:39 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh mới, các quốc gia đều thấy cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng, chất lượng nguồn lao động. Đây sẽ là 1 trong 3 trọng tâm đột phá để phát triển kinh tế, xã hội.
Mới đây trong "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 - Phục hồi và phát triển bền vững", ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH đã có bài tham luận về "Đẩy mạnh đào tạo góp phần cung ứng nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước".
Chỉ có 24,6% lao động Việt Nam qua đào tạo
Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với tác động từ dịch Covid-19 khiến cho thế giới việc làm có nhiều đổi thay. Vì thế việc ưu tiên nguồn lực cho đào tạo nghề có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, kỹ năng lao động chất lượng cao, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế bền vững quốc gia.
Báo cáo mới đây của Diễn đàn kinh tế Thế giới cho thấy, dưới tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0, trong 5 năm tới trên 80% doanh nghiệp gia tăng làm việc từ xa và chuyển sang số hóa nhanh chóng các quy trình làm việc; tỷ lệ tự động hóa lên tới 50%, và 1 tỷ lệ tương ứng người lao động cần được đào tạo lại, bổ sung những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu công việc.
Bởi vậy, ông Trương Anh Dũng cho rằng viêc ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch Covid-19 là việc hết sức cần thiết. Khảo sát cho thấy, 79% doanh nghiệp hiện nay không có khả năng bổ sung ngân sách cho thực hiện nhiệm vụ này. Trong khi việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5-2%.
"Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã coi kỹ năng lao động là đơn vị tiền tệ mới trong thế kỷ 21 bởi nó đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn", ông Dũng phân nói.
Trong báo cáo, ông Dũng cũng cho biết Việt Nam cũng có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động, nhưng điểm nghẽn lại chính là chất lượng nguồn nhân lực bởi tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,6%. Chỉ số kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề tuy tăng ấn tượng nhưng vẫn ở mức 97/140 - khoảng cách này còn thấp, cách xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN.
Tỷ lệ người lao động được đào tạo trình độ đại học trở lên nhưng lại làm những vị trí công việc chỉ yêu cầu trình độ cao đẳng trở xuống tăng nhanh trong 10 năm qua đã tăng từ 12% lên 25%. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động của chúng ta vẫn rất thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong hai thập kỷ rưỡi qua.
Những vấn đề trên cho thấy, Việt Nam sẽ hết cơ hội nắm bắt thời cơ dân số vàng để bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực nếu không tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghiên cứu mới đây của ManPowerGroup và Viện Khoa học Lao động và xã hội cho thấy, 94% doanh nghiệp FDI sẽ ứng dụng công nghệ mới trong 3 năm tới. Trong khi VCCI thì đưa ra con số 48% lao động cần đào tạo lại trong khi 53% DN trong nước không dự báo được kỹ năng tương lai cho lao động của mình. Khảo sát của ADB cho thấy 68% số cơ sở đào tạo ở Việt Nam chưa sẵn sàng với những thay đổi do Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0 đem tới.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển GDNN
Theo các nghiên cứu để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh dịch bệnh, cách mạng 4.0 bên cạnh tiến độ bao phủ vaccine và phục hồi sản xuất… thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao. Đây cũng là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước thời gian tới.
Muốn phát triển nguồn nhân lực, theo ông Dũng trước mắt cần cho kéo dài ít nhất 1 năm nữa việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
"Thực tế chính sách này sẽ rất khó thành công trong năm nay như dự kiến bởi do tác động của dịch bệnh, đa số các doanh nghiệp thiếu hụt lao động cho phục hồi sản xuất kinh doanh nên chưa ưu tiên thời gian cho việc đào tạo người lao động, nhất là phải chạy cho kịp các đơn hàng cuối năm", ông Dũng phân tích.
Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho rằng cũng cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ BHTN. Tăng cường các chính sách hỗ trợ đào tạo cho vùng nghèo, vùng dân tộc, vùng nông thôn trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia không bao phủ.
Thực tiễn vừa qua cho thấy, nhiều lao động phổ thông, chưa qua đào tạo đã bị đào thải, do đó, rất nhiều người đã mất việc, thất nghiệp và phải đào tạo kỹ năng phù hợp để chuyển đổi việc làm. Làm tốt công tác đào tạo nghề, chúng ta sẽ thu hút được số lao động mất việc, giúp họ quay lại các khu công nghiệp, các thành phố lớn đang thiếu hụt nhân lực.
Về trung hạn và dài hạn, cần chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề; cần ưu tiên ngân sách để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ cho 70 trường chất lượng cao, 150 nghề trọng điểm; 20 nghề, kỹ năng tương lai theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Bên cạnh đó cần đẩy mạnh chuyển đổi số, tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, thích ứng. Mục đích cuối cùng vẫn là phải đẩy mạnh hợp tác công, tư; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động nâng cao chất lượng đào tạo GDNN. Chỉ có vậy, mới nâng cao chất lượng, kỹ năng cho lao động", ông Dũng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.