Càng “sướng” càng rối
Mới chỉ 25 tuổi, mới lấy vợ nhưng gần một năm nay anh Trần Văn C (Hà Nội) hoàn toàn “tê liệt” khi gần vợ. Vợ anh khóc lóc, cho rằng chồng có bồ nên chán vợ dù anh thề thốt, hứa hẹn. Xấu hổ, anh C lên mạng tìm lời khuyên, mua các loại thuốc, loại rượu bổ dương để tự điều trị. Tuy nhiên, tình hình vẫn không khả quan. Cuối cùng, anh C đành đi khám nam khoa. Bác sĩ cho biết, anh bị rối loạn cương dương (RLCD). Lý do khiến anh “tụt hứng” là vì anh C làm trong lĩnh vực chứng khoán, thường xuyên phải lo nghĩ căng thẳng, lại đi tiếp khách, bia rượu nhiều. Sau một thời gian điều trị, thay đổi lối sống, anh C đã dần dần phục hồi trở lại.
Khi có bất thường về “chuyện ấy”, cánh mày râu nên đi khám sớm. (Khám nam khoa tại Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức). Ảnh: Diệu Linh
"Tình trạng RLCD hiện nay ngày càng gia tăng và trẻ hoá. Các đối tượng dễ mắc RLCD cũng thường là người sống ở thành phố, lao động trí thức, thức khuya, người nghiện thuốc lá, uống nhiều rượu, người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp…”.
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng -
Trưởng khoa Nam học (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội)
|
GS-TS Đỗ Trọng Hiếu – bác sĩ nam khoa (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn) cũng cho biết, ông thường xuyên gặp những chàng trai tuổi 20 đã bị RLCD. Đối với lứa tuổi này, GS Hiếu cho biết, đa phần nguyên nhân gây nên tình trạng RLCD là do tâm lý. Đối với những trường hợp này chỉ cần điều trị tâm lý là sẽ dần dần phục hồi phong độ.
Còn theo TS Nguyễn Quang – Giám đốc Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức), RLCD đang là vấn đề được quan tâm bởi số lượng nam giới mắc bệnh này ngày càng tăng. Một khảo sát năm 2017 cho thấy, có trên 50% nam giới bị rối loạn cương dương ở độ tuổi từ 40 – 70. Theo ước tính đến năm 2025 số lượng nam giới mắc rối loạn cương dương cán mốc 320 triệu người. Hiện xu hướng mắc bệnh trên đang ngày càng trẻ hóa, trở thành nỗi lo của nhiều người.
Thay đổi lối sống
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng – Trưởng khoa Nam học (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) phân tích: “Người làm việc trí não (nhân viên văn phòng, thương gia) thường bị căng thẳng, stress, thức khuya, ngồi nhiều, ít vận động. Khi cơ thể mệt mỏi, đầu óc cũng không thanh thản, khiến cho lưu thông máu không tốt, dẫn đến việc “trên bảo dưới không nghe”. Ngoài ra tình trạng ít vận động cũng dẫn đến nhiều bệnh mãn tính như béo phì, đái tháo đường, huyết áp cao… Đây là những kẻ thù của phong độ đàn ông”.
Nhiều người vẫn nghĩ “hỏng đâu chữa đó” nên khi bị RLCD thì thường tập trung điều trị loanh quanh vùng thắt lưng. Tuy nhiên, RLCD liên quan nhiều đến yếu tố tâm lý, sức khoẻ. “Một người làm việc căng thẳng, đang vay nợ đầm đìa thì chẳng có cách nào hưng phấn được. Hoặc một người vừa uống viagra để sẵn sàng vui vẻ nhưng vợ cằn nhằn, con khóc mếu thì dù đạn đã lên nòng cũng dễ xịt. Đặc biệt, RLCD liên quan chặt chẽ đến bệnh tim mạch, đái tháo đường. Do đó, khi điều trị RLCD cần tìm cả nguyên nhân gốc rễ mới có hiệu quả” – TS Nguyễn Quang, Bệnh viện Việt Đức đưa ra nhận định.
TS Quang kể lại câu chuyện từng chữa trị cho một cặp vợ chồng cưới nhau 2 năm mà người chồng hoàn toàn bất lực. Sau khi làm nhiều xét nghiệm, chiếu chụp, các bác sĩ phát hiện anh này bị u tuyến yên (não) và chỉ định mổ lấy khối u. Bệnh nhân vừa cứu được tính mạng, vừa phục hổi “năng lực”. Sau khi điều trị tận gốc nguyên nhân dẫn đến sức khỏe suy giảm, đến giờ hai vợ chồng đã sinh được hai con, cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.
“Nhiều cánh mày râu đến khám, hổn hển nói với tôi rằng em bị RLCD, bác sĩ cứu em. Nhưng hỏi ra thì anh ta chỉ mắc tình trạng “chưa đến chợ đã hết tiền”, vợ buồn lòng, chồng xấu hổ. Còn RLCD là là tình trạng rối loạn lên xuống, “cậu nhỏ” không thể “chào cờ” nên không thể làm ăn gì được hoặc “chào cờ” quá lâu không thể hạ” – TS Quang nói thêm.
Các bác sĩ đều đưa ra khuyến cáo, khi đàn ông bị RLCD thì phải thay đổi cả lối sống, tăng cường vận động, thay đổi lối sống (không hút thuốc, lạm dụng bia rượu, ăn ít thức ăn nhanh), khi đó năng lực “giường chiếu” mới có thể phục hồi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.