Căng thẳng Ukraine: Chiêu cũ với dụng ý mới

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ hai, ngày 21/02/2022 14:00 PM (GMT+7)
9 năm sau, ông Blinken ngồi đúng vị trí ông Power và đưa ra tài liệu, hình ảnh về kế hoạch của Nga phát động chiến tranh với Ukraine, rất cụ thể và chi tiết về phương diện quân sự và thời gian.
Bình luận 0
Căng thẳng Ukraine: Chiêu cũ với dụng ý mới - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh AA

Sự hiện diện và bài thuyết trình của bộ trưởng ngoại giao Mỹ Antony Blinken tại phiên họp của HĐBA LHQ vừa rồi gợi nhớ lại một trong những vết ô uế nhất về ngoại giao đa phương của Mỹ. Chuyện xảy ra năm 2003. Bộ trưởng ngoại giao Mỹ khi ấy là Collin Power đưa ra HĐBA LHQ bằng chứng của Mỹ về Iraq sở hữu vũ khí hoá học huỷ diệt để được LHQ bật đèn xanh cho tiến hành chiến tranh ở Iraq. 

Thực tế về sau cho thấy ông Power đã lừa dối LHQ và Mỹ nguỵ tạo bằng chứng. 19 năm sau, ông Blinken ngồi đúng vị trí ông Power và đưa ra tài liệu, hình ảnh về kế hoạch của Nga phát động chiến tranh với Ukraine, rất cụ thể và chi tiết về phương diện quân sự và thời gian. Ông Blinken liên hệ tới chuyện cũ và thừa nhận là thế giới hoài nghi về chứng cứ của Mỹ, quả quyết phía Mỹ muốn ngăn ngừa chiến tranh chứ không phải tiến hành chiến tranh.

Những gì ông Blinken nói và làm trong lần xuất hiện trên ở HDBA LHQ chỉ là một phần trong chiến lược của Mỹ và đồng minh với nội dung công khai thông tin tình báo cụ thể và chi tiết về hoạt động quân sự và chuẩn bị chiến tranh của Nga. Đích thân tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia. 

Ông Biden thổ lộ công khai là tin rằng tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định phát động chiến tranh và chiến tranh sắp xảy ra, không phải vào ngày 16.2 vừa rồi như phía Mỹ quả quyết thì vào ngày 20.2 hoặc vài ngày sau đấy. Mỹ và Anh còn cho thế giới biết Nga sẽ tiến hành chiến tranh như thế nào, với cuộc tấn công của các cánh quân ra sao. Ông Biden còn cho rằng chủ ý của Nga là tấn công đánh chiếm cả thủ đô Kiev của Ucraine.

Nếu những thông tin và trình bày nói trên của Mỹ và đồng minh là sự thật thì phía Nga đã bị bại lộ hết từ mưu tính chiến lược đến kế hoạch tác chiến và chiến thuật cụ thể. Nhưng nếu không phải như vậy thì phía Nga chắc chắn sẽ thấy rất thú vị khi "trong nhà chưa tỏ mà ngoài ngõ đã tường".

Kể cả sau khi một số dự báo về thời điểm Nga phát động chiến tranh tự chứng tỏ là trật chìa, Mỹ và đồng minh vẫn tiếp tục chiến lược này. Chiêu thức tuy cũ nhưng vẫn được họ sử dụng vì nó hữu ích cho dụng ý mới.

Bây giờ, vấn đề đặt ra đối với Mỹ và đồng minh  không phải là phát động chiến tranh với Nga mà là không để xảy ra chiến tranh giữa Nga với Ukraine. Nếu để xảy ra chiến tranh ở châu Âu,  bất kể chiến tranh diễn biến và rồi kết thúc như thế nào và bất kể Nga bị buộc phải trả giá đắt đến đâu, thì Mỹ và NATO vẫn không tránh khỏi bị tổn hại thể diện và uy danh cũng như suy giảm ảnh hưởng và vị thế bởi không ngăn cản nổi Nga tiến hành chiến tranh trên châu lục. 

Cuộc khủng hoảng chính trị an ninh hiện tại là cơ hội thuận lợi hiếm thấy cho Mỹ thể hiện trong con mắt của các đồng minh ở châu Âu là có đủ khả năng và ý chí lãnh đạo khối Phương Tây, có đủ năng lực thực tế để đảm bảo an ninh cho đồng minh và đối tác, để củng cố nội bộ Nato và tập hơp lực lượng cùng đối phó Nga. Nhưng Mỹ chỉ được như thế khi chiến tranh không xảy ra.

Cái khó đối với NATO và đặc biệt đối với Mỹ là bị động ứng phó Nga do không biết đâu mà lường với những mưu tính chiến lược của Nga và quyết sách cụ thể của ông Putin. Chính vì tình trạng tù mù này mà Mỹ và đồng minh phải sử dụng chiêu sách cũ.

Bằng cách công khai những tin tức tình báo thường được bảo mật kỹ càng, phe này vừa tạo dựng trên thế giới hình ảnh nước Nga là phía tấn công, gây chiến và xâm lược vừa ngăn cản Nga sớm tiến hành chiến tranh nếu như phía Nga thật sự có chủ định này. Lô gic tư duy ở đây là một khi đã lộ bài thì cách chơi bài phải thay đổi. Mỹ chủ định phóng đại nguy cơ chiến tranh để cô lập Nga trên thế giới và buộc Nga phải ngại. 

Nếu chiến tranh xảy ra thật, Mỹ có thể cao giọng quả quyết là đã cảnh báo đúng từ trước cho cả thế giới biết về việc chiến tranh sẽ xảy ra. Nếu không xảy ra chiến tranh, Mỹ sẽ nói là đã tiên liệu sai nhưng nhờ cái sai này là ngăn ngừa được chiến tranh ở châu Âu. Trong cả hai kịch bản đều không hẳn không có cái hại gì đối với Mỹ, nhưng cái lợi cho Mỹ đều vượt trội hơn hẳn cái bất lợi.

Chiến tranh quân sự sẽ không xảy ra giữa Nga và Ukraine. Nhưng chiến tranh thông tin và tâm lý giữa Mỹ và đồng minh ở châu Âu với Nga đang diễn ra rất quyết liệt và sẽ còn kéo dài. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem