Còn nhớ, hồi giữa tháng 4.2017, khi HĐQT Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (mã SBT) thông qua chủ trương sáp nhập và phát hành cổ phiếu hoán đổi toàn bộ cổ phần của Công ty Cổ phần Đường Biên Hoà (mã BHS). Ngay khi chủ trương thông qua, cả 2 mã cổ phiếu mía đường này đều bắt đầu “dậy sóng”.
Canh bạc" cam go với cổ phiếu nhà ông Đặng Văn Thành (Ảnh: IT)
M&A khiến cổ phiếu... “dậy sóng”
Cụ thể với STB, thời điểm trước khi có chủ trương này chỉ dao động ở mức hơn 24.000 đồng/CP. Sau đó, STB lần lượt có những phiên giao dịch tăng chóng mặt với đỉnh điểm là ở mức 41.650 đồng/CP (tăng gần 43%). Trong khi đó, với BHS thì trước đó chỉ dao động quanh mức 12.000 đồng/CP thì tới thời điểm hiện tại đã tăng hơn 100%, lên mức đỉnh 25.900 đồng/CP hồi giữa tháng 7. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại 2 mã cổ phiếu này đang quay đầu giảm.
Tại phiên giao dịch ngày 8.8, cổ phiếu BHS tiếp tục giảm xuống còn 20.800 đồng/CP - đây là phiên thức 4 liên tiếp cổ phiếu BHS quay đầu giảm. Tương tự, cổ phiếu SBT cũng có phiên thứ 4 liên tiếp “đỏ sàn”, hiện chỉ giao dịch với mức giá 33.850 đồng/CP. Đáng chú ý, cổ phiếu SBT lại ở trong tình trạng trắng bên mua.
Nguyên nhân giảm giá cả 2 mã cổ phiếu này được nhận định là do tâm lý chốt lời của nhà đầu tư. Thực tế, thời gian qua đã có khá nhiều nhà đầu tư “lướt sóng” hy vọng có thể kiếm lời từ việc “chênh lệch” giữa tỷ lệ hoán đổi của 2 mã cổ phiếu này. Đồng thời, áp lực bán cũng tăng mạnh khi nhiều công ty chứng khoán thông báo ngừng cho vay ký quỹ đối với BHS và SBT khi gần đến ngày BHS hủy niêm yết.
Trước đó, theo dự kiến thì Mía đường Thành Thành Công sẽ phát hành 303,8 triệu cổ phiếu SBT để hoán đổi 297,87 triệu cổ phiếu BHS. Tỷ lệ hoán đổi đã được 2 bên thông qua là 1:1,02, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu BHS sẽ được nhận về 1,02 cổ phiếu SBT. Tuy nhiên, mức chênh lệch của giá trị trường hiện tại giữa SBT và BHS đang khá cao khi ở mức 1: 1,62 (1,62 cổ phiếu BHS đổi được 1 cổ phiếu SBT).
Như vậy, theo quy luật tất yếu thì cổ phiếu BHS phải tăng mạnh đến thời điểm chuyển đổi (dự kiến ngày 31.8) để có thể đảm bảo tỷ lệ chuyển đổi 1:1,02 với STB; hoặc STB sẽ giảm mạnh về vùng giá của BHS hiện tại. Song diễn biến của 2 mã cổ phiếu này đều quay đầu giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi khả năng cả 2 mã này sẽ quay về vùng giá trước thời điểm công bố thông tin sát nhập.
Nên nhớ, khá nhiều công ty chứng khoán tại TP.HCM nhận định cả 2 mã cổ phiếu này thời gian qua khả năng đã bị... “thổi giá”. Chẳng hạn, trước đó một chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định, ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu SBT là 13.574 đồng/CP tương đương P/E (Hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) dự phóng là 11 lần. Còn giá trị hợp lý của cổ phiếu BHS là 20.076 đồng/CP; tương đương P/E dự phóng là 11,5 lần. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại thì P/E của SBT là 25,94 lần và P/E của BHS hiện tại là 12,17 lần.
“Canh bạc” cam go?
Theo lộ trình sáp nhập được công bố, BHS sẽ phải huỷ niêm yết vào ngày ngày 30.8 và chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai (100% vốn thuộc SBT). Theo đó, cổ phiếu SBT phát hành thêm để hoán đổi cho BHS sau 2 tháng kể từ thời điểm dự kiến sáp nhập (31.8) mới được chính thức niêm yết trên sàn HOSE. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư BHS sẽ bị “chôn vốn” trong thời gian này. Đây cũng là điều khiến nhà đầu tư rất phân vân khi quyết định “chốt lãi” BHS hay “chôn vốn” lâu dài tại SBT.
Cụ thể, theo tính toán thông thường giữa thị giá 2 mã cổ phiếu BHS và SBT hiện tại, mức chênh lệch thị giá lên tới hơn 60% này cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cứ mua vào BHS đến ngày 31.8 là có lợi nhuận 60% cho khoản đầu tư này. Tuy nhiên, rủi ro cũng rất lớn bởi những cổ phiếu này dự kiến chỉ được phép giao dịch sau 2 tháng kể từ ngày sát nhập, nếu SBT có vài phiên giảm giá thì khả năng cổ đông BHS sẽ phải... “nuốt hận”.
Song có lẽ, cơ hội vẫn là khá hấp dẫn bởi theo dự kiến của Tập đoàn Thành Thành Công, sau sáp nhập, SBT đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 8.353 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 674 tỷ đồng niên độ 2017-2018. Trong khi đó, chỉ tiêu kinh doanh của Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai sau khi sáp nhập là doanh thu hợp nhất 4.688 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 323 tỷ đồng. Một kế hoạch kinh doanh rất sáng của “đế chế’ mía đường Đặng Văn Thành.
Chưa kể, sau khi sáp nhập, SBT sẽ trở thành công ty lớn nhất nắm trong tay 30% thị phần ngành đường trong nước với vùng nguyên liệu lên đến 40.000 ha, chiếm 16% diện tích cả nước; sản lượng mía 3,4 triệu tấn, chiếm 22% sản lượng của cả nước. Những yếu tố này cũng có thể sẽ làm nên một SBT mới đầy hấp dẫn trong mắt giới đầu tư?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.