Cổ phiếu “vua mía đường” Đặng Văn Thành đang... “sốt” ảo?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 29/05/2017 18:30 PM (GMT+7)
Cả 2 mã cổ phiếu SBT và BHS của “ông trùm” ngành mía đường Đặng Văn Thành đang có các phiên tăng giá ấn tượng sau khi có thông tin chính thức sáp nhập 2 công ty này. Dù vậy, theo đánh giá của giới tài chính thì dường như đang có cơn “sốt” ảo về mệnh giá của 2 mã cổ phiếu này...
Bình luận 0

Kết thúc phiên giao dịch chiều 29.5, cổ phiếu SBT (Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh) đã tăng tới 31.200 đồng/CP, tăng mạnh so với thời điểm cách đây 2 tuần khi mệnh giá SBT chỉ ở mức 25.100 đồng/CP. Tương tự, cổ phiếu BHS (Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa) cũng có đà tăng tương ứng, từ mức 18.600 đồng/CP lên mức 22.950 đồng/CP, đây cũng là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu BHS.

img

Đang có cơn sốt ảo với cổ phiếu mía đường của ông Đặng Văn Thành? (Ảnh: IT)

Tiềm lực của SBT và BHS như thế nào?

Theo báo cáo tài chính công khai của SBT trước khi sáp nhập, doanh nghiệp này hiện đang nắm 100% vốn Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai; 30,54% vốn Công ty CP Đường Nước Trong và 39,23% vốn Công ty CP Mía đường Tây Ninh. Vốn hóa thị trường của SBT thời điểm hiện tại là hơn 7.431 tỷ đồng và thị trường chủ yếu của SBT là tập trung bán đường cho các khách hàng sản xuất công nghiệp lớn. Trong khi đó, với BHS thì doanh nghiệp này hiện đang nắm 100% vốn Công ty TNHH MTV Biên Hòa - Ninh Hòa; 94,51% vốn  Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang và 13,08% vốn Công ty CP Mía đường Sơn Dương. Vốn hóa thị trường của BHS hiện tại vào khoảng 6.389 tỷ đồng và khách hàng chủ yếu là thị trường bán lẻ.

Với thương vụ mua lại mảng mía đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cả hai doanh nghiệp này đã góp vốn với tổng giá trị chuyển nhượng là 1,33 nghìn tỷ đồng (khoảng 59,1 triệu USD) để “mua đứt” mảng mía đường của bầu Đức gồm một nhà máy chế biến đường, một nhà máy điện nhỏ và vùng trồng với diện tích 6.000 ha nằm gần nhà máy chế biến đường. Dự án này được bầu Đức đầu tư từ năm 2012 với tổng vốn đầu tư là 1.474 tỷ đồng; công suất chế biến 1.050.000 tấn mía/ năm, tương đương 105.000 tấn đường/năm .

Cụ thể, BHS sẽ bỏ ra 798 tỷ đồng (sở hữu 60% cổ phần) và SBT bỏ ra 532 tỷ đồng mua phần vốn góp còn lại (40%). Việc chuyển nhượng vốn góp diễn ra từ tháng 5 đến hết tháng 12.2017.

Hiện, 2 doanh nghiệp này đã thông qua phương án sáp nhập gồm tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu và kế hoạch hoạt động kinh doanh sau khi sáp nhập. Cụ thể, tỷ lệ hoán đổi là 1:1,02 - nghĩa là cổ đông đang sở hữu 100 cổ phiếu BHS sẽ được đổi thành 102 cổ phiếu SBT. Như vậy, với 297.874.449 cổ phiếu BHS đang lưu hành trên thị trường thì SBT sẽ phải phát hành 303.831.938 cổ phiếu để hoán đổi.

Sau khi chính thức sát nhập, SBT sẽ nắm 100% vốn của BHS. Theo đó, mã BHS sẽ được hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HSX) và chuyển thành Công ty TNHH Một thành viên có tên là Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai. Công ty SBT sau khi sáp nhập sẽ có vốn điều lệ là 5.570 tỷ đồng với khoảng 557.020.205 cổ phiếu được lưu hành trên thị trường.

Cổ phiếu SBT và BHS đang “sốt” ảo?

Thực tế, sau khi sát nhập 2 doanh nghiệp, SBT dự kiến sẽ có vị thế mạnh trong cả mảng bán lẻ và bán buôn đường công nghiệp vì lâu nay SBT vẫn là “cá mập” chuyên tập trung vào bán đường cho các “ông lớn” trong ngành giải khát, bánh kẹo như: Kinh Đô, Tân Hiệp Phát, Pepsi, Vinamilk, Trung Nguyên,… Trong khi đó, BHS lại có vị thế khá tốt trong thị trường bán lẻ đường khi xâm nhập vào hầu hết các kênh siêu thị, tạp hóa... Dù vậy, về dài hạn thì triển vọng ngành lại không mấy khả quan vì có thể xảy ra tình trạng thừa cung.

Về phía quan điểm đầu tư, khá nhiều Công ty Chứng khoán tại TP.HCM cho rằng cổ phiếu mía đường của ông Đặng Văn Thành đang có xu hướng sốt giá ảo. Cụ thể, một chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định, ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu SBT là 13.574 đồng/CP tương đương P/E (Hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) dự phóng là 11 lần. Còn giá trị hợp lý của cổ phiếu BHS là 20.076 đồng/CP; tương đương P/E dự phóng là 11,5 lần.

“Hiện giá cổ phiếu SBT đang khá đắt ở mức 31.200 đồng/CP với P/E là 22,25 lần, còn BHS đang giao dịch trên mức giá trị hợp lý ở mức 22.950 đồng/CP với P/E là 12,8 lần. Nếu so với ước tính giá trị hợp lý mà chúng tôi tính toán thì thị giá 2 mã cổ phiếu thời điểm hiện tại được định giá là quá cao”, đại diện này khuyến cáo.

Đồng quan điểm, phía Công ty Chứng khoán Rồng Việt cũng khuyến nghị, bằng các phương pháp đánh giá, chúng tôi thấy dường như đang có cơn sốt ảo với 2 mã cổ phiếu SBT và BHS, do vậy chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên chốt lời cả 2 cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem