Cảnh báo đợt dịch hại tấn công cây trồng

Thứ sáu, ngày 02/11/2012 09:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) vừa đưa ra cảnh báo về một đợt dịch hại mới sẽ tấn công lúa, cây trồng trong vụ đông, đông xuân 2012- 2013 ở các tỉnh phía Bắc.
Bình luận 0

Nguy cơ bùng phát bệnh chồi cỏ mía, chổi rồng

TS Bùi Sĩ Doanh- Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết: “Bệnh chổi rồng và rệp sáp bột hồng vốn phát sinh và gây hại trên cây sắn ở các tỉnh phía Nam. Vì thế, trong vụ đông xuân 2012- 2013, các tỉnh phía Bắc cần theo dõi sát sao, sớm phát hiện để xử lý kịp thời các loại bệnh này có thể lây lan”.

img
Người phụ nữ mếu máo bên luống rau bị sâu phá hại. (ảnh chụp tại huyện Từ Liêm, Hà Nội).

Riêng bệnh chồi cỏ trên mía, theo dự báo sẽ tiếp tục phát sinh gây hại tại Nghệ An. Báo cáo mới nhất của Cục BVTV cho thấy, ở vụ hè thu- vụ mùa 2012, có hơn 3.200ha mía ở Nghệ An bị nhiễm bệnh chồi cỏ, tăng 953ha so với năm trước. “Cần tập trung theo dõi các tỉnh xung quanh vùng dịch, tiếp tục vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy cây bệnh”- ông Doanh khuyến cáo.

Trên các loại rau màu khác, theo cảnh báo của Cục BVTV, cũng sẽ có đối tượng sâu, bệnh hại tấn công. Trong đó, cây ngô sẽ bị rệp hại, bệnh khô vằn, sâu đục thân…; cây rau họ hoa thập tự sẽ bị sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang gây hại mạnh trên cả 2 trà chính vụ và muộn. Đặc biệt, đối với cây trồng vụ đông, chuột là đối tượng cần theo dõi và áp dụng các biện pháp phòng trừ.

Cảnh giác virus hại lúa

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2012 – 2013, 31 tỉnh, thành thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ dự kiến gieo cấy gần 1,2 triệu ha lúa. Để phòng bệnh trên cây trồng, Cục BVTV yêu cầu các địa phương gieo trồng vụ đông xuân đúng lịch thời vụ, mật độ gieo cấy hợp lý, bón phân cân đối theo nhu cầu sinh trưởng cho cây lúa, không bón thừa đạm, đẩy mạnh diện tích chương trình 3 giảm, 3 tăng trên cây lúa…

Ông Ngô Tiến Dũng- Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết: “Sắp tới, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn… là những dịch hại chính xuất hiện trên lúa. Đối với bướm lứa 1 rộ khoảng từ đầu đến giữa tháng 3, sâu non hại diện hẹp lúa sớm vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 với mật độ thấp”.

Trên thực tế, ở vụ hè thu- vụ mùa, bệnh lùn sọc đen phát sinh gây hại ở 10/31 tỉnh, thành phía Bắc với tổng diện tích nhiễm 472ha; bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cũng phát sinh gây hại cục bộ ở Cao Bằng. Đây là những nguồn bệnh có thể lây lan sang vụ đông xuân.

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, theo ông Dũng cần đặc biệt lưu ý rầy lứa 2, lứa 3. Riêng lứa 2, rầy cám ra rộ từ cuối tháng 4, hại chủ yếu trên lúa sớm- chính vụ giai đoạn ôm đòng- ngậm sữa trên các giống Bắc thơm số 7, IR 64, IR 1820, Tạp giao và các giống lúa Trung Quốc như Nhị ưu, D.ưu 527, Bắc ưu… Diện phân bố rộng, mật độ phổ biến từ 500 - 1.000 con/m2, cao 5.000 - 6.000 con/m2, thậm chí có ổ trên 1.000 con, gây cháy ổ nhỏ vào cuối tháng 4 đầu tháng 5….

“Các giống lúa nhiễm đạo ôn, nhiễm rầy vẫn đang được gieo trồng phổ biến trên đồng ruộng, trong khi đó theo dự báo, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, thuận lợi cho dịch hại phát sinh gây hại trên cây trồng” - ông Dũng cho biết thêm. Đặc biệt, cần cảnh giác với những bệnh do virus gây hại trên lúa, nhất là lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem