Cụ thể, từ giữa tháng 5 và tháng 6.2016, cơ các quan chức năng đã thu giữ 199 kiện hàng với tổng trọng lượng 2,5 tấn. Trước đó vào trung tuần tháng 5.2016, tại TP.HCM đã phát hiện thu giữ 5 lô hàng khác với tổng trọng lượng 1,2 tấn.
Theo Thiếu tướng, PGS-TS Ngô Sỹ Hiền, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, lá KHAT có tên khoa học là catha edulis, là loại cây bụi được trồng chủ yếu ở Châu Phi (Đông Phi, Nam Phi).
Trong lá khat có chứa hơn 40 chất hoá học khác nhau nhưng hoạt chất chính gây lên tác dụng điển hình của lá KHAT là cathinone, cathine, 2 chất này được phân bố chủ yếu trong lá non và chồi cây.
Đáng chú ý, hoạt chất Cathinone, cathine trong lá khat có tác dụng kích thích hệ thống thần kinh trung ương: Khi dùng người sử dụng bị kích thích mạnh thần kinh trung ương dẫn đến hưng phấn, sảng khoái, hoạt bát, dễ gần, dễ nói chuyện, kích thích ham muốn tình dục… nhưng khi thuốc đào thải hết mà không dùng tiếp sẽ thấy mất ngủ (thèm ngủ nhưng không thể ngủ được), lo âu, hồi hộp, sợ hãi, mệt mỏi… khi đó thôi thúc người dùng sử dụng lại để mất các cảm giác này và tần xuất sử dụng cũng tăng dần, liều sử dụng cũng tăng dần (do ngưỡng đáp ứng tăng dần).
Các lô hàng lá KHAT bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: CTV
Cuối cùng dần dần người sử dụng sẽ bị lệ thuộc (nghiện) và chịu những tác dụng tiêu cực về sức khỏe: Rối loạn lo âu hay phiền muộn, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, chán ăn, mệt mỏi, suy giảm khả năng tình dục. Sử dụng lâu dài, hệ thống não bộ bị tàn phá và người dùng bị loạn thần, hoang tưởng, ảo giác, hoảng loạn, tấn công người khác, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ dẫn đến tử vong do tác động mạnh...
“Nếu không kiểm soát tốt lá KHAT thì nó dễ bị giới trẻ lạm dụng do cách dùng tương tự dùng “chè búp” và đặc biệt từ lá khát có thể tách chiết ra chất cathinone là loại chất gây nghiện mạnh (được xếp trong bảng 1 các chất ma tuý rất độc, tuyệt đối cấm sử dụng”, Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền nói.
Mặc dù tính nguy hại được cảnh báo nhưng về mặt quản lý Nhà nước hiện nay đang có không ít những khó khăn bất cập. Trong đó, chỉ có chất Cathinone và cathine là có tên trong danh mục cấm thuộc Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, lá KHAT lại chưa có trong danh mục dẫn đến khó khăn trong công tác điều tra truy tố và xét xử.
Để phòng ngừa và chặn đứng khả năng sử dụng loại ma túy mới này, đề nghị cơ quan chức năng sớm trình Chính phủ đưa lá KHAT bổ sung vào danh mục ma túy thuộc Nghị định 82/2013/NĐ-CP tương tự như đối với cần sa.
Đào Minh Khoa (CAND)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.