Cảnh báo nguy hiểm từ rượu pha cồn công nghiệp, nước ngọt

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 28/08/2022 17:38 PM (GMT+7)
Liên tiếp 2 vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng xảy ra mới đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ngộ độc rượu pha chế từ cồn công nghiệp. Điều đáng nói, trong khi các quy định xử phạt còn chưa đủ sức răn đe thì nhiều người dân vẫn xem nhẹ mối nguy hiểm từ các loại rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bình luận 0
Cảnh báo nguy hiểm từ rượu pha cồn công nghiệp, nước ngọt - Ảnh 1.

Một ca cấp cứu ngộ độc rượu. Ảnh: BVCC

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đánh giá, tính chất của cả 2 vụ việc rất nghiêm trọng, trong đó có thể thấy rõ là người dân vẫn chưa ý thức cũng như chưa lường hết được sự nguy hiểm khi sử dụng rượu, nhất là rượu không bảo đảm chất lượng, không có nguồn gốc. Thậm chí, một số người còn pha rượu với nước ngọt, với cồn công nghiệp, cồn rửa tay là vô cùng nguy hiểm.

Theo bà Lan, nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này là do tâm lý người dân cảm thấy bức bí sau thời gian dài giãn cách xã hội bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khi dịch tạm thời lắng xuống, người dân hay có xu hướng tụ tập, ăn nhậu nhiều hơn. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến thu nhập giảm khiến một bộ phận người dân tìm đến các loại rượu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, bán trôi nổi.

Đồng thời, hiện nay lượng cồn sát khuẩn, rửa tay tồn kho tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, hay tại nhà dân mua trữ mà chưa sử dụng hết trong đợt dịch Covid-19 cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm. Đôi khi do cố tình hoặc vô ý, người dân đã pha trộn cồn sát khuẩn vào rượu để sử dụng và dẫn đến ngộ độc.

Ngoài ra, hiện nay có một kẽ hở lớn khiến rượu pha cồn công nghiệp vẫn len lỏi trong đời sống, đó là thông qua các tiệm tạp hóa. Rượu bán ở đây hầu hết không có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ, đựng trong các can nhựa bán theo lít, theo chai không thể kiểm soát. Thực tế, tại hầu khắp các quán tạp hóa đều có bán rượu với giá rất rẻ, chỉ từ 15.000 đồng đến 30.000 đồng/lít. Tuy nhiên, việc kiểm soát những địa điểm kinh doanh này hiện gặp nhiều khó khăn bởi không thể nào kiểm tra hết toàn bộ tiệm tạp hóa trên địa bàn.

Theo các chuyên gia, bằng vị giác và khứu giác, con người không thể phân biệt rượu ethanol và rượu chứa độc chất methanol. Cách duy nhất để phân biệt là thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Cồn công nghiệp có giá rất rẻ và thường chứa lẫn methanol. Vì lợi nhuận và không muốn tốn thời gian, công sức, nhiều người đã dùng cồn công nghiệp để pha chế thành rượu rồi bán cho người tiêu dùng mà không chưng cất để loại methanol. Nếu uống rượu lẫn methanol, dù chỉ 10% cũng gây ngộ độc và dẫn đến tử vong nhanh.

Trước thực tế, nhiều người dùng các loại nước ngọt pha vào rượu bia để uống, theo chuyên gia Trần Hồng Côn, việc này cũng gây nguy hại cho sức khỏe dù các loại nước này đều nằm trong danh mục các chất đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), pha rượu với những loại nước có gas, bia, cà phê, hoa quả công nghiệp nhiều phẩm màu... rất có hại cho sức khỏe.

Khi pha chung với rượu, hàm lượng các chất kích thích tăng cao, do nước là dung môi làm hòa tan nhiều thành phần hoạt chất. Chất kích thích, độc chất ngấm sâu vào máu đến hệ thần kinh khiến hiện tượng ngộ độc đến sớm hơn so với thức uống thông thường.

Rượu pha bia khiến lượng cồn nhanh chóng được hấp thu vào máu dưới tác động của các hương liệu, phụ gia và những chất khác biệt. Do đó khi uống rượu pha, cơ thể có cảm giác hưng phấn, dễ bị say nhưng lại gây mệt mỏi, uể oải khi thức dậy.

Cảnh báo nguy hiểm từ rượu pha cồn công nghiệp, nước ngọt - Ảnh 2.

Rượu không nguồn gốc bán tràn lan, giá rẻ. Ảnh: P.V

Uống rượu pha với nước ngọt có gas hay soda chứa nhiều CO2, khiến quá trình hấp thu cồn nhanh hơn, làm người uống đau đầu, chóng mặt, hại cho não bộ, suy giảm trí nhớ, kém linh hoạt, giảm thông minh, thậm chí mất ý thức khi uống quá nhiều.

Đường có trong rượu pha nước ngọt làm cho rượu phân tán nhanh khắp nơi trong cơ thể người uống, đặc biệt là hệ thần kinh, do đó làm cho người uống dễ say nhanh và nhiều hơn. Kết hợp rượu và nước ngọt cũng làm giãn mạch máu ở da, nhưng lại gây co mạch ở các phủ tạng sâu khác, dẫn đến huyết áp cao đột ngột, có thể tử vong.

Tác hại khi pha rượu với nước tăng lực còn nguy hại hơn rất nhiều. Lượng caffeine trong nước tăng lực cao khiến người uống dù say, ngừng uống vẫn tỉnh táo, gây nguy cơ ngộ độc rượu tăng cao.

Ngoài ra, hỗn hợp này còn có thể gây ra nhiều tác hại như thời gian say dài hơn, đau đầu, tiêu chảy, nôn, nhịp tim tăng, mệt mỏi, chuột rút, rối loạn giấc ngủ và phán đoán sai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem