Cảnh báo "say đòn" trả "giá ảo" trong phiên đấu giá đất

Trần Kháng Thứ tư, ngày 17/11/2021 06:45 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, tỉ lệ các phiên đấu giá đất trên các tỉnh thành tăng cao. Cùng với đó, sức nóng các phiên đấu giá rất dễ khiến nhiều nhà đầu tư "say đòn" trả giá cao, đến mức thành "ảo".
Bình luận 0

"Ồ ạt" đấu giá đất dịp cuối năm

Ngay sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều hoạt động xã hội trở lại bình thường sau nhiều ngày giãn cách xã hội. Nhiều địa phương trên cả nước cũng đồng loạt tổ chức đấu giá đất trong những tháng cuối năm, nhằm đảm bảo kế hoạch đề ra và gia tăng nguồn ngân sách.

Cảnh báo "say đòn" trả "giá ảo" trong phiên đấu giá đất - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư tham gia vào một phiên đấu giá đất tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cuối tháng 10 vừa qua. Ảnh: Trần Kháng

Theo khảo sát PV Dân Việt, chỉ tính riêng từ đầu tháng 10/2021 đến nay, UBND tỉnh Ninh Bình đã liên tiếp ban hành 13 quyết định về việc phê duyệt giá khởi điểm để các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai đấu giá quyền sử dụng đối với 1.057 lô đất ở. Trong số này, hầu hết là diện tích đất nông nghiệp thu hồi của các hộ dân.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đấu giá quyền sử dụng đất vào dịp cuối năm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tăng cao là do áp lực "chạy đua" để hoàn thành các chỉ tiêu về thu ngân sách và trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản. Hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chỉ trông chờ vào đấu giá quyền sử dụng đất để thu ngân sách và có nguồn để trả nợ đầu tư xây dựng cơ bản.

Tương tự, nhiều phiên đấu giá đất tại Hà Nội cũng đã và dự kiến sẽ thực hiện ngay trong tháng 11 này. Đơn cử như, ngày 19/11 tới đây, Công ty Đấu giá Hợp danh Số 5 - Quốc Gia cũng tổ chức phiên đấu giá đất khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng cầu Văn Phương, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.

Cũng trong tháng 11 này, 31 thửa đất thuộc Nhóm I - khu Đồng Khoang Bèo Tiên Trượng tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ được tổ chức đấu giá. Các thửa đất này có tổng diện tích 3.159,91 m2, diện tích từng thửa từ 80,1 m2 đến 130,1 m2. Giá khởi điểm của các thửa đất trên là 28,7 triệu đồng/m2.

Cảnh báo "say đòn" trả "giá ảo" trong phiên đấu giá đất - Ảnh 2.

Một khu đất đấu giá trên địa bàn huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Ảnh: Trần Kháng

Theo kế hoạch của TP Hà Nội, trong năm 2021, thành phố sẽ đấu giá quyền sử dụng đất 446 dự án, tổng diện tích 177,29 ha, dự kiến số tiền trúng đấu giá là hơn 23,6 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2022, UBND thành phố cũng có kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất 507 dự án; tổng diện tích đất đấu giá là 422,07 ha; tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến 38 nghìn tỷ đồng.

Dịp cuối năm này, tỉ lệ các phiên đấu giá đất tăng cao ở nhiều thành như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An…

Cẩn trọng "say đòn" trả giá cao

Trong bối cảnh dịch Covid-19, bất động sản đang được coi là kênh đầu tư an toàn, thông tin về các phiên đấu giá đất càng được giới đầu tư "săn đón". Kết quả các phiên đấu giá thường cao hơn gấp nhiều lần so với giá khởi điểm.

Đơn cử như phiên đấu giá đất khu X4, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Dù chỉ có 25 lô đất được đưa ra đấu giá nhưng có khoảng 800 - 900 hồ sơ nộp, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn nộp từ 5 – 10 bộ hồ sơ. Sau khi phiên đấu giá kết thúc, kết quả trúng đấu giá khiến nhiều người giật mình vì cao gấp 2-2,6 lần mức giá khởi điểm, giá trúng cao nhất là 364 triệu đồng/m2.

Cảnh báo "say đòn" trả "giá ảo" trong phiên đấu giá đất - Ảnh 3.

Lô đất X4 phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội có giá trúng 364 triệụ đồng/m2. Ảnh: Trần Kháng

Hay, việc tỉnh Nam Định phê duyệt cho 6 lô đất tại xã Mỹ Thắng (huyện Mỹ Lộc) có giá khởi điểm 110 triệu đồng/m2, diện tích từ 87,7 đến 107,3 m2, tương đương 9 đến 11 tỷ đồng/ lô đất cũng khiến nhiều người "giật mình".

Trước làn sóng gia tăng các đợt đấu giá đất ở nhiều địa phương, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc đẩy mạnh đấu giá đất cùng với việc giá khởi điểm và giá trúng đấu giá tăng cao sẽ góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, dưới góc độ dài hạn, việc đấu giá đất ồ ạt đôi khi chỉ thỏa mãn việc tăng ngân sách địa phương trong giai đoạn trước mắt, tương lai sẽ không còn chỗ để thu nữa. Do đó, các hoạt động đấu giá đất phải được căn cứ vào quy hoạch phát triển địa phương.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng Do không phê duyệt được các dự án chính thống, không có nguồn thu nên các địa phương tạo ra các dự án đấu giá đất để cung cấp nguồn cung cho thị trường. Bởi đối với dự án đấu giá đất thì tính pháp lý sẽ đơn giản và ít rào cản hơn do đây là đất công.

Theo ông Đính, khi đấu giá, các địa phương sẽ đưa ra mức giá khởi điểm bằng với giá mặt bằng theo quy định giá đất của địa phương. Cho nên khi vào phiên đấu giá, các nhà đầu tư sẽ liên tục đẩy giá lên, thậm chí có những nơi nhà đầu tư "hăng chiến", nghĩ rằng ít hàng, khan hàng thì giá đất phải cao, phải "sốt", dẫn đến việc giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm…

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, tại các phiên đấu giá đất, cần siết chặt hơn nữa quy trình tổ chức các phiên đấu giá đất tại các địa phương để tránh việc trục lợi, "quân xanh, quân đỏ, chân gỗ" vốn được xem là "lỗ hổng" cần sớm được khắc phục. Điển hình mới đây, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam bà Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vimedimex về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản tiếp tục cho thấy sự bức thiết của công tác này.

Đặc biệt, theo vị luật sư trên cảnh báo, đối với các nhà đầu tư cần tham gia một cách tỉnh táo để tránh bị đẩy giá lên. khi tham gia các phiên đấu giá đất với tâm lý "ganh đua" rất dễ bị "say đòn" trả giá cao hơn nhiều mức mục tiêu để rồi bị đẩy giá. Sau đó, dẫn tới tình trạng "bỏ cọc", gây phiền hà cho cơ quan quản lý khi phải tổ chức đấu giá lại.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem