Cảnh báo thảm họa chực chờ

Thứ tư, ngày 11/05/2011 15:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông tại nhiều địa phương ở ĐBSCL diễn biến với chiều hướng hết sức phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân. Sạt lở hoàn toàn không phải là điều ngẫu nhiên.
Bình luận 0

Thảm hoạ chực chờ

Vụ sạt lở rạng sáng 9.5 tại chợ Long Hòa thuộc phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ, khiến 2 người là bà Võ Thị Tuyết (SN 1933), chị Dương Thị Hoàng Loan (SN 1981) bị chết ngạt và 5 người bị thương nặng, 12 ki-ốt chìm xuống sông… là hồi chuông cảnh tỉnh mới nhất cho các địa phương ĐBSCL.

Nhiều người dân ở chợ dậy sớm khi đó đã không khỏi rùng mình chứng kiến cảnh tượng dòng sông “ngốn” sạch mọi thứ ven bờ… Đó là vụ sạt lở nghiêm trọng thứ 3 tại TP.Cần Thơ chỉ trong vòng 15 ngày, dù chưa vào mùa nước nổi, chảy xiết.

img
Vụ sạt lở chợ Long Hòa ngày 9.5, khiến 2 người chết ngạt.

Năm 2010, trên địa bàn TP.Cần Thơ xảy ra nhiều điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài gần 200m, làm 2 người chết, 7 căn nhà sụp đổ xuống sông, thiệt hại hàng tỷ đồng. Điển hình như vụ sạt lở bờ sông tại đường dẫn cầu Trà Niền - thuộc thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền vào ngày 6.3.2010 đã làm 5 căn nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông, hai bà cháu bị thiệt mạng.

Khảo sát của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cho thấy: Trên địa bàn tỉnh An Giang, khu vực ven sông Tiền hiện có 13 điểm sạt lở thường xuyên, với cung trượt 2 - 30m/năm. Còn dọc bờ sông Hậu, đoạn qua tỉnh An Giang có đến 25 điểm sạt lở.

Ở Đồng Tháp, tình trạng sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu cũng đang diễn biến phức tạp, nhất là khi vào mùa nước nổi. Toàn tỉnh này hiện có khoảng 99 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 172km, thuộc địa phận 44 xã, phường, thị trấn; tập trung nhiều nhất ở các huyện: Hồng Ngự, Thanh Bình, Châu Thành và TX.Sa Đéc.

Nhiều nơi, sạt lở ăn sâu vào bờ đến 25m… Trong khi đó, các địa phương ở tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau... cũng liên tiếp xảy ra sạt lở bờ sông gây thiệt hại lớn.

Do con người!

Theo đánh giá ban đầu của Bộ TNMT: Nguyên nhân sạt lở bờ sông liên tục xảy ra ở các tỉnh ĐBSCL là do nền đất yếu, luồng lạch không ổn định, chế độ dòng chảy phức tạp; cấu tạo nền địa chất mềm của dòng dẫn tạo nên biến động dòng chảy gây sạt lở bất ngờ. Nước lũ và triều cường gây nhiều phản áp, có sức bào mòn, xoáy lở mạnh, đe dọa nhiều đoạn sông, kênh, đê biển. Nạn khai thác cát bừa bãi, ồ ạt, trái phép với khối lượng lớn cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sạt lở ngày càng diễn biến theo hướng nghiêm trọng…

Theo ông Ni, những năm tới, sạt lở sẽ còn diễn ra trầm trọng và ngay cả những vùng sâu, trước đây luôn được bồi lắng… cũng không tránh được thảm hoạ. Nước sẽ chỉ tập trung vào các con sông ít ỏi chưa bị cống đập ngăn để tìm đường ra biển và dĩ nhiên, tốc độ dòng chảy sẽ gia tăng khốc liệt, tàn phá cả những vùng đất vốn hiền hòa.

“Sạt lở ven sông ngày càng gia tăng vì dòng chảy đang tăng tốc. Nhưng ngoài yếu tố khách quan đó, còn có nguyên nhân chủ quan do chính con người” - tiến sĩ Dương Văn Ni - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu- Thực nghiệm- Đa dạng sinh học Hòa An (Trường ĐH Cần Thơ), khẳng định. Trước tiên, ông đề cập đến các con đập thủy điện phía thượng nguồn của Trung Quốc, Thái Lan, Lào…

“Tổng lượng nước đổ về hạ nguồn mỗi năm có thể không thay đổi, nhưng lượng nước phân bổ vào từng tháng sẽ biến đổi mỗi khi nước được giữ lại, xả ra tại các con đập này. Do đó, dòng chảy sẽ lệch pha so với dòng chảy tự nhiên trước đây” - ông Ni phân tích. Mỗi khi nước được xả ra ồ ạt từ các con đập sẽ khiến cường độ dòng chảy phía hạ nguồn tăng mạnh.

Do sự xuất hiện của các cống ngăn mặn phía bán đảo Cà Mau, hay gần đây là Dự án Thủy lợi Ô Môn - Xà No (vận hành tại TP.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang) hoàn thành với hệ thống đê bao khép kín, hàng trăm con đập ngăn nước… khiến nhiều cửa sông gần như bị bít (để ngăn mặn), nên lực đẩy lúc nước lớn của biển Đông chỉ còn tập trung chủ yếu vào sông Tiền và sông Hậu.

Đồng thời, hàng loạt công trình đê bao khép kín ngăn nước tràn vào nội đồng cũng khiến dòng chảy từ thượng nguồn đổ về cũng chủ yếu tập trung vào hai con sông này. Do đó, khi hiện tượng “dội” nước xảy ra, vô tình sẽ tạo lực nước rất lớn và gây ra sạt lở tại các cửa sông trên sông Tiền, sông Hậu.

Khi nước “dội”, sẽ “theo các con sông lớn, nhỏ tràn thoát về biển Tây, vô tình cũng bị các công trình đê bao khép kín làm nước không thể tràn sang hai bên để giảm lưu lượng. Chính sự tập trung nước vào các con sông đã khiến dòng chảy càng xiết, xói lở càng cao” - ông Ni khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem