Cánh Diều Bạc phim ngắn là sản phẩm "ăn cắp"?

Thứ năm, ngày 24/03/2011 18:27 PM (GMT+7)
Một website từ hải ngoại đưa ra "phát hiện" bất ngờ: Phim “Đường kiến” của đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa đoạt giải Cánh Diều Bạc thể loại phim ngắn (không có giải Vàng) là sản phẩm "ăn cắp" từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kinh Dương Vương, được in từ năm 1969.
Bình luận 0

Cùng với phim ngắn "Mẹ và con" (đạo diễn Phan Huyền My), phim "Đường kiến" đoạt giải cao nhất (không có Cánh Diều Vàng) cho thể loại phim lần đầu tiên được xét giải tại lễ trao giải Cánh Diều của Hội Điện ảnh vào 14.3.2011. Trước đó, tác phẩm dính "nghi án" đã tham gia Liên hoan phim ngắn Sinh viên lần thứ ba do Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội tổ chức.

Theo website kể trên: "Phim “Đường kiến” đã ăn cắp ý tưởng và, trắng trợn hơn nữa, ăn cắp ngay cả nhan đề của truyện ngắn “Đường kiến” của nhà văn Kinh Dương Vương (một bút danh của hoạ sĩ Rừng, tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh). Từ truyện đến phim, chỉ có một chi tiết được thay đổi: nhân vật chính trong truyện “Đường kiến” của Kinh Dương Vương là một người lính Việt Nam Cộng hoà, khi nhân vật này bị ăn cắp đem vào kịch bản phim thì biến thành một người lính Mỹ".

img
Thiều Hà Quang Nghĩa và Phan Huyền My nhận giải Cánh Diều Bạc hôm 13.3. Ảnh: VNE

Cũng theo website này, trên tất cả báo chí Việt Nam trong những ngày qua, không hề có một thông tin nào ghi nhận rằng cuốn phim "Đường kiến" đã mượn ý tưởng của truyện ngắn "Đường kiến" của nhà văn Kinh Dương Vương. Phát biểu trước báo chí, đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa không hề nhắc đến truyện ngắn ấy.

Phát biểu của Thiều Hà Quang Nghĩa trên VnExpress sau khi đoạt giải được dẫn lại. Theo đó, đạo diễn trẻ sinh năm 1984, hiện là sinh viên khoa Đạo diễn Điện ảnh khóa 27 của Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, nói:

“Khi làm bộ phim tôi không định kể câu chuyện về ‘ta’ hay ‘ịch’, tôi muốn kể về người lính, về con người trong chiến tranh. Bộ phim có ý nghĩa phản chiến, nói lên tội ác của chiến tranh... Bố tôi cũng là một người lính trong chiến tranh, bản thân tôi hiểu sự mất mát đó.... Chiến tranh đã qua đi rất lâu rồi, nhờ có một độ lùi về thời gian, những người trẻ thời hiện đại sẽ nhìn cuộc chiến từ những góc độ mới. Họ sẽ thấy chiến tranh gây nên mất mát cho cả hai phía".

img
Cảnh trong Đường kiến
img
img
Truyện "Đường kiến"

Khi so sánh 12 trang truyện ngắn in trên một tạp chí về văn chương thì có những đoạn văn với nội dung giống hệt như những gì mà báo chí đã thuật lại về nội dung của phim “Đường kiến” (dài 18 phút). Điều này có nghĩa giữa truyện và phim không còn là chuyện "giông giống nhau", "trùng ý tưởng" hay "tư tưởng lớn gặp nhau" nữa.

Như vậy phải chăng, thêm một lần nữa giải thưởng điện ảnh Cánh diều vướng phải sự cố đạo ý tưởng, tác phẩm của người khác; sau sự cố bộ phim truyện nhựa Giao lộ định mệnh đã bị gạt khỏi danh sách đề cử trước thềm lễ trao giải do quá giống với một phim được làm trước đó 20 năm của Mỹ? Uy tín của giải Cánh diều lại bị tổn thương thêm một lần nữa?

Đường kiến lấy bối cảnh chiến trường miền Nam Việt Nam mùa khô năm 1967. Sau một trận đánh ác liệt, chỉ còn một lính Mỹ sống sót. Bị thương và đói, anh bò đi xa dần khỏi bãi chiến trường. Trên đường, người lính Mỹ nhìn thấy một đàn kiến bò thành hàng và mang trên lưng chúng những mẩu cơm. Anh nhặt những mẩu cơm đó và lần theo đường kiến để tìm nguồn thức ăn thì trông thấy một người lính Việt Nam đã hy sinh, bên cạnh là một nắm cơm...

Tên phim Đường kiến được đặt theo ý tưởng then chốt trong câu chuyện: đường đi của đàn kiến mang theo thức ăn và hy vọng sống của người lính Mỹ đang cận kề cái chết. Việc dõi theo đường đi của đàn kiến là một hành động rất trẻ thơ, được lồng vào bối cảnh chiến tranh và câu chuyện đi tìm sự sống của người lớn, tạo nên sức gợi mới....

Theo Bee
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem