Cánh diều người Chăm

Thứ hai, ngày 28/06/2010 16:56 PM (GMT+7)
(NTNN) - Với người Chăm ở vùng Ninh Thuận (Bình Thuận), thả diều không đơn thuần là một trò chơi truyền thống, nó còn có ý nghĩa đặc biệt ở một số nghi lễ trong đó có lễ thả diều cầu an hàng năm để cầu mong trời tạnh ráo phục vụ cho việc thu hái, phơi phóng nông sản.
Bình luận 0
img
Diều của người Chăm.

Tiếng Chăm gọi diều là kalang. Theo quan niệm của đồng bào, cánh diều là sợi dây liên lạc nối liền thế giới tổ tiên "muk kei" và thế giới người đang sống, qua đó con cháu báo cáo tình hình làm ăn cũng như sức khoẻ với tổ tiên, đồng thời cầu mong tổ tiên ban phúc lành năm sau.

Vào ngày tổ chức lễ, bà con mặc bộ đồ truyền thống Chăm, tập trung đến một bãi đất rộng đầu làng - nơi dựng sẵn một cái rạp vuông nhỏ để thực hiện nghi lễ thả diều, còn gọi là Papăn kalang Pô Yang In. Cánh diều được thiết kế theo giới tính diều đực và diều cái. Diều đực hình thoi, có hai túi tròn, khung thân dài 1,5m, cánh dài 0,6m, rộng 1,4m, được làm bằng tre và buộc dây mây.

Mặt trước cánh dán giấy đỏ, mặt sau dán tờ giấy ghi ngày con cháu thực hành nghi lễ và sử lược về Ngài Pô Yang In do ông chủ lễ thảo bằng chữ Chăm. Diều đực được gắn sáo hai tầng và ba cái đuôi dài chừng 5m bằng lá buông to bản. Dây buộc diều là dây màu (dây rừng) được tết vận thừng, dài từ 50-100m, cuộn trong khung gỗ hình chữ H. Diều cái chỉ lớn bằng 1/3 diều đực, không có túi, không dán giấy viết sự tích Pô Yang, sáo diều một tầng.

Ông chủ lễ dâng lễ vật gồm chuối, trứng, trầu cau, rượu, thịt dê hay chè xôi... và làm phép mời Ngài Pô Yang In về chứng giám cho lòng thành của con cháu. Lễ vật này tượng trưng cho sự thịnh vượng của con cháu trong một năm làm ăn. Tiếp đó, một phụ nữ tiêu biểu nhất của làng (đã được chọn trước) nâng cánh diều từ trong rạp đi ra rồi thả dây.

Chiếc diều đã được gắn ống sáo nên khi lên cao, gặp gió mạnh phát ra âm thanh vi vu. Đồng bào cho rằng, diều lượn càng uyển chuyển, tiếng sáo càng thanh chứng tỏ sự hưởng ứng của các bậc thần linh càng nhiều. Ở dưới đất, đồng bào vừa kéo đàn vừa ca hát nhảy múa những bài hát truyền thống...

Thả diều từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống và có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Chăm. Thả diều không chỉ là một trò chơi thông thường mà sâu xa hơn, nó chính là chiều sâu tâm nguyện cũng như triết lý sâu sắc của tộc người Chăm. Cánh diều chao liệng trên bầu trời vừa mang giá trị văn hóa dân tộc, vừa gợi nét thanh bình hiện vẫn được đồng bào Chăm bảo lưu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem