Diệu Linh
Thứ bảy, ngày 12/09/2020 06:00 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia y tế, trẻ bị sốt xuất huyết (SXH) sẽ có các triệu chứng nhẹ hơn người lớn nhưng nếu biến chứng thì sẽ diễn biến nhanh và nặng, do vậy cha mẹ không được lơ là, chủ quan.
TS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, thời gian gần đây Trung tâm liên tục tiếp nhận các bệnh nhân SXH. Đáng nói, có cả nhũ nhi mới 5-6 ngày tuổi đã mắc SXH. Nguyên nhân có thể do mẹ mắc SXH, sau đó muỗi đốt mẹ và đốt sang bé khiến bé mắc bệnh.
"Hiện Trung tâm đang điều trị cho 7 bệnh nhân mắc SXH. May mắn chưa có trường hợp nào biến chứng nặng, tử vong. Dự báo thời gian tới, trẻ mắc SXH sẽ gia tăng vì thời tiết chuyển mùa mưa, muỗi sẽ bùng phát và làm lây nhiễm SXH" - TS Lâm nhận định.
Trẻ điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: D.L
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính từ đầu năm đến ngày 6/9, trên địa bàn thành phố có 1.800 ca SXH, trong đó có 2 ca tử vong (1 ca 17 tuổi, 1 ca 57 tuổi), đều đến viện muộn. Số ca mắc tăng nhanh từ đầu tháng 8, trong tuần đầu tháng 9 cũng đã tăng hơn 220 ca.
Còn tại TP.HCM vài tuần gần đây, mỗi tuần tăng 500-600 và cũng đã có 1 ca tử vong là thiếu nữ 16 tuổi, đến bệnh viện muộn. Tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM có gần 12.000 ca SXH.
Chị Thế Thị Thu Trang (Đan Phượng, Hà Nội) đang có con trai bị SXH điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, con chị đã nhập viện được 8 ngày. Cháu mệt nhiều, kém ăn, da mẩn đỏ. Ở nhà chị còn có 1 con nhỏ 4 tuổi mắc bệnh, còn chồng chị cũng vừa khỏi bệnh SXH. "Dù biết SXH là bệnh thường gặp nhưng tôi cũng khá lo lắng vì các cháu còn nhỏ, mệt mỏi nhiều nên phải theo dõi chặt chẽ. Do cháu lớn có triệu chứng nặng hơn nên nhập viện còn cháu nhỏ được chăm sóc tại nhà" - chị Trang cho biết.
Theo TS Lâm, trẻ mắc SXH ở giai đoạn ban đầu thường có biểu hiện sốt nhẹ, đau người, mệt mỏi… Sau đó khoảng 2-3, ngày trẻ bắt đầu có biểu hiện sốt ca, ban xuất huyết dưới da đau bụng, nôn ói, kém ăn, rối loạn ý thức. Trong những trường hợp nặng có thể có biểu hiện sốc do mất dịch.
"Giai đoạn đầu khi bị SXH rất dễ bị nhầm với các bệnh khác. Vì thế, cần phải theo dõi chặt trẽ các dấu hiệu cảnh báo của trẻ, nhất là những triệu chứng điển hình như đau bụng, xuất huyết dưới da, mất nước, nôn ói. Khi trẻ bị SXH cần phải có biện pháp chăm sóc hợp lý như hạ sốt, cho nằm nơi thoáng mát, chế độ ăn hợp vệ sinh, tăng cường dinh dưỡng, bảo đảm trẻ có sức khỏe chống lại bệnh tật" - TS Lâm cảnh báo.
Tại Trung tâm các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 60 ca mắc SXH, chủ yếu là mắc ở thời điểm tháng 8 và tháng 9.
Sai lầm cần tránh khi chăm sóc trẻ SXH
TS Lâm khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện sốt kèm theo đái ít, mệt mỏi, kém ăn, nặng hơn là xuất huyết nhiều nơi trên da, niêm mạc, thậm chí xuất huyết tiêu hóa, có thể rối loạn ý thức, lơ mơ, ngủ gà, thậm chí li bì, hôn mê... đó là dấu hiệu cần phải theo dõi thường xuyên, nếu khác thường phải đưa đến khám cho vào nhập viện để chăm sóc điều trị kịp thời.
Theo TS Lâm, thời gian qua không ít cha mẹ mắc các sai lầm nghiêm trọng khi chăm sóc con bị SXH. "Chúng tôi đã tiếp nhận trường hợp trẻ bị xuất huyết tiêu hóa nặng khi bị SXH, khi vào viện khai thác tiền sử gia đình mới biến phụ huynh tự ý cho dùng ibuprofen. Vì thế, khi trẻ bị SXH chỉ dùng paracetamol để hạ sốt cho trẻ, tuyệt đối không tự ý dùng ibuprofen để hạ sốt" - TS Lâm nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi trẻ bị SXH cũng cần bù dịch cho trẻ kịp thời và hợp lý. Theo TS Lâm việc bù dịch là quan trọng nhưng phải bù dịch đúng cách, vì có những giai đoạn (5-6 ngày mắc bệnh) nếu vẫn bù dịch như những ngày đầu mới mắc bệnh trẻ dễ bị thừa dịch gây ra tràn dịch đa màng, có thể dẫn đến tình trạng khó thở, sốc…
"Trường hợp trẻ bị nôn khi bù dịch bằng đường uống thì cần phải truyền, nhưng cần phải có sự chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không truyền dịch cho trẻ tại nhà" - TS Lâm nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.