Cảnh giác khi vay tiêu dùng

Thứ hai, ngày 28/04/2014 07:12 AM (GMT+7)
Tín dụng doanh nghiệp gặp khó, các ngân hàng lao vào đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, mua ôtô, xe máy, sửa chữa nhà… với lãi suất được chào khá hấp dẫn. Thử đi vay, sẽ thấy thực tế không như quảng cáo.
Bình luận 0
Với “chiêu” tung ra nhiều gói sản phẩm tín dụng tiêu dùng lãi suất thấp của không ít ngân hàng hiện nay đã khiến một số khách hàng sập “bẫy” lãi suất thấp. Cụ thể, các gói vốn được đưa ra với lãi suất cho vay trong tháng đầu giải ngân chỉ có 0% và cao hơn cũng chỉ 7 – 8%/năm trong ba tháng đầu kể từ ký hợp đồng. Chẳng hạn như TPBank cho vay mua ôtô lãi suất ưu đãi chỉ có 6%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 8% trong 8 tháng đầu. OCB cũng cho vay mua ôtô, vay tiêu dùng lãi suất cũng chỉ 5,5 – 6%/năm trong ba tháng đầu giải ngân.

Vay tiêu dùng thông qua thẻ, nếu quá hạn thanh toán, chủ thẻ có thể bị ấn định lãi suất rất cao. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhậ
Vay tiêu dùng thông qua thẻ, nếu quá hạn thanh toán, chủ thẻ có thể bị ấn định lãi suất rất cao. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Bên cạnh đó, một số ngân hàng còn cho vay tiêu dùng tín chấp, lãi suất được chào mời ở mức khá thấp. Đặc biệt là ở các công ty tài chính như: Prudential Finance, Home Credit cũng cho biết, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu về vốn cho cá nhân vay tiêu dùng dưới hình thức tín chấp (không tài sản đảm bảo).

“Bẫy” lãi suất thấp

Khi tiếp cận thực tế, người vay mới thấy được mức lãi suất cho vay thựccao ngất ngưỡng. Chị Lâm Minh Anh (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, vì có nhu cầu mua ôtô để làm ăn nên chị và chồng bàn sẽ nhờ ngân hàng để mượn một ít vốn, song khi đến ngân hàng mới tá hoả.

“Lãi suất 5 – 6%/năm trong ba tháng đầu giải ngân, nhưng sau thời hạn trên lãi suất ấn định tăng vọt lên 15 – 17%/năm nên vợ chồng tôi đã suy tính lại và quyết định không vay”, chị Minh Anh nói.

Điều đáng nói là hiện một số ngân hàng, nhất là với những ngân hàng nước ngoài vẫn giữ cách tính lãi suất trên dư nợ ban đầu, thay vì dư nợ giảm dần nên tổng lãi vay thực mà khách hàng phải trả cho nhà băng đến 20 – 25%/năm, chứ không chỉ có mức 15 – 17%/năm như quảng cáo.

Tại ANZ, HSBC, Sacombak…, khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu, thanh toán trong mua hàng hoá mà không trả nợ trong vòng 45 ngày theo quy định, lãi suất thẻ tín dụng được các nhà băng này áp dụng còn cao hơn mức trên 25 – 30%/năm.

Rủi ro ít sao lãi suất cao?

Các công ty tài chính còn kinh khủng hơn khi tính lãi suất khoản vay lên đến 50 – 70%/năm. Chẳng hạn, theo giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án trả nợ của một khách hàng cá nhân, khoản vay 20 triệu đồng được tính lãi suất 5 – 6% một tháng (tương đương 70% một năm) do Home Credit cung cấp.

Lãi suất cao được các công ty tài chính lý giải là do rủi ro đối với khoản vốn cho vay tiêu dùng tín chấp khá lớn, nhất là với các khoản vốn nhỏ, lẻ chỉ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, phải áp dụng lãi suất 60 – 70%/năm nhằm để bù lại khoản rủi ro này.

Trong khi đó, theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính thì khoản tín dụng nhỏ lẻ thường được phân tán rủi ro, nhưng do áp dụng mức lãi suất cho vay cao nên lợi nhuận thu về rất lớn. Điều này cũng được chứng minh qua kết quả hoạt động của một số công ty tài chính đang hoạt động thành công tại thị trường Việt Nam.

Chẳng hạn Home Credit, lợi nhuận năm qua đạt 16 triệu USD cao hơn so với mức kỳ vọng ban đầu chỉ có 11 triệu USD. Còn đối với ngân hàng, Sacombank trong năm qua, tín dụng phân tán, nhỏ lẻ chiếm gần 70% tổng dư nợ và điều này được lãnh đạo Sacombank cho biết, đã mang lại nguồn thu khá tốt cho ngân hàng, hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 2.800 tỉ đồng, nhưng rủi ro nợ xấu phân tán, chỉ có 1,6%.
Trần Thanh (Thế giới Tiếp thị) (Trần Thanh (Thế giới Tiếp thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem