Cảnh sát chỉ cách để trẻ tự thoát hiểm khi bị bỏ quên trên xe ô tô

Đình Việt Thứ tư, ngày 07/08/2019 14:15 PM (GMT+7)
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP. Hà Nội) đã chỉ ra một số cách để trẻ có thể tự thoát hiểm khi bị bỏ quên trên xe ô tô.
Bình luận 0

Mới đây, thông tin về bé học sinh lớp 1 tại Trường Quốc tế Gateway (Cầu Giấy - Hà Nội) tử vong vì nghi bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường gây chấn động dư luận.

Sau vụ việc này, nhiều người đặt câu hỏi cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để có thể tự xử lý khi bị bỏ quên trong ô tô?

img

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh IT

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP. Hà Nội) cho biết, đây là sự việc rất đau lòng, cũng là hồi chuông cảnh báo để các trường và các bậc phụ huynh cần chú trọng nâng cao công tác đào tạo kỹ năng thoát hiểm cho học sinh. Với kinh nghiệm trong công tác cứu nạn cứu hộ, vị cán bộ này đưa ra một số lời khuyên.

1. Cố gắng bình tĩnh, tránh khóc hoặc la hét

Theo đó, với trường hợp trẻ bị bỏ quên trên xe đóng kín cửa, trước tiên trẻ phải bình tĩnh, không được khóc hay la hét vì khi xe đóng kín cửa lượng oxy lưu thông bên trong rất ít, nếu trẻ kêu khóc lượng oxy sẽ nhanh chóng cạn kiệt.

2. Dùng khăn hoặc vải thấm ướt 

Tiếp theo là nhanh chóng quan sát xem trên xe có chai nước nào không, nếu có lập tức thấm nước vào tấm khăn ướt hoặc tấm vải để bịt vào miệng hoặc đắp lên người nhằm tăng thêm lượng oxy.

3. Dùng búa thoát hiểm, đập tay vào cửa kính gây sự chú ý

Theo cán bộ này, trong trường hợp xe chở học sinh được gửi ở chỗ đông người, trẻ cần tiến sát lại kinh xe và dùng tay đập vào cửa kính để thu hút sự sự chú ý của mọi người. Trong trường hợp này, nếu người dân phát hiện ra thì trẻ sẽ nhanh chóng được đưa ra ngoài.

Thêm nữa, nếu rơi vào trường hợp trên, trẻ hãy nhanh chóng quan sát xem trên xe có búa thoát hiểm không, nếu có thì lập tức dùng búa phá cửa kính và thoát ra ngoài hoặc gọi người đến giúp. 

img

Trường Gateway nơi xảy ra sự việc. Nguồn IT

“Sau sự việc này, thiết nghĩ các trường nên tổ chức thêm các lớp dạy kỹ năng thoát hiểm cho trẻ, không chỉ mỗi trường hợp trên ô tô mà thêm nhiều trường hợp khác. Các bậc phụ huynh cũng tự phải cập nhật kiến thức để phổ biến lại cho các con” vị cán bộ nhấn mạnh.

Ngoài ra, trả lời báo chí, một số chuyên gia khác cho biết, bên cạnh việc trang bị cho trẻ những kĩ năng an toàn khi đi xe ô tô, một việc quan trọng không kém là bố mẹ nên dạy trẻ những kĩ năng thoát hiểm sau trong tình huống xấu đó là bị bỏ quên một mình trên xe buýt, trên ô tô cá nhân, đó là:

4. Thử mở các cửa ô tô

Khi chẳng may bị bỏ quên một mình trên xe ô tô, hãy dạy trẻ thử mở các cửa chính và cửa sổ của xe xem có được không. Biết đâu may mắn có một cánh cửa xe chưa được đóng kín hoàn toàn thì cơ hội thoát thân cho trẻ đơn giản hơn nhiều.

5. Bấm còi xe

Bấm còi xe. Có một số loại xe ô tô khi đã tắt máy nhưng bấm còi vẫn phát ra âm thanh, vì vậy bố mẹ hãy hướng dẫn con bấm còi xe để thu hút sự chú ý từ người xung quanh.

Nếu có giấy, bút và thấy người ở gần, hãy làm một dấu hiệu kêu gọi sự trợ giúp.

6. Cố gắng liên lạc với mọi người ở bên ngoài

Với trẻ đã đến tuổi đến trường (khoảng từ 6 tuổi trở lên), trang bị cho trẻ một chiếc đồng hồ định vị hay với trẻ lớn hơn là một chiếc điện thoại để liên lạc trong trường hợp cấp bách vô cùng cần thiết. Bố mẹ hãy hướng dẫn trẻ cách gọi điện với bố mẹ, giáo viên hoặc cảnh sát, cứu thương khi có sự cố xảy ra là bị nhốt trong xe ô tô một mình.

Trước đó, như Dân Việt thông tin, sáng 6/8, bố của cháu bé là anh L.V.S vẫn đưa con đến điểm đưa đón của trường để con tới Trường Quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) học tập. Tới cuối giờ chiều, gia đình anh bất ngờ nhận được hung tin khi giáo viên chủ nhiệm lớp con báo không thấy con đâu.

Sau đó, nhà trường lại tiếp tục báo là con ngủ quên trên xe và đang được cấp cứu tại Bệnh viện E. Tuy nhiên khi gia đình tới Bệnh viện E thì cháu bé đã tử vong. Đại diện của Trường quốc tế Gateway có mặt tại Bệnh viện E khẳng định sẽ nhận trách nhiệm về cái chết của cháu bé.

Hiện gia đình anh S. đang chờ  kết luận cuối cùng từ phía cơ quan chức năng về nguyên nhân cái chết thương tâm của con mình.

Ngày 7/8, trao đổi với phóng viên Dân Việt, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết ông đã nắm được sự việc ngay từ tối 6/8. Bộ trưởng chia sẻ đây là một sự việc hết sức đau lòng. Tư lệnh ngành giáo dục đã giao cho Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu Sở GDĐT Hà Nội có văn bản báo cáo sự việc trước ngày 9/8.

Bộ GDĐT nhận định, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và yêu cầu Giám đốc Sở GDĐT thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai ngay việc thăm hỏi động viên, hỗ trợ gia đình học sinh bị tử vong.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem