Từ ngày 1.8, lực lượng cảnh sát cơ động Hà Nội đã thực hiện việc “xuống đường” 24/24. Về bản chất, đây là một nỗ lực nhằm đảm bảo trật tự, trị an đường phố một cách hiệu quả hơn. Song trên thực tế, liệu người dân có cảm thấy bình an hơn với một thành phố mà mọi con đường đều hiện diện sự vũ trang?
Việc lực lượng cảnh sát cơ động tham gia xử phạt một số lỗi vi phạm giao thông theo quy định là hoàn toàn bình thường. Điều này được quy định trong Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, trong các Nghị định về xử phạt lỗi vi phạm luật giao thông, từ Nghị định 34, Nghị định 71 trước kia, và Nghị định 46 mới đây.
Tình trạng vi phạm pháp luật một cách càn rỡ trong lĩnh vực giao thông, và an ninh trật tự đường phố, nhu cầu xã hội về vấn đề trấn áp tội phạm đường phố, cần thiết có những giải pháp mạnh tay của lực lượng cảnh sát.
Khi cảnh sát có vũ trang, cơ động trên đường phố 24/24, về lý thuyết sẽ khiến cho khả năng trấn áp tội phạm được tăng cường, các hành vi vi phạm pháp luật và trật tự trị an sẽ được xử lý nhanh chóng và hiệu quả. Dĩ nhiên, đó chính là kết quả mong đợi của việc “tung” cảnh sát cơ động xuống đường không chỉ ban đêm như trước kia. Nhưng, liệu kết quả thực tế có được như mong muốn hay không?
Thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ, chỉ huy lực lượng cảnh sát cơ động Hà Nội, được báo chí dẫn lời, cho biết: “Việc triển khai tăng cường hoạt động tuần tra lưu động, xử phạt vi phạm mũ bảo hiểm của CSCĐ được đơn vị thực hiện trên cơ sở Kế hoạch số 204 của CATP Hà Nội về “Tổng kiểm tra xử lý người điều khiển xe mô tô, gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện vi phạm các quy định về mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và các hành vi vi phạm dừng đỗ sai quy định”.
Lực lượng cảnh sát cơ động xử lý người vi phạm giao thông trên phố.
Như vậy, hoạt động chính của cảnh sát cơ động ban ngày sẽ tập trung vào việc xử phạt vi phạm đội mũ bảo hiểm. Điều đáng quan tâm là phương thức xử lý sẽ như thế nào khi mà ông Mẽ cũng nhấn mạnh: “Nghiêm cấm cán bộ chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ truy đuổi người vi phạm”?
Nếu lập chốt như cảnh sát giao thông thì ý nghĩa của việc cảnh sát cơ động xuống đường không còn nữa, mà chỉ thuần túy là thêm chốt cảnh sát giao thông, với sắc phục khác.
Nếu vẫn cơ động, nhưng không truy đuổi thì cảnh sát cơ động chỉ có thể âm thầm, bất ngờ ép xe người vi phạm dừng lại để xử lý.
Hành động này rất dễ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, thậm chí nếu xuất hiện thường xuyên trên đường phố thì còn có thể tạo nên sự hỗn loạn đối với quá trình di chuyển bình thường của cộng đồng.
Một câu hỏi khác cần được đặt ra là nhiệm vụ chính của cảnh sát cơ động, đấu tranh phòng chống tội phạm sẽ ra sao? Lâu nay, tình trạng trộm đêm, đặc biệt là nạn ăn cắp phụ tùng xe ô tô ở Hà Nội vẫn chưa được kiểm soát một cách hiệu quả, rất cần nâng cao năng lực tuần tra kiểm soát, mà lực lượng cảnh sát cơ động là nòng cốt. Gánh thêm trách nhiệm tuần tra ban ngày để xử lý vi phạm giao thông, chắc chắn sẽ khiến lực lượng này quá tải.
Cảnh sát cơ động xuống đường ban ngày để xử lý vi phạm giao thông, xét về mặt hiệu quả là không khả quan. Nhưng quan trọng hơn, là vấn đề mỹ quan đô thị, và tâm trạng bất an của người dân khi luôn nhìn thấy hình ảnh vũ trang trên đường phố.
Hà Nội, liệu có có còn hình ảnh của một thành phố vì hòa bình, một điểm đến thân thiện hay không? Sẽ rất khó để hình dung đến những mỹ từ đó khi mà dưới ánh sáng mặt trời, trên bất cứ con đường nào cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những chiến sĩ vũ trang, vũ khí đầy mình, và sẵn sàng trấn áp đối với mọi hành vi vi phạm hành chính.
Ngày 1.8, ngày đầu tiên lực lượng cảnh sát cơ động ở Hà Nội ra quân xuống đường ban ngày, hình ảnh được chia sẻ nhiều nhất trên mạng, cũng là hình ảnh một quân nhân chĩa súng dọa bắn người dân trên đường phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.