Về xã Ngọc Hải, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo của một xã đang khoác lên mình bộ áo mới.
Dễ nhận thấy nhất là những con đường bê tông hóa phẳng lỳ, những ngôi nhà kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá cộng đồng... xây khang trang, sạch đẹp.
Diện mạo thay đổi từ nông thôn mới
Ông Lại Văn Quang ở thôn Ngọc Lâm, xã Ngọc Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định tự hào chia sẻ, xã Ngọc Hải nơi ông được sinh ra và lập nghiệp là xã đầu tiên của huyện Nghĩa Hưng về đích nông thôn mới.
Bên dòng sông Đáy hiền hoà ông Quang nhớ lại, khoảng năm 2005, ông được cha mình truyền lại cho nghề làm mắm. Khi ấy nguyên liệu có, sức lao động dồi dào nhưng vốn thì không. Tiếc nghề của cha ông và quyết không bỏ cuộc, ông Quang bắt tay dồn sức khởi nghiệp. Ông càng quyết tâm hơn khi được Agribank hỗ trợ 3 triệu đồng.
Ông Lại Văn Quang
Có được chút "vốn mồi" ông Quang bắt tay gây dựng sự nghiệp. Hơn 20 năm cần mẫn với nghề làm mắm truyền thống đến nay ông Quang đã có một cơ ngơi bề thế là cơ sở chế biến mắm tôm và nước mắm cốt rộng khoảng hơn 10.000 m2. Mỗi năm gia đình ông xuất bán khoảng 500 tấn mắm tôm và hơn 30.000 lít nước mắm cốt. Trừ chi phí, nhân công mỗi năm gia đình thu về 500 - 700 triệu đồng.
Gương mặt người đàn ông ngoại ngũ tuần đã sạm màu sương gió vẫn lấp lánh niềm vui khi ông chia sẻ tự đáy lòng: "Trong suốt hơn 20 năm qua, Agribank với tôi như một người bạn thân thiết. Và điều khiến tôi hạnh phúc nhất bên cạnh việc đảm bảo cuộc sống gia đình là mang lại việc làm cho bà con khu xóm".
Ông Quang chia sẻ thêm, cơ sở sản xuất của ông luôn có hơn 20 lao động trong thôn đến phụ giúp. Nhờ đó, gia đình gia tăng sản lượng còn bà con thì có thêm thu nhập. Cuộc sống sẽ ổn định khi có thu nhập đều đặn, thôn xóm sẽ ấm no, mọi người nhìn nhau tươi cười góp phần làm đẹp xóm làng.
"Đấy cũng là đang góp phần xây dựng nông thôn mới. Bởi lẽ, xây dựng nông thôn mới là ai cũng góp phần vào đó, làm giàu cho chính mình là góp phần tô điểm cho quê hương thêm đẹp", ông Quang nói.
Không chỉ với Nghĩa Hưng, mà với nhiều xã huyện khác của Nam Định như Hải Hậu, Nam Trực … những tấm gương làm giàu, làm đẹp cho quê hương ngày càng nhiều. Có lẽ vì thế mà tháng 7/2019, tỉnh Nam Định có 10/10 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nam Định cũng là tỉnh đầu tiên về đích trong phong trào thi đua cả nước xây dựng nông thôn mới.
Lãnh đạo chính quyền tỉnh Nam Định thừa nhận, những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nam Định 10 năm qua đều có sự đóng góp rất to lớn của người dân. Người dân nông thôn Nam Định đã có những chuyển biến rất lớn và sâu sắc về tư duy nhận thức đến trách nhiệm và hành động, đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành sớm nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Sự khởi sắc diện mạo nông thôn rõ nét nhất trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay. Tiến độ, số lượng các địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tăng nhanh, nhiều mục tiêu quan trọng về xây dựng nông thôn mới sớm hoàn thành ngay trong năm 2018. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp, điều kiện sống và làm việc của người dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng từ 12,7 triệu đồng/người năm 2010 lên 35 triệu đồng/người năm 2015 và 45 triệu đồng/người năm 2018.
Vai trò của 'cánh tay nối dài'
Nhìn nhận về vai trò của nguồn vốn tín dụng trong việc phát triển kinh tế, xây dựng kinh tế mới tại địa phương, ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định khẳng định, nguồn vốn cho vay xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực thay đổi diện mạo nông thôn. Cụ thể, đã kiên cố hóa đường giao thông, hệ thống mương; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo, mức sống của người dân được cải thiện.
Bà Lê Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Hưng cũng nhìn nhận, từ việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng trong những năm gần đây đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Trong 10 năm qua, nguồn vốn vay của Agribank được tập trung chủ yếu vào các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân tại địa phương, bám sát 19 tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Dưới góc độ ngân hàng, ông Triệu Đình Vỵ, Phó giám đốc Agribank tỉnh Nam Định cho biết, Agribank đã phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, các Ban, Ngành có liên quan tại các địa phương cập nhật thông tin về tiến độ thực hiện Chương trình tại các xã, đồng thời nắm bắt và xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ vay vốn giữa khách hàng và Agribank.
Cũng theo lãnh đạo Agribank, trong chiến lược phát triển thì những mục tiêu lớn luôn được Agribank xác định ưu tiên, đó là tiên phong thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn và là người bạn đồng hành của nông dân, nông thôn.
Agribank chung tay cùng Nam Định xây dựng nông thôn mới
Sau gần 10 năm thực hiện cho vay thí điểm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Agribank đã triển khai cho vay xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước. Nhìn chung, dư nợ cho vay nông thôn mới tăng trưởng tốt, nợ xấu ở mức thấp, kiểm soát được và luôn thấp hơn tỷ lệ nợ xấu chung toàn ngành.
Theo đó, tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn của ngân hàng luôn đạt xấp xỉ 70% tổng dư nợ, chiếm 50% trong tổng mức cấp tín dụng nông nghiệp nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng. Agribank đã tích cực triển khai 9 chương trình, chính sách cụ thể của Chính phủ, đặc biệt là dành hơn 487.000 tỷ đồng cho vay xây dựng nông thôn mới với gần 2,7 triệu khách hàng.
Những con số này một lần nữa khẳng định, vai trò của “cánh tay nối dài” đó là vốn tín dụng từ ngân hàng ngày càng có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.