Cao Bằng: 47 người chết, 11 người mất tích do hoàn lưu bão số 3
Cao Bằng: 47 người chết, 11 người mất tích do sạt lở đất và lũ quét, cần được tiếp tục hỗ trợ tìm cứu nạn
Chiến Hoàng
Thứ sáu, ngày 13/09/2024 15:12 PM (GMT+7)
Tỉnh Cao Bằng thiệt hại nặng nề do bão số 3 và ảnh hưởng hoàn lưu sau bão. Tính đến nay, sạt lở đất và lũ quét tại Cao Bằng đã khiến cho 47 người chết, 16 người bị thương và 11 người mất tích.
Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 56 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng khóa XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) diễn ra ngày 13/9 cho biết, do ảnh hưởng mưa lớn diện rộng, kéo dài từ ngày 7 - 8/9, đặc biệt mưa rất to trong ngày và đêm 8/9 đến sáng 10/9 đã xuất hiện lũ lớn trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh, gây ngập lụt khu vực ven sông vùng trũng, thấp.
Kèm theo mưa lớn, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Các sông, suối trên địa bàn tỉnh xuất hiện lũ vừa, lũ lớn, gây ngập úng một số khu vực dân cư của thành phố Cao Bằng và các huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình.
Đặc biệt, sạt lở đất lớn xảy ra tại xã Yên Lạc, xã Ca Thành (Nguyên Bình) đã vùi lấp và cuốn trôi nhiều người, phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 34.
"Đến nay, đã có 47 người chết, trong đó có 2 người chết do đuối nước (tại xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình và xóm Nà Bó, xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm); 45 người chết do sạt lở đất, lũ quét tại các xã: Yên Lạc, Vũ Nông, Ca Thành (Nguyên Bình); sạt lở đất, lũ quét đã khiến 16 người bị thương và 11 người mất tích", báo cáo nêu rõ.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh đề nghị Quân khu 1 tiếp tục hỗ trợ nhân lực tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người dân bị thiệt hại và phương tiện chuyên dụng để vận chuyển hàng cứu trợ cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng.
Ông Minh cũng chỉ đạo, cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc; các sở, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; triển khai mọi biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão, với tinh thần cao nhất.
Cùng với đó, chuẩn bị sinh phẩm, thuốc men, xử lý ô nhiễm môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai, nhất là tại các địa phương bị ngập lụt, chia cắt; có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dân doanh khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định sản xuất, sinh kế, đời sống.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo an toàn hồ đập; đánh giá, dự báo tình hình để có phương án xử lý phù hợp; kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét khẩn trương di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm; chủ động, linh hoạt xây dựng kịch bản, phương án ứng phó trong tình huống xảy ra thiên tai, tuyệt đối bảo đảm an toàn tính mạng con người; tiếp tục tổ chức ứng trực 24/24 giờ để ứng phó, giải quyết các vấn đề khẩn cấp.
Cũng theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng, lũ quét, sạt lở và ngập lụt đã khiến nhiều tuyến đường bị chia cắt gồm các tuyến quốc lộ, đường tỉnh và các tuyến giao thông nông thôn. Các tuyến đường tỉnh, đường giao thông nông thôn bị sạt lở taluy âm, taluy dương với khối lượng lớn, mặt đường bị sụt lún; cầu dân sinh bị hư hỏng;
Về nông nghiệp, có 1.885,2ha lúa và hoa màu bị ngập úng, gãy đổ, vùi lấp. Trong đó diện tích lúa bị thiệt hại 748,43ha; diện tích hoa màu bị thiệt hại 967,62ha... 4 lưới điện bị đứt; 2 tuyến cáp quang bị đứt; 2 cột phát sóng thông tin bị đổ, gãy; 28 điểm trường bị hư hỏng do sạt lở đất, ngập nước, tốc mái... Tổng giá trị thiệt hại trên toàn tỉnh ước tính khoảng 520 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.