Làm gì để công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng trở thành điểm đến hấp dẫn?
Làm gì để công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng trở thành điểm đến hấp dẫn?
Chiến Hoàng
Thứ năm, ngày 12/09/2024 19:39 PM (GMT+7)
Vượt qua khó khăn bão lũ, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thành công Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngày 12/9, tại thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) đã khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN) với chủ đề "Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất".
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Trưởng ban tổ chức hội nghị cho biết: Non nước Cao Bằng vinh dự là địa phương thứ hai tại Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và Mạng lưới khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ tháng 4/2018. Từ đó đến nay, Cao Bằng luôn tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động của Mạng lưới.
Việc đăng cai tổ chức hội nghị khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng nói riêng, Mạng lưới Công viên địa chất Việt Nam nói chung trong các hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất khu vực và toàn cầu. Đồng thời, khẳng định quyết tâm của địa phương trong việc phát triển danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tại lễ Khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng đã chia sẻ thông điệp của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhân Ngày quốc tế về đa dạng địa chất: "Hiểu biết về địa chất giúp chúng ta khám phá quá khứ, sẵn sàng cho tương lai bất định và quản lý bền vững đất đai, sông ngòi, đại dương để ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời di sản địa chất và đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng và là nền tảng cho quá trình chuyển đổi xanh, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo vừa giảm thiểu thiên tai".
Phó Thủ tướng cho hay, cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, hợp tác chặt chẽ và thực chất hơn nữa trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đẩy mạnh triển khai Chương trình nghị sự 2030 khi mà tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đang ngày càng chậm lại, thậm chí thụt lùi.
Nếu không tìm ra lời giải để ứng phó hiệu quả với các thách thức đó, những thành quả phát triển của nhân loại chắc chắn sẽ bị kéo lùi. Do đó, Công viên địa chất toàn cầu chính là một "lời giải" cho vấn đề toàn cầu này.
Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, thế giới đang ở thời điểm hết sức then chốt. Chỉ còn 10 ngày nữa là đến Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai tại New York để biến lời nói và những cam kết thành hành động cụ thể định hình tương lai bền vững và bao trùm hơn.
Đây chính là lúc châu Á - Thái Bình Dương, với vai trò động lực quan trọng, trung tâm phát triển năng động và tự cường của thế giới, cùng chung tay đóng góp vào việc ứng phó với các thách thức của thời đại, hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi thành viên, người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị Hội nghị xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức, hành động về bảo tồn và phát huy giá trị công viên địa chất vì phát triển bền vững.
"Cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm hay, điển hình tốt, đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp về quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững công viên địa chất toàn cầu. Thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên và hợp tác quốc tế phát triển công viên địa chất toàn cầu gắn với phát triển bền vững" - Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Trước đó, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng bốn tuyến du lịch độc đáo ở Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng gồm: Đưa du khách về nguồn cội, khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay, trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên và nhớ về "một thời hoa lửa"; giúp du khách có thể tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của trái đất qua các dấu tích còn lại nơi đây.
Với chủ đề "Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất", Hội nghị APGN lần thứ 8 sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch trên nền tảng bảo tồn và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, di sản địa phương; bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, lịch sử, danh lam thắng cảnh để khai thác du lịch bền vững.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch dựa trên tiềm năng và lợi thế đặc sắc của Công viên địa chất toàn cầu, chắc chắn tỉnh Cao Bằng sẽ cần phải tranh thủ nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, hợp tác trong nước và quốc tế để từ đó đưa Cao Bằng trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.000km2, trải dài trên 6 huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần diện tích các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An với 130 điểm di sản địa chất độc đáo mang giá trị quốc tế, trong đó có 1 khu bảo tồn quốc gia, 5 khu bảo tồn loài sinh cảnh, 5 khu bảo vệ cảnh quan và 2 hành lang đa dạng sinh học, nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.