Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Đất đắp đường vẫn là bài toán chưa có lời giải

Nha Mẫn Thứ ba, ngày 21/03/2023 09:41 AM (GMT+7)
Đến nay, mặc dù Cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đã sắp đến hẹn về đích nhưng dự án này lại gặp khó khăn vì thiếu đất đắp đường gom dân sinh, đường dẫn.
Bình luận 0

Chưa giải được bài toán về đất đắp cho Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hiện đang là một trong những dự án giao thông được người dân Đồng Nai và các tỉnh phía Nam mong chờ. Bởi khi đi vào hoạt động, cao tốc sẽ gánh bớt tải cho QL1A và giúp người dân lưu thông nhanh, thuận lợi hơn.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Đất đắp vẫn là “bài toán” chưa có lời giải - Ảnh 1.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây gặp khó khăn thi công do thiếu đất đắp. Ảnh: Tuệ Mẫn

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong thi công cao tốc chính là thiếu đất đắp đường nhánh, đường gom, đường dẫn… Đây vẫn là bài toán khiến các ngành chức năng "đau đầu" tìm cách giải trong thời gian qua.

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT), quá trình thi công dự án bị thiếu khoảng trên 600.000m3 đất đắp. Số đất đắp này phục vụ thi công các hạng mục đường gom dân sinh, đường song hành, đường dẫn các đầu cầu vượt qua đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Từ đầu năm 2023, sau khi các dự án hạ cote nền, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất dôi dư sử dụng làm vật liệu san lấp phục vụ dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hết thời hạn được cấp phép (hết hạn 31/12/2022), Ban Quản lý dự án Thăng Long cũng đã kiến nghị tỉnh Đồng Nai cho gia hạn thời gian khai thác đến ngày 30/4. Tuy nhiên kiến nghị này đến nay vẫn đang được xem xét và chưa có kết quả.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Đất đắp vẫn là “bài toán” chưa có lời giải - Ảnh 2.

Một góc cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Tuệ Mẫn

Phía tỉnh Đồng Nai cho biết, trước đó, để phục vụ thi công dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, UBND tỉnh đã chấp thuận cho các đơn vị liên quan thực hiện 4 phương án hạ cote nền, cải tạo đất nông nghiệp, kết hợp thu hồi đất dôi dư sử dụng làm vật liệu san lấp tại các vị trí trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ và huyện Xuân Lộc. Thời hạn thực hiện các phương án này đến ngày 31/12/2022. 

Đến hạn, các đơn vị đã khai thác gần 1,1 triệu m3 đất san lấp tại các vị trí được cấp phép thực hiện. Thực tế qua kiểm tra, khối lượng đất san lấp này đã cơ bản đáp ứng cho việc hoàn thành thi công tuyến chính của dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn đi qua địa bàn tỉnh. Nhưng quá trình thực hiện hạ cote nền, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất dôi dư sử dụng làm vật liệu san lấp đã phát sinh các bất cập, chưa đáp ứng đúng phương án đã được phê duyệt.

Đến nay đã sắp hết quý I, nhiều đơn vị lo sợ cao tốc lại trễ hẹn, khó về đích trước 30/4.

Để "ỡ vướng cho dự án, mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc trong cung cấp vật liệu san lấp cho dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xem xét, chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho phép tiếp tục thu hồi vật liệu san lấp tại các khu vực cải tạo đất nông nghiệp đã phê duyệt đến khi hoàn thành việc san lấp tại dự án.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Đất đắp vẫn là “bài toán” chưa có lời giải - Ảnh 3.

Công tác thi công vẫn được tăng tốc vì cái hẹn về đích trước 30/4. Ảnh: Tuệ Mẫn

Đồng thời trước đó, Bộ GT-VT cũng có văn bản kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét cho tỉnh Đồng Nai tiếp tục gia hạn các vị trí hạ cốt nền cải tạo đất nông nghiệp đã cấp cho dự án đoạn Phan Thiết - Dầu Giây trong lúc chờ kết luận chính thức của đoàn thanh tra. Và Bộ GT-VT cũng có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn khai thác đất đắp phục vụ cao tốc.

Được biết, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99km, trong đó đoạn qua địa bàn Đồng Nai dài 51,3km. Đối với đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh, dự án cần sử dụng khoảng 2,9 triệu m3 đất phục vụ đắp nền đường (chưa tính khối lượng đất tận dụng, điều phối trong tuyến).

Khai thác đất đắp còn nhiều tồn tại bất cập

Liên quan đến việc khai thác đất đắp, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai trong các buổi làm việc đều đưa ra những bất cập, tồn tại trong quá trình triển khai dự án. Câu chuyện thường xuyên nhấn mạnh vào việc các chủ đầu tư chưa thực hiện đúng phương án đã được phê duyệt.

Trong đó, Phòng TNMT huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, việc kiểm tra 2 vị trí thực hiện các dự án tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc giúp phát hiện các các đơn vị không làm đúng phương án được phê duyệt.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Đất đắp vẫn là “bài toán” chưa có lời giải - Ảnh 4.

Vẫn thiếu đất đắp đường gom, đường dẫn của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Tuệ Mẫn

Trong đó, phương án được cấp phép là chủ đầu tư phải gom lớp đất mặt sang một bên để sau khi khai thác đất sẽ san gạt lớp đất mặt này hoàn thổ. Nhưng khi kiểm tra, địa phương không thấy vị trí thu gom lớp đất mặt; các đơn vị cũng không cung cấp được nguồn đất ở đâu để thực hiện hoàn thổ.

Ngoài ra, các đơn vị còn khai thác lớp đất sét trong khi chưa có văn bản nào của UBND tỉnh Đồng Nai hay Sở TNMT chấp thuận cho phép khai thác nguồn đất sét…

Bên cạnh đó, phương án được phê duyệt về tầng cao là phải có tầng bậc phân tầng và góc nghiêng khoảng 330. Thế nhưng, tại các vị trí khai thác, tầng cao đều là dốc đứng với góc nghiêng thẳng đứng 900.

Còn tại huyện Cẩm Mỹ, qua kiểm tra, các vị trí thực hiện các dự án hạ cote nền, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất dôi dư sử dụng làm vật liệu san lấp phục vụ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trên địa bàn cũng mới chỉ tận thu khoáng sản chứ chưa thực hiện việc cải tạo đất.

Về vấn đề này, Sở NNPTNT Đồng Nai cho hay, các dự án hạ cote nền, cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất dôi dư sử dụng làm vật liệu san lấp phục vụ dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã khai thác gần 1,1 triệu m3 đất, đạt hơn 57% tổng khối lượng được cấp phép. Cơ bản hiện các chủ đầu tư dự án chỉ quan tâm khai thác khoáng sản, chưa quan tâm đến việc thực hiện cải tạo đất nông nghiệp.

Cũng vì vấn đề này nên các địa phương có dự án không ủng hộ việc gia hạn vì các chủ đầu tư không đưa ra được giải pháp khắc phục các hạn chế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem