Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 11/3, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bình Định Nguyễn Mỹ Quang xác nhận, đã có văn bản đề nghị UBND huyện Tây Sơn khẩn trương báo cáo tình hình thực hiện hỗ trợ, cấp phát gạo cho người dân tại xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) sau khi báo Dân Việt đăng thông tin phản ánh.
Theo đó, trong vòng 3 năm gần đây (năm 2020, 2021, 2022), chính quyền xã Tây Giang tổ chức cấp phát hỗ trợ gạo thiếu đói cho người dân khó khăn.
Trong đó, lồng ghép chương trình "đỏ lửa ngày Tết" để chăm lo, động viên cho người dân thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, cận nghèo, neo đơn.
Thế nhưng, trong quá trình cấp phát gạo đã xảy ra tình trạng đong thiếu gạo cho người dân, vì vậy trong vòng 3 năm, đến nay để tồn kho hơn 800kg gạo bị hư hỏng, ẩm mốc, không thể sử dụng.
Phó Chủ tịch UBND xã Tây Giang Châu Thị Phương Trang - người được giao nhiệm vụ trực tiếp điều hành, chỉ đạo Tổ cấp phát gạo, đã bị kỷ luật cảnh cáo do thiếu tinh thần trách nhiệm; ông Đặng Văn Hậu (công chức văn hóa xã hội xã Tây Giang) bị khiển trách do "cân đong gạo hỗ trợ người dân thiếu chuẩn xác"…
Để sửa sai, UBND xã Tây Giang đã mở đợt cấp bù gạo hỗ trợ gạo Tết Nguyên đán các năm 2020, 2021, 2022 cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn nằm trong diện được cấp phát gạo, trên địa bàn 6 thôn thuộc xã.
Tuy nhiên, khi biết thực tế số gạo nhận được chỉ hơn 4 lạng gạo mỗi người, thì ai nấy cũng ngã ngửa, bất bình. Vì họ cho rằng, đây là con số hỗ trợ "không tưởng", rất mất công và không đáng tốn thời gian để đi nhận gạo.
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định) Phan Chí Hùng khẳng định, sự việc xảy ra xuất phát từ sự chủ quan của một số lãnh đạo, cán bộ xã Tây Giang trong quá trình cấp phát gạo cứu đói cho những hộ nghèo, hộ khó khăn… trên địa bàn trong vòng 3 năm.
"Do số lượng nhiều nên cán bộ cấp phát gạo dùng xô để ước chừng, chứ không cân ký. Vì vậy, đã để dư số lượng lớn với 808kg gạo nhưng không báo với lãnh đạo huyện để xử lý mà cứ để tồn đọng.
Người chịu trách nhiệm chính, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Giang Châu Thị Phương Trang đã bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng. Sau đó, việc giải quyết số gạo tồn đọng là bài toán rất khó, được đề ra yêu cầu phải có biện pháp xử lý đúng quy định", ông Hùng cho hay.
Theo người đứng đầu chính quyền huyện Tây Sơn, lãnh đạo huyện đã nhanh chóng mời xã Tây Giang tổ chức cuộc họp bàn phương án xử lý, với mục đích công bằng, thấu tình đạt lý.
"Số gạo tồn đọng trong 3 năm là 808kg. Cá nhân chị Trang thấy được cái sai nên chấp hành việc nhận lại lượng gạo tồn đọng, tự bỏ tiền túi mua gạo mới có hoá đơn chứng từ, để cấp bù cho bà con và không hề đổ thừa lỗi cho ai cả", ông Hùng nói và đặt vấn đề: "Nhưng nếu bán gạo nhập vào quỹ chung thì không đúng quy định, có đề xuất chọn những hộ khó khăn nhất để cấp mỗi nhân khẩu 15kg, tuy nhiên làm vậy cũng không được, sẽ có kiện tụng. Chỉ còn cách chia đều cho số lượng bà con được thụ hưởng, chứ không còn cách nào khác tối ưu nhất".
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho rằng, mỗi người dân nhận cấp bù gần 5 lạng gạo, số lượng này ít một chút nhưng lại đảm bảo được điều kiện cấp lại hết cho tất cả bà con.
Nếu trường hợp nào không nhận thì đây quyền cá nhân, còn trường hợp nào vắng mặt thì cán bộ xã phải có trách nhiệm mang đến tận nhà để cấp bù dứt điểm. Việc này, được đa số bà con đồng tình.
Việc xử lý tiếp theo được diễn ra, bà Trang cũng trực tiếp xin lỗi người dân do trách nhiệm trong vai trò là Phó chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ đạo phụ trách Tổ cấp phát gạo nhưng Tổ làm việc có sơ suất, mong bà con thông cảm.
Theo ông Hùng, lỗi ở đây cũng có phần từ tập thể cán bộ, lãnh đạo Tây Giang thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát.
"Số lượng gạo tồn kho rất lớn ngay trong trụ sở xã mà các lãnh đạo xã khi được hỏi không hay biết là thiếu tinh thần trách nhiệm cần chấn chỉnh ngay", ông Hùng nói.
Tới đây, huyện Tây Sơn sẽ xem xét để tiếp tục xử lý bước 2 theo quy định của Đảng. Có thể điều chuyển những lãnh đạo, cán bộ vi phạm qua vị trí khác phù hợp hơn để tránh dư luận xấu, theo đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND xã Tây Giang Châu Thị Phương Trang thừa nhận, việc tồn kho với số lượng 808kg gạo dẫn đến hư hỏng, là do bản thân chủ quan, không kịp thời báo cáo cấp trên để xử lý sớm, nhờ người khác vận chuyển toàn bộ số gạo tồn ra khỏi trụ sở của cơ quan, mà không báo cáo, xin ý kiến tập thể, cấp trên.
Theo trình bày của bà Trang, số gạo còn tồn đọng nói trên dự kiến sẽ tiếp tục cấp phát cho hộ nghèo.
Tuy nhiên, khi kiểm tra nhận thấy số gạo tồn dư đều bị mọt, ẩm mốc nên đã cho xử lý bằng cách bán ra ngoài tận dụng cho gia cầm, gia súc với giá 7.800 đồng/kg. Dự kiến, số tiền trên sẽ dùng để tiếp tục hỗ trợ gia đình khó khăn đột xuất trong thời gian tới, chứ không tư lợi cá nhân.
Bà Trang sửa sai bằng cách thanh lý, tự bỏ tiền túi mua gạo mới để cấp lại, chia đều theo bình quân số nhân khẩu trong 3 năm đã cấp.
Vì vậy, mới có sự việc trong đợt cấp phát bù có khoảng 2.000 nhân khẩu được nhận gạo, mỗi nhân khẩu nhận 4,18 lạng gạo hỗ trợ.
Tại buổi cấp phát gạo bù, bà này cũng đứng ra trình bày rõ sự việc và xin lỗi người dân với tư cách là lãnh đạo xã.
"Đây là bài học xương máu của tôi", bà Trang nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.