Cấp "căn cước công dân" cho cây trồng, vật nuôi (bài 2): Tiêu thụ nội địa cũng cần mã số

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 23/09/2021 18:59 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã làm việc với Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và yêu cầu không chỉ quan tâm cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu mà còn cấp mã số vùng trồng cho tiêu thụ nội địa.
Bình luận 0

Cấp "mã số" cho… tôm

So với việc cấp mã số vùng trồng cho các vùng chuyên canh cây ăn trái hay lương thực, việc cấp mã số vùng nuôi còn đang thể hiện một con số khiêm tốn hơn. 

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), tính đến hết tháng 6/2021, tổng số cơ sở nuôi tôm nước lợ được cấp mã số mới chỉ đạt 7.274/478.000 cơ sở.

Nguyên nhân được xác định do công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký của chính quyền địa phương đến người dân chưa được quan tâm thực hiện. 

Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số, đồng thời, người dân chưa nhận thức và chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký, cấp mã số. 

Một số địa phương có cơ sở nuôi ở địa bàn xa cơ quan tiếp nhận hồ sơ và cấp mã số (cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh) nên khó khăn khi thực hiện.

Xây dựng mã số vùng trồng - không thể chậm trễ! (bài 2): Tiêu thụ nội địa cũng cần mã số  - Ảnh 1.

Hiện diện tích tôm được cấp mã số vùng nuôi còn khiêm tốn. Ảnh: Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm - Chúc Ly

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), tính đến hết tháng 6/2021, tổng số cơ sở nuôi tôm nước lợ được cấp mã số mới chỉ đạt 7.274/478.000 cơ sở.

Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay khiến việc đăng ký mã số vùng nuôi còn hạn chế là do nhiều cơ sở nuôi tôm không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng giao, cho thuê đất, mặt nước để nuôi trồng thủy sản theo quy định hoặc do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chính chủ hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân nuôi trồng thủy sản là đất trồng lúa, đất rừng, trồng cây lâu năm, đất ven sông... nhưng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang nuôi trồng thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản 2017. Chính vì vậy, người dân gặp khó khăn khi lập hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản...

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, mặc dù theo quy định thuộc về trách nhiệm của các địa phương nhưng rõ ràng công tác "nhạc trưởng" trong điều hành vấn đề mang tính quốc gia thì chính Tổng cục Thủy sản cần có những vai trò nhất định để thúc đẩy việc cấp mã số cho cơ sở nuôi tôm.

Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT- Phùng Đức Tiến khẳng định: Riêng về truy xuất nguồn gốc của ao nuôi tôm, đang chịu ảnh hưởng của Luật Đất đai. Do đó, một mặt cần có những kiến nghị để sửa lại Luật Đất đai. Bên cạnh đó, đây không chỉ là việc của riêng Bộ NNPTNT mà còn là của Bộ TNMT. 

Bộ NNPTNT sẽ chủ động mời Bộ TNMT bàn cùng để phổ biến tới các địa phương tháo gỡ khó khăn này nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc cho ngành tôm, từ đó đảm bảo các tiêu chí, yêu cầu của thị trường.

Tiêu thụ nội địa cũng phải có mã số vùng trồng

Xây dựng mã số vùng trồng - không thể chậm trễ! (bài 2): Tiêu thụ nội địa cũng cần mã số  - Ảnh 3.

Đề xuất với Trung Quốc về kiểm tra trực tuyến

Đối với thị trường Trung Quốc, để đáp ứng những thay đổi trong việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu từ phía bạn, Cục BVTV đã chủ động đề xuất các giải pháp như: Kiểm tra trực tuyến; ủy quyền kiểm tra hoặc thực hiện việc xuất khẩu thử nghiệm nhằm sớm hoàn thành việc đàm phán mở cửa thị trường đối với sầu riêng, khoai lang và tiếp tục với chanh leo, bưởi…

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khi làm việc với Cục BVTV về xây dựng mã số vùng trồng. 

Bộ trưởng yêu cầu không chỉ quan tâm cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu mà còn cấp mã số vùng trồng cho tiêu thụ nội địa. Vùng nguyên liệu kể cả phục vụ trong nước cũng phải có mã số vùng trồng. 

Bộ NNPTNT sẽ đưa vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới để khuyến khích các địa phương xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu.

Trên thực tế, theo báo cáo của Cục BVTV, xu hướng gia tăng bảo hộ sản xuất nông nghiệp đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây, dẫn đến các nước nâng cao rào cản kỹ thuật, các quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu và an toàn thực phẩm ngày càng trở nên khắt khe. 

Do đó, việc đàm phán để thống nhất biện pháp kiểm dịch thực vật, phát triển và mở cửa thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam càng gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV, các địa phương cần chủ động xây dựng và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch; tạo điều kiện cho cán bộ kiểm dịch thực vật được tiêm đủ 2 mũi vaccine và các điều kiện thuận lợi khác thực hiện nhiệm vụ; xem xét cho phép cán bộ kiểm dịch thực vật đã tiêm đủ 2 mũi vacine được miễn yêu cầu xét nghiệm Covid-19.

Ngoài ra, Cục BVTV cũng sẽ xây dựng phương án và đàm phán với các nước để chấp thuận thực hiện ủy quyền cho Cục BVTV thực hiện giám sát tại các cơ sở xử lý. Các đơn vị kiểm dịch thực vật chủ động bố trí cán bộ luân phiên thực hiện "3 tại chỗ" tại các đơn vị cửa khẩu, các địa điểm kiểm tra tại gốc để tránh gián đoạn công tác kiểm tra kiểm dịch thực vật, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu thuận lợi.

Áp dụng biện pháp linh động như giám sát trực tuyến; vận chuyển hàng hóa đến tập kết tại địa điểm thuận lợi cho đơn vị xuất khẩu và cơ quan kiểm dịch thực vật thực hiện nhiệm vụ; cho phép việc giám sát xử lý xuất khẩu tại cảng đối với một số mặt hàng nông sản; bố trí cán bộ làm việc "3 tại chỗ" trong vùng hạn chế đi lại và gửi kết quả để hoàn thành thủ tục kiểm dịch vật.

Cục BVTV chủ động làm việc với cơ quan kiểm dịch thực vật các nước, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xuất khẩu. Tiếp tục đàm phán để mở cửa các thị trường cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam và kịp thời trao đổi với các nước nhập khẩu để giải quyết các khó khăn vướng mắc.

Cục BVTV khuyến cáo các địa phương, vườn trồng, cơ sở đóng gói chọn lọc hàng hóa, làm sạch các loài sinh vật gây hại ngay từ quá trình sản xuất để giảm thời gian kiểm tra tại cửa khẩu giúp thông quan nhanh. 

Thực hiện đàm phán để khắc phục những trường hợp mã số số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói bị thông báo vi phạm. 

Tiếp tục phối hợp và hướng dẫn các địa phương mở rộng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, bởi đây là điều kiện tiên quyết để nhiều thị trường chấp nhận sản phẩm nông sản của Việt Nam. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem