Cập nhật 3/2: Số ca nhiễm virus Corona gấp đôi dịch SARS, tàn phá kinh tế thế giới, Việt Nam gánh hệ luỵ

Thùy Dung Thứ hai, ngày 03/02/2020 08:47 AM (GMT+7)
Tính đến 8 giờ sáng 3/2 (giờ Trung Quốc), đã có tới 361 ca tử vong do virus Corona, trong đó có 1 ca tử vong tại Philippines và 17.387 ca nhiễm virus được xác nhận trên toàn thế giới. Theo tính toán của chuyên gia kinh tế thế giới, đại dịch corona khiến 80% nền kinh tế Trung Quốc tạm thời tê liệt, có thể khiến kinh tế thế giới bốc hơi 160 tỷ USD và kinh tế Việt Nam gánh hệ luỵ nặng nề.
Bình luận 0

Khi dịch virus Corona lây lan ra hàng chục quốc gia trên thế giới và khiến 361 người tử vong, nhiều người đã liên tưởng tới dịch SARS hồi năm 2003. Khi đó, toàn cầu có 8.096 ca nhiễm dịch SARS và 774 ca tử vong. So sánh với virus Corona hiện tại, có thể thấy chủng virus mới này dễ lây lan nhưng không dễ gây tử vong như dịch SARS.

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ mới đây đã đưa ra một so sánh, rằng tỷ lệ phần trăm dân số Mỹ mắc bệnh cảm cúm hàng năm là từ 3-11%/ năm, với mức trung bình 8%/năm. Điều này đồng nghĩa với việc trên tổng dân số Mỹ xấp xỉ 330 triệu người, có từ 9,9 triệu (3%) đến 36,3 triệu (11%) người mắc bệnh cúm mỗi năm. Cũng theo thống kê của CDC, Mỹ hiện có 180.000 ca nhập viện và khoảng 10.000 ca tử vong do bệnh cúm. So sánh với 17.205 ca nhiễm virus Corona và 360 ca tử vong tại Trung Quốc được xác định đến thời điểm này, số trường hợp nhiễm virus Corona là quá nhỏ. 

img

17.387 ca nhiễm virus Corona được xác nhận trên toàn cầu, số liệu tính đến sáng 3/2

Vậy điều gì khiến thị trường lo ngại? So với dịch SARS hồi năm 2003, những phản ứng của chính phủ Bắc Kinh giờ đây rõ ràng mạnh mẽ hơn nhiều. Khi đại dịch SARS hoành hành nghiêm trọng nhất, Trung Quốc cũng chưa từng áp đặt các biện pháp “cách ly” bất cứ thành phố nào như hiện tại. Trong khi với dịch virus Corona hiện tại, hàng chục thành phố, thị trấn Trung Quốc đã đình chỉ mọi phương tiện giao thông công cộng và hạn chế người dân di chuyển. Tính đến ngày 2/2, đã có ít nhất 21/31 tỉnh thành tại Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến hết ngày 9/2. Đáng nói là các tỉnh thành này chiếm tới 80% trong tổng GDP đất nước và 90% trong kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Việc kéo dài kỳ nghỉ thêm 1 tuần đồng nghĩa với việc 80% nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tiếp tục tê liệt trong tuần sau.

Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra một so sánh rằng năm 2003, nền kinh tế Trung Quốc mới chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng quy mô GDP toàn cầu. Do đó, khi kinh tế Trung Quốc bị dịch SARS tấn công, ảnh hưởng của nó đến kinh tế toàn cầu là hữu hạn. Giờ đây, tính đến năm 2019, kinh tế Trung Quốc đã chiếm tới 17% quy mô GDP toàn cầu, tức là tầm ảnh hưởng từ dịch virus Corona đến nền kinh tế toàn cầu sẽ bị khuếch đại hơn nhiều lần. 

Một ví dụ dễ thấy được đưa ra, khách du lịch Trung Quốc chiếm vai trò quan trọng với các ngành du lịch nhiều quốc gia như Singapore, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản… Giờ đây, việc “đóng cửa biên giới” và hạn chế xuất nhập cảnh với du khách Trung Quốc sẽ làm mất đi một lượng khách du lịch quốc tế quan trọng, qua đó tác động sâu sắc đến ngành du lịch giữa tâm điểm dịch virus Corona. 

Thị trường chứng khoán thế giới phản ứng

Chứng khoán toàn cầu đã có những phản ứng tức thì sau khi mối đe dọa từ dịch virus Corona tăng lên nhanh chóng. Trong khi chứng khoán Châu Á chìm trong sắc đỏ do số ca nhiễm và tử vong vì virus Corona tăng lên từng ngày, thì chứng khoán Mỹ cũng không khá hơn. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước (hôm 31/1 - giờ Mỹ), Dow Jones đã giảm mạnh 603 điểm, phiên giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 8/2019 khi số ca nhiễm virus Corona tăng cao hơn số ca nhiễm dịch SARS và chính phủ Mỹ chính thức tuyên bố trường hợp khẩn cấp về sức khỏe quốc gia.

Cũng trong phiên giao dịch cùng ngày, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm từ 1,69% xuống còn 1,5%, gây ra một sự đảo ngược đường cong lãi suất trong một thời điểm. Với các nhà đầu tư, đường cong lợi suất đảo ngược là một tín hiệu báo hiệu sự suy thoái kinh tế.

Trước bối cảnh kinh tế như vậy, các nhà đầu tư đang mong chờ Cục Dự trữ Liên bang FED cắt giảm lãi suất ít nhất một lần trong năm 2020, thậm chí là hai lần. FED hiện chưa đưa ra bình luận nào về chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới, nhưng hồi cuối năm 2019, khi dịch virus Corona chưa bùng nổ, cơ quan này đã gợi ý duy trì chính sách lãi suất ổn định như cũ trong suốt năm 2020.

Các chuyên gia kinh tế Forbes chỉ ra rằng thị trường có vẻ như đang phản ứng thái quá với dịch virus Corona. Nếu những phản ứng này tiếp tục, có khả năng lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sẽ tiếp tục giảm. Đáng quan ngại là những phản ứng của thị trường sẽ gây ra các làn sóng bán tháo bất lợi với nền kinh tế thế giới vốn đã suy yếu từ sau loạt bất ổn địa chính trị năm 2019. Forbes do đó khuyên nhà đầu tư chuẩn bị cho những biến động giá trong ngắn hạn. Trong dài hạn, khi nỗi sợ hãi lắng xuống, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chắc chắn sẽ quay lại phạm vi 1,6-1,7% và chứng khoán Mỹ trở lại đỉnh lịch sử như trước đó.

Tác động đến kinh doanh

Tờ Forbes hôm 2/2 (giờ Mỹ) đã công bố một phân tích cho thấy những ảnh hưởng của dịch virus Corona đến kinh doanh toàn cầu là đáng lo ngại hơn cả. Nhất là khi Trung Quốc được đánh giá là thị trường lớn số 1 thế giới, là công xưởng sản xuất của thế giới.

Nhiều hãng hàng không trên thế giới đã hủy bỏ các chuyến bay đến và đi khỏi lãnh thổ Trung Quốc. Chính phi công và phi hành đoàn nhiều hãng hàng không cũng biểu tình phản đối những chuyến bay như vậy trong nỗi e sợ dịch bệnh lây lan. Tính đến hôm 1/2, đã có ít nhất 29 hãng hàng không lớn trên thế giới có những động thái như vậy.

img

Starbuck đóng cửa các cửa hàng tại Trung Quốc đại lục trong tâm chấn virus Corona

Nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng đóng cửa các cửa hàng tại Trung Quốc đại lục như Apple, Starbucks… Trong khi các doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành Trung Quốc quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến hết 9/2 hoặc cho đến khi có thông báo tiếp theo, điều dự kiến sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Không nghi ngờ gì, phản ứng của toàn cầu với dịch virus Corona chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Câu hỏi đặt ra là liệu ảnh hưởng đó mạnh mẽ chừng nào? Dịch virus Corona đến vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu chứng kiến những dấu hiệu ổn định trở lại sau khi Mỹ - Trung thông qua thỏa thuận giai đoạn 1, Brexit tìm được hướng đi và các bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng có dấu hiệu hạ nhiệt.

Sản lượng công nghiệp của các quốc gia như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc trong tháng 12/2019 đã đi vào địa hạt tăng trưởng trong khi tại Trung Quốc, dữ liệu PMI sản xuất tháng 1/2020 cũng không cho thấy sự suy yếu. Tuy nhiên, khi dịch virus Corona bùng phát khiến phần lớn kinh tế Trung Quốc “tê liệt” tạm thời, những dữ liệu kinh tế tiếp theo chắc chắn sẽ cho thấy sự suy giảm đáng kể.

Tính đến 2/2, có ít nhất 21 trong tổng số 31 tỉnh thành của Trung Quốc khuyến cáo doanh nghiệp không mở cửa làm việc trở lại cho đến sớm nhất là ngày 10/2. Theo số liệu năm 2019, tổng GDP của 21 tỉnh thành này chiếm tới hơn 80% GDP quốc gia và hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Trung Quốc. Như vậy, với 21 tỉnh không làm việc, 80% nền kinh tế Trung Quốc tạm thời tê liệt.

Khó mà đưa ra ước tính khi mối quan tâm của toàn cầu về dịch virus này mới chỉ bùng lên mạnh mẽ trong khoảng 1 tuần qua. Nhưng đã xuất hiện những ước tính ban đầu từ các chuyên gia về tác động của dịch virus Corona đến nền kinh tế Trung Quốc. 

Ước tính của 3 nhà kinh tế từ Bloomberg bao gồm Chang Shu, Jamie Rush và Tom Mitchik chỉ ra dịch virus Corona có khả năng giảm tăng trưởng GDP quý I/2020 của Trung Quốc xuống 5,7%, tức thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đó của Bloomberg. Bệnh dịch càng kéo dài, mức ảnh hưởng càng thêm nghiêm trọng. 

Còn giáo sư McKibbin từ Đại học Quốc gia Australia thì ước tính dịch SARS năm 2003 đã gây tổn thất kinh tế khoảng 40 tỷ USD, và tổn thất từ dịch virus Corona có thể gấp 3-4 lần như vậy. Tức là mức độ thiệt hại do virus Corona gây ra có thể lên tới 160 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.

Việt Nam cũng gánh hệ lụy

Trong khoảng 1 thập kỷ qua, Trung Quốc nổi lên là một thị trường nguồn khách du lịch quốc tế quan trọng đối với khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Số khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài tăng từ 10,5 triệu lượt (năm 2000) lên 166 triệu lượt (năm 2019). Liên tục trong nhiều năm, Trung Quốc giữ vị trí số 1 thế giới về tổng mức chi tiêu cho đi du lịch nước ngoài. Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), khách du lịch Trung Quốc có mức chi tiêu bình quân chuyến đi cao, khoảng 1.850 USD/chuyến đi, nằm trong top đầu các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

img

Khách du lịch Trung Quốc đóng vai trò quan trọng với ngành du lịch Việt Nam

Là quốc gia láng giềng của Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ lượng khách du lịch và thị trường Trung Quốc. Năm 2019, có 5,8 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam ngày càng trở thành địa điểm du lịch ưa thích tiềm năng của người Trung Quốc. 

Trên bình diện thương mại, trong nhiều năm qua, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2019 vượt 100 tỷ USD. “Trung Quốc chính là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, có tới 60% nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch.”, ông Bùi Bá Chính - phụ trách Trung tâm mã số, mã vạch Quốc gia cho biết.

Bởi vậy, Bloomberg nhận định, khi dịch bệnh virus Corona bùng phát, Việt Nam là một trong những nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hôm 1/2, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã thông báo dừng các chuyến bay đi và đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến từ ngày 4/2, Thành Đô từ ngày 5/2 và Ma Cao từ ngày 6/2, giảm tần suất các chuyến bay với Hong Kong từ ngày 6/2. Còn hãng hàng không Vietjet thông báo dừng toàn bộ các chuyến bay đi và đến Trung Quốc từ ngày 1/2. 

Nhiều công ty du lịch của Việt Nam cũng chịu chung ảnh hưởng, buộc phải hủy hàng loạt tour du lịch đến Trung Quốc và tour du lịch dành cho khách Trung Quốc tại Việt Nam và chịu lỗ hàng chục tỷ đồng. Tại một số địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang, nơi khách du lịch Trung Quốc ghé thăm đông đảo đã xuất hiện tình trạng nhà hàng, khách sạn treo biển tạm ngừng tiếp du khách Trung Quốc. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Du lịch TPHCM, chỉ một tuần lễ trong Tết Canh Tý, lượng khách Trung Quốc đến thành phố đã giảm gần 20%.

XEM THÊM: Lên mạng kêu gọi, cố tình không bán khẩu trang sẽ bị tịch thu chứng chỉ hành nghề?

Tính đến hôm 2/2, Việt Nam đã xác nhận 7 ca nhiễm virus Corona và 92 ca nghi nhiễm đang được cách ly. Ngoài ra, có 2 ca bệnh được trị khỏi hoàn toàn và xét nghiệm âm tính.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem