Cấp thiết đường Vành đai 3 TP.HCM: Đại biểu Quốc hội chỉ ra những "tiềm năng vàng"

Thế Anh Thứ sáu, ngày 03/06/2022 12:00 PM (GMT+7)
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đang Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và các đại biểu sẽ thảo luận, quyết định ngay trong kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, đây cũng là chủ đề "nóng" đang nhận được sự quan tâm từ dư luận.
Bình luận 0

Đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ phát triển kinh tế vùng

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng nguồn vốn đầu tư lớn, được lựa chọn thực hiện theo hình thức đầu tư công phù hợp với chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia và các vùng, miền, địa phương; phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc.

Thực tế, trong những năm qua, các tuyến đường cửa ngõ TP.HCM đã rơi vào trình trạng quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Do đó, nhu cầu đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ rút ngắn thời gian đi lại từ TP.HCM đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, các tỉnh Tây Nam bộ tới khu vực phía Bắc và ngược lại.

Đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ thu hút nước ngoài đầu tư vào Việt Nam - Ảnh 1.

Hệ thống đường Vành đai và cao tốc, quốc lộ vùng TP.HCM. Ảnh: TA

Đồng thời, giúp kết nối khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp tới vùng cốt lõi của khu vực Đông Nam Bộ. Đường Vành đai 3 TP.HCM giúp đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, mở ra hướng phát triển đô thị mới của khu vực TP.HCM và các thành phố vệ tinh.

Tăng cường cơ hội và khả năng hợp tác đầu tư giữa các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và giảm ách tắc, tai nạn giao thông, nâng cao chất lượng môi trường, cải thiện đời sống xã hội và kinh tế của nhân dân TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Theo tính toán của UBND TP.HCM, dự báo nhu cầu vận tải đến năm 2040, nhu cầu vận tải trên tuyến cao tốc khoảng 51.775 - 74.376 PCU/ngày đêm (tương ứng 4 - 6 làn cao tốc).

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2040, khả năng cân đối nguồn lực trong giai đoạn hiện nay và đặc biệt đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí, tạo sự đồng bộ trên toàn tuyến Vành đai 3 đề xuất lựa chọn quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe cao tốc.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có điểm đầu (Km0+00) tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại Km38+500 (theo lý trình đường cao tốc Bến Lức - Long Thành), thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Điểm cuối (Km91+64) tại nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại Km0+000 (theo lý trình đường cao tốc Bến Lức - Long Thành), thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Đối với Đoạn từ Km28+383 (nút giao Tân Vạn) đến Km43+680 (nút giao Bình Chuẩn) có chiều dài khoảng 15,3 Km (hiện tại đang khai thác với quy mô 06 làn xe đường đô thị, UBND tỉnh Bình Dương đang cải tạo, nâng cấp và bổ sung các nút giao khác mức (thuộc Dự án đầu tư dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương.

Đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ thu hút nước ngoài đầu tư vào Việt Nam - Ảnh 2.

Tổng thể các nút giao ra vào cao tốc ở vùng TP.HCM. Ảnh: TA

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài đầu tư khoảng 76,34 Km, đi qua TP.HCM dài khoảng 47,51 Km, đi qua địa bàn thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh;

Qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11,26 Km, đi qua địa bàn huyện Nhơn Trạch; Tỉnh Bình Dương dài khoảng 10,76 Km, đi qua địa bàn các thành phố: Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An; Tỉnh Long An dài khoảng 6,81 Km, đi qua địa bàn huyện Bến Lức.

Đường Vành đai 3 TP.HCM là tuyến đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 Km/h; đường song hành có quy mô ít nhất 02 làn xe sẽ được đầu tư phân kỳ (không liên tục) tùy theo nhu cầu vận tải, sự phát triển đô thị hai bên;

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454, tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM được quy hoạch với quy mô 8 làn xe cao tốc.

Thu hút đầu tư nước ngoài

UBND TP.HCM kiến nghị đầu tư phân kỳ giai đoạn 1, giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh.

Đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế với bề rộng mặt cắt ngang là 19,75 m (tốc độ thiết kế 80 Km/h); các yếu tố hình học, kỹ thuật khác được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc (Tiêu chuẩn TCVN 5729:2012) với tốc độ thiết kế 100 Km/h; 6 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện hữu và 4 chỗ ra vào đường cao tốc.

Đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ thu hút nước ngoài đầu tư vào Việt Nam - Ảnh 3.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành đang dần quá tải. Ảnh: LS

Đánh giá về tính cấp thiết của dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM, chia sẻ với báo chí bên lề Quốc hội, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) cho rằng: "Nhiều năm qua, hệ thống đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ còn rất hạn chế".

"Thời gian gần đây mới tập trung nhiều hơn cho hạ tầng giao thông, các tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, bên cạnh đó, quan tâm hỗ trợ cho các cực tăng trưởng, đặc biệt là 2 thành phố quan trọng là Hà Nội và TP.HCM", ĐBQH Ngân nhận xét.

ĐBQH Ngân cho biết, Quốc hội đang xem qua chủ trương xem xét đầu tư đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP.HCM. Nếu như được thông qua đầu tư, đường Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

"Hà Nội và TP.HCM là cửa ngõ giao lưu quốc tế, điểm đến của khách du lịch và nhà đầu tư quốc tế, cho nên đầu tư đảm bảo hạ tầng giao thông thông suốt cũng là điểm nhấn để quảng bá, thu hút đầu tư và du lịch quốc tế đến với Việt Nam", ĐBQH Ngân nói.

Theo ĐBQH Ngân, đường Vành đai 3 TP.HCM, càng có ý nghĩa quan trọng hơn vì đặt trong khu vực Đông Nam Bộ với dân số khoảng 18 triệu dân nhưng đóng góp tới 40% GDP cả nước và trên 40% tổng thu ngân sách.

Cụ thể, năm 2022, vùng Đông Nam Bộ có 6 tỉnh, nhưng được giao thu ngân sách lên tới 600.000 tỷ đồng trong tổng thu ngân sách cả nước khoảng 1.400.000 tỷ đồng. Nhu vậy, khi đầu tư cho đường Vành đai 3 thúc đẩy kết nối vùng sẽ thúc đẩy vùng này đóng góp nhiều hơn cho cả nước cả về GDP và thu ngân sách, đồng thời phát huy lợi thế tiềm năng trong vùng.

Trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt với tình hình giá cả, xăng dầu tăng cao, việc kết nối hạ tầng sẽ giúp chi phí lưu thông hàng hóa, chi phí vận chuyển sẽ giảm và góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, góp phần kiểm soát giá. Do đó, việc đầu tư đường Vành đai 3, Vành đai 4 trong giai đoạn hiện nay không phải là cấp thiết mà là cấp bách và rất quan trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem