Đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua những địa phương nào?

Thế Anh Thứ tư, ngày 01/06/2022 06:16 AM (GMT+7)
Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng quốc gia và các đại biểu sẽ thảo luận, quyết định ngay trong kỳ họp thứ 3. Trong đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Bình luận 0

Đường Vành đai 3 TP.HCM thúc đẩy kinh tế

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM được đánh giá là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TP.HCM mà còn của các tỉnh, thành liên quan trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước nói chung.

Ngoài ra, khi dự án đường Vành đai 3 TP.HCM hoàn thành còn tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, phù hợp với quy hoạch giao thông quốc gia.

Sự cần thiết đầu tư Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Hệ thống đường vành đai, cao tốc vùng TP.HCM. Ảnh: TA

Theo đó, với tính chất, vai trò là đường vành đai liên vùng, việc đầu tư, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ hướng tâm, giữa các địa phương của vùng TP.HCM, góp phần mở rộng không gian phát triển mới theo định hướng quy hoạch, tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.

Đồng thời, đường Vành đai 3 TP.HCM giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị. Theo đánh giá của UBND TP.HCM, trong những năm qua, việc phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung còn chậm, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển dẫn tới quá tải giao thông và gây ra tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực, đặc biệt là các cửa ngõ khu vực nội đô.

Do đó, việc đầu tư hoàn thành tuyến đường Vành đai 3 này với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với khu vực nội đô, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông của TP.HCM và khu vực.

Sự cần thiết đầu tư Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Tổng thể các nút giao với đường Vành đai 3 TP.HCM.

Mặt khác, đường Vành đai 3 TP.HCM còn có vai trò liên kết vùng và kết nối giao thông đô thị nên việc đầu tư tuyến đường này góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ khu vực làm phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai.

Ngoài ra, khi tuyến đường được đưa vào sử dụng sẽ bảo đảm kết nối thế trận khu vực phòng thủ của các địa phương lân cận và TP.HCM, bao gồm: Phát triển đô thị cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai), khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM), Khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), phát triển thành phố Thủ Đức (TP.HCM), thành phố Thuận An (Bình Dương), tạo điều kiện phát triển các khu vực nông thôn như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TP.HCM) và Bến Lức (Long An).

Vành đai 3 TP.HCM giúp giảm ùn tắc giao thông

Đáng chú ý, đường Vành đai 3 TP.HCM còn giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu: Hiện nay, các tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đang khai thác giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe), các tuyến quốc lộ hướng tâm (Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1) đều quá tải, đặc biệt vào khung giờ cao điểm ở các cửa ngõ của TP.HCM.

Thời gian tới, khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành khai thác (giai đoạn 1) năm 2025 với công suất 25 triệu hành khách/năm, Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đầu tư nâng cấp để khai thác với công suất 50 triệu hành khách/năm vào năm 2024.

Đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đi qua những địa phương nào?  - Ảnh 3.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành. Ảnh: LS

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (giai đoạn 1) với quy mô 04 làn xe, dự kiến đưa vào khai thác toàn tuyến năm 2023, kết hợp với việc gia tăng dân số cơ học của TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hệ thống hạ tầng giao thông đang quá tải, nguy cơ cao về ùn tắc giao thông.

Do đó, việc đầu tư hoàn thành tuyến đường Vành đai 3 với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với khu vực nội đô, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường TP.HCM và khu vực.

Ngoài ra, việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3 khép kín cùng với cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến sẽ hoàn thành năm 2023, tạo một giải pháp hữu hiệu để phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua TP.HCM.

UBND TP.HCM cho biết, việc đầu tư hoàn thành tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM là phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.

Vành đai 3 TP.HCM phù hợp với định hướng phát triển về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022; phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 16/2021/QH15; phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021; phù hợp với quy hoạch của các ngành, các địa phương có liên quan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem