Em Võ Văn Thới (Trường THPT Cao Lãnh II, Đồng Tháp) được nhiều bạn bè nể trọng không chỉ vì học giỏi mà cậu còn là tấm gương sáng cho tinh thần vượt khó. Gia đình Thới là hộ nghèo của xã Mỹ Long. Nhà nghèo nhưng 12 năm học phổ thông, Võ Văn Thới luôn đạt học sinh giỏi, Thới còn giành Giải Ba học sinh giỏi môn địa lý của tỉnh.
|
Võ Văn Thới tranh thủ đọc Cẩm nang “Tiếp sức mùa thi” trước khi được đưa về nhà trọ miễn phí. |
Năm nay, Thới dự thi vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật và Trường ĐH Khoa học tự nhiên tại TP.Hồ Chí Minh. Để có tiền trang trải cho 2 tuần "lên kinh ứng thí", hơn 1 năm nay, Thới đã phải tranh thủ đi hái trái cây thuê, cắt lúa mướn, giăng lưới kiếm cá bán... Với số tiền gần 500.000 đồng gom góp được, Thới phải tằn tiện, dè sẻn hết sức.
Còn Nguyễn Văn Lành (xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) lên TP.HCM dự thi vào Trường ĐH Bách khoa, cũng chỉ với 400.000 đồng. Để có được số tiền đó, Lành phải tranh thủ đi phụ hồ, bán báo dạo, phơi bánh tráng... Lành mồ côi mẹ năm cậu học lớp 5, sức khỏe của cha ốm yếu nên Lành vừa đi học, vừa lao động để trang trải cuộc sống của hai cha con. "Mỗi tháng, chị gái em làm công nhân ở TP.HCM gửi về 300.000 đồng, chỉ đủ tiền mua gạo. Thức ăn hàng ngày là rau trong vườn tự trồng" - Lành tâm sự.
Hoàn cảnh của Đặng Thị Mỹ Tiên (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cũng rất khó khăn. Mẹ mất năm Tiên 2 tuổi, còn ba thì có gia đình khác. Gần 20 năm qua, Tiên sống với bà nội đã 88 tuổi. Ngoài giờ học, Tiên thường phụ giúp bà nội làm việc nhà và đi lựa hạt điều. Với giá 4.000 đồng/ký, làm từ sáng tới chiều, Tiên chỉ kiếm được 30.000 đồng. Suốt 12 năm học qua, Tiên luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Lên TP.HCM dự thi nhưng Tiên chỉ có 300.000 đồng lận lưng. Đặng Thị Mỹ Tiên tâm sự: "Giờ đi thi còn có các anh chị sinh viên tình nguyện hỗ trợ. Nếu đậu đại học, em cũng chưa biết tính như thế nào nữa".
Đợt thi lần này, các em đều tâm sự làm được khoảng 80% bài thi. Mong rằng những nỗ lực vượt khó của các em sẽ được đền đáp.
Thanh Tàu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.