Cắt ngực ngừa ung thư: Vẫn nên thận trọng!

Thứ tư, ngày 24/07/2013 06:20 AM (GMT+7)
Gen đột biến BRCA là nguyên nhân chính gây ung thư vú. Khi phát hiện hoặc mắc ung thư vì BRCA, nhiều người đã cắt bỏ ngực nhằm giảm thiểu nguy cơ bị ung thư vú. Tuy nhiên, lời khuyên của các bác sĩ là vẫn nên thận trọng.
Bình luận 0
Nên cắt khi gặp “đường cùng” BRCA

Bác sĩ Lê Hồng Quang – Phó Trưởng khoa Ngoại vú (Bệnh viện K T.Ư) cho biết, con người có đến 40 gen gây ung thư, tuy nhiên đối với ung thư vú thì người mang gen BRCA có nguy cơ mắc ung thư vú và buồng trứng lên tới 85-90%.

Gen này cũng có khả năng di truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, rất may là tỷ lệ phụ nữ mang gen này không cao. Trong một nghiên cứu mới đây của Bệnh viện K T.Ư, trong số hơn 250 phụ nữ bị ung thư vú đang điều trị tại viện, chỉ có 2 người mang gen BRCA.
Một ca phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K  T.Ư.
Một ca phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K T.Ư.

Bác sĩ Quang cho biết, sau khi tìm ra gen này, các bác sĩ đã tư vấn cho 2 chị cắt bỏ nốt bên vú lành còn lại và buồng trứng để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ ung thư, nhưng cả 2 đều không đồng ý. Chỉ sau 1 năm, 1 trong 2 người có gen này là chị Lê Hoài G (54 tuổi, Quảng Ninh) bị tái phát ung thư ở bên vú lành còn lại. Lúc này, chị buộc phải cắt bỏ nốt bên còn lại và cắt bỏ cả buồng trứng. Sau đó, con gái chị G cũng đi xét nghiệm nhưng không mang gen BRCA.

Theo các chuyên gia, ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới và có xu hướng gia tăng. Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là 2 địa phương có tỷ lệ người bị ung thư vú cao nhất. Tại TP.Hồ Chí Minh cứ 100.000 người thì có 30 người mắc ung thư vú. Còn ở Hà Nội, tỷ lệ này là 20/100.000 người.

Còn nhiều e ngại

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K T.Ư, cắt bỏ ngực ngừa ung thư là phương pháp không ít người trên thế giới đã thực hiện. Có thể họ cắt bỏ ngực từ khi chưa có ung thư hoặc sau khi một bên ngực bị u thì họ cắt nốt bên kia và buồng trứng để “triệt tiêu” ổ ung thư. Tuy nhiên, ở VN, việc cắt ngực ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của phụ nữ nên “cùng bất đắc dĩ” chị em mới thực hiện.

“Gen BRCA nói riêng và các gen gây ung thư khác nói chung không chỉ gây ung thư vú, buồng trứng mà còn gây ung thư ở nhiều tổ chức, cơ quan khác, nhưng không thể vì ngừa ung thư mà “cắt sạch sành sanh” được – TS Thuấn cho biết. Hơn nữa, theo bác sĩ Quang, để xét nghiệm tìm gen BRCA có chi phí gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, sau khi cắt ngực, chi phí phẫu thuật tạo hình ngực cũng rất đắt đỏ. Vì vậy, thậm chí cả người đã bị ung thư vú một bên thì các bác sĩ cũng chỉ khuyên nên tầm soát sớm để theo dõi, điều trị đúng quy trình.

“Tế bào ung thư xuất hiện và “ủ bệnh” đến 10 năm mới tạo thành u khoảng 1cm (có thể sờ thấy). Vì thế, để phòng ngừa ung thư, phụ nữ ngoài 20 tuổi nên tự khám ngực cho mình để phát hiện ra u cục bất thường và đi khám bác sĩ ngay nếu thấy u cục, các vết thâm và tiết dịch, máu ở đầu vú.


Ngoài yếu tố di truyền và mang gen đột biến, có một số nguyên nhân khác làm tăng nguy cơ ung thư vú và buồng trứng như: Có con muộn hoặc không sinh nở, dậy thì sớm (trước tuổi 12), mãn kinh muộn (sau tuổi 55)...

Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hội Phòng chống ung thư Việt Nam, ung thư vú chiếm tỷ lệ lớn các ca ung thư nhưng cũng có khả năng chữa trị khỏi cao nhất. Việc phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa quyết định trong việc điều trị. Nếu phát hiện ở giai đoạn đầu, cơ hội chữa khỏi là hơn 90%, giai đoạn 2 là hơn 60%. Còn đã đến giai đoạn 4B (u ác tính lớn và di căn) thì việc điều trị chỉ kéo dài sự sống và giảm đau đớn.
Diệu Linh ( Diệu Linh )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem