Cát-xê của John Legend trong đêm trao giải Vinfuture là bao nhiêu?
Cát-xê của John Legend trong đêm trao giải Vinfuture là bao nhiêu?
Phương Việt
Thứ sáu, ngày 21/01/2022 14:57 PM (GMT+7)
Để có sự hiện diện của John Legend, khách hàng sẽ phải trả khoảng 400.000 USD, tương đương 9 tỷ đồng. Đêm trao giải Vinfuture, cát-xê của ca sĩ này không được phía Ban tổ chức tiết lộ, nhưng có lẽ số tiền để trả cho nam danh ca này không hề nhỏ...
John Legend tên thật là John Roger Stephens, sinh ngày 28/12/1978 tại Springfield, bang Ohio, Mỹ. Nam ca sĩ là cái tên không hề xa lạ với giới mộ nhạc thế giới. Ở tuổi 43, anh nằm trong danh sách 16 người từng đạt EGOT, bộ tứ các giải thưởng âm nhạc danh giá Emmy, Grammy, Oscar và Tony.
Bộ sưu tập giải thưởng của John Legend gồm có: 1 giải Emmy, 12 giải Grammy, 1 giải Oscar và 1 giải Tony. Tính tới hiện tại, anh là ca sĩ da đen đầu tiên giành được vinh quang này.
Sự nghiệp âm nhạc giành được nhiều thành tựu của nam ca sĩ người Mỹ là mơ ước của nhiều nghệ sĩ. Ngoài tài năng âm nhạc thiên bẩm, anh còn chịu khó phối hợp với nhiều ca sĩ danh tiếng như Alicia Keys, Kanye West, Lauryn Hill… trước khi ra mắt album đầu tay "Get Lift" năm 2014. Những lần hợp tác này góp phần "mở rộng" con đường nam ca sĩ đến với thành công với đại chúng.
Cát-xê của John Legend là bao nhiêu?
Mới đây, tối ngày 20/1, John Legend đã biểu diễn ba ca khúc tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) trong đêm trao giải VinFuture. Trong đó, ngoài ca khúc làm nên tên tuổi của mình là "All of Me", anh còn hát "You Deserve It All" nằm trong album mới phát hành cuối năm ngoái. Bên cạnh đó, ca khúc huyền thoại "Imagine" của John Lennon được nam ca sĩ cất lên như một lời kêu gọi, động viên toàn thế giới sát cánh vượt qua đại dịch Covid-19.
Bookingentertainment.com là một trang web trung gian hỗ trợ "đặt hàng" sự xuất hiện của các ca sĩ hàng đầu. Theo trang này, để sở hữu sự hiện diện của John Legend, khách hàng sẽ phải trả khoảng 400.000 USD, tương đương 9 tỷ đồng.
Anh sẽ góp mặt tại tất cả các sự kiện riêng tư, chiến dịch truyền thông xã hội, tham gia phát biểu cho sự kiện. Dĩ nhiên, số tiền này có thể thay đổi tùy theo tính chất của sự kiện hoặc các yêu cầu riêng tư khác của chủ nhân sự kiện như hát theo yêu cầu, phát biểu…
Các ca khúc cho tới hiện tại John Legend nhận biểu diễn gồm có "Save Room", "Green light", "Ordinary People"… và hai ca khúc "All of Me", "You Deserve It All" anh hát trong đêm trao giải VinFuture.
Nếu chỉ nhìn ở bề ngoài thì John Legend, người từng giành danh hiệu "Người đàn ông đẹp trai nhất năm 2019" của tạp chí People là một ca sĩ R&B đậm chất nghệ sĩ. Thế nhưng ít ai biết rằng, nam ca sĩ 43 tuổi là một nhà đầu tư khôn ngoan sở hữu khối tài sản lên tới 75 triệu USD. Giá trị tài sản của John Legend được kết hợp với thu nhập với người mẫu Chrissy Teigen, người mà anh kết hôn vào năm 2013.
Sự giàu có này không chỉ đến từ âm nhạc mà còn từ việc đầu tư và tham gia các chương trình truyền hình đặc biệt như: "The Voice", "Jesus Christ Superstar Live In Concert" và các bộ phim như "La La Land".
Năm 2019, nam ca sĩ đã tham gia chương trình "The Voice" Mỹ cùng với các ca sĩ tên tuổi như Adam Levine, Kelly Clarkson and Blake Shelton. Theo Style Caster, chủ nhân ca khúc "All of Me" đã "đút túi" 13 triệu USD một mùa làm giám khảo chương trình này. Mặc dù Ariana Grande mới là người được trả cát-xê cao nhất hơn 20 triệu USD một mùa, nhưng nam ca sĩ 43 tuổi hoàn toàn có thể "vui vẻ" với số tiền trên. Chỉ tính riêng chương trình này đã mang lại cho anh 65 triệu USD sau 5 mùa tham gia ở vị trí giám khảo.
John Legend: Nhà đầu tư thông minh
Trên trang thống kê CrunchBase, John Legend được liệt kê với tư cách là nhà đầu tư cá nhân vào ít nhất 7 công ty khác nhau. Anh ấy là người đồng sáng lập của Bungalow Clothing, hãng thời trang nữ của Mỹ và là nhà đầu tư chính vào các công ty như Walker & Company, Thrive Market và Gobbler…
Mới đây, theo Rolling Stone, John Legend đã chính thức bán toàn bộ quyền sở hữu bản quyền các ca khúc của mình cho BMG và công ty đầu tư KKR với số tiền không được tiết lộ. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Bloomberg, con số này không nằm dưới 250 triệu USD.
Theo hồ sơ, BMG Rights Management và KKR sẽ chia nhau mua 50% cổ phần trong danh mục các tác phẩm của Legend. Thỏa thuận bao gồm tất cả các tác phẩm âm nhạc mà Legend đã viết từ cuối năm 2004 đến đầu năm 2021, bao gồm các bản hit như "Ordinary People", "Green Light", "All of Me" và ca khúc đoạt giải Grammy và Oscar 2014 " Glory".
Để làm rõ sự "khôn ngoan" của John Legend trong thương vụ này, cần hiểu quyền bản quyền được sử dụng ra sao. Một ca khúc ra đời trong quá khứ thường sẽ được chia ra làm 2 bên sở hữu. Bên thứ nhất là người sáng tác âm nhạc và viết lời cho ca khúc, bên thứ hai là đơn vị ghi âm ca khúc đó.
Khi một hợp đồng ký kết mua quyền sử dụng ca khúc, cần phải có chữ ký của cả hai bên sở hữu thì bên thứ ba mới được sử dụng ca khúc đúng luật pháp. Trong hợp đồng ghi âm, các hãng đĩa thường lồng điều khoản cấm nghệ sĩ ghi âm lại ca khúc cho tới một thời gian nhất định để bảo đảm quyền của mình.
Xu hướng gần đây, các ca sĩ, nhạc sĩ "ở sườn dốc bên kia của sự nghiệp" vì tuổi cao thường bán quyền sở hữu bài hát của mình cho một đơn vị khác. Đây là hành động nhằm đơn giản hóa khối tài sản và các vụ kiện tụng không đáng có đối với người được nhượng quyền sở hữu bản quyền sau khi nghệ sĩ qua đời. Thay vì phải "canh me", tranh đấu giành bản quyền, các ca sĩ trao quyền đó cho công ty sở hữu và thu về một khoản tiền lớn cũng như các điều khoản có lợi được thỏa thuận riêng trong hợp đồng.
Như vậy, câu hỏi đặt ra tại sao John Legend, người đang ở giữa sự nghiệp âm nhạc đỉnh cao, lại chọn bán đi quyền sở hữu các tác phẩm của mình.
Josh Gruss, người đồng sáng lập công ty xuất bản âm nhạc Round Hill Music, Mỹ cho biết ông không quyết định mua bản quyền âm nhạc nào dựa trên sự nổi tiếng của nghệ sĩ mà nhắm vào sự phổ biến của bài hát trong tương lai.
"Đầu tư vào âm nhạc là cách đầu tư có độ rủi ro thấp bởi các sản phẩm này được sử dụng rất đa dạng. Bạn có thể kiếm tiền từ mọi thứ mà âm nhạc chạm tới như quán bar, nhà hàng, phát trực tuyến hoặc các buổi hòa nhạc", Josh nói.
Sự phát triển theo cấp số nhân của các dịch vụ phát trực tuyến và các nền tảng mới sử dụng âm nhạc (ví dụ: TikTok, Peloton, Metaverse) đã dẫn đến việc định giá quyền sở hữu ca khúc tăng vọt. Larry Miller, giám đốc kinh doanh âm nhạc tại NYU Steinhardt cho rằng: "Âm nhạc là tài sản rất đáng để đầu tư, giá trị của nó chỉ đi đi lên trong những năm gần đây".
Bên cạnh số tiền lớn thu được từ việc quyền sở hữu, John Legend được cho là còn tránh phải đóng thuế quá lớn từ nguồn thu này. Năm 2006, Tổng thống George W. Bush đã ký ban hành luật cắt giảm thuế cho phép các nhạc sĩ coi việc bán quyền sở hữu là thu nhập từ vốn hơn là thu nhập thông thường bị đánh thuế ở mức cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo thông báo của Nhà Trắng, chính quyền của Tổng thống Biden đã đề xuất loại bỏ "những lỗ hổng lâu đời" như vậy. Nếu điều đó xảy ra thì việc bán quyền sở hữu âm nhạc của một nghệ sĩ có thể mất đi phần nào sức hấp dẫn của nó.
"Tôi sẽ không khuyên việc bán quyền sở hữu âm nhạc đối với các nghệ sĩ mới chập chững vào nghề. Nhưng đối với những nghệ sĩ đã xây dựng tên tuổi với các tác phẩm lớn trong thời gian dài, đây là thời điểm tuyệt vời để bán chúng", Larry Miller nói.
Trở lại với đêm biểu diễn của John Legend tại Nhà lát Lớn Hà Nội, trong sự kiện trao giải Vinfuture, rất nhiều đồn đoán về mức cát-xê siêu khủng của nam danh ca này cho 3 bài hát. Có ý kiến còn nói không dưới 1 triệu USD. Tuy nhiên, đại diện ban tổ chức không tiết lộ và cũng không bình luận về việc này...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.