Câu cá, kéo tôm trên đầm Thị Nại

Thứ năm, ngày 03/02/2011 09:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đầm Thị Nại xa xưa là thương trường. Cả một vùng sông nước rộng hơn 5.000ha này là chốn mưu sinh cho người dân sông nước.
Bình luận 0

Quy Nhơn có tháp Chòi Mòi

Có đầm Thị Nại nối dài biển Đông

Đầm Thị Nại xa xưa là thương trường. Cả một vùng sông nước rộng hơn 5.000ha này là chốn mưu sinh cho người dân sông nước. Kéo theo đó, hàng trăm tay câu không chuyên mỗi sáng đắm mình lặng lẽ giữa trời nước bao la cùng với bộ cần câu kiên nhẫn ngồi chờ phao động cho đến lúc mặt trời nhô lên mặt biển.

 img
Đầm Thị Nại. Ảnh: Xuân Trường

Nằm lọt thỏm trong eo biển, một bên là bán đảo Phương Mai, một bên là TP.Quy Nhơn, đầm Thị Nại là lá phổi xanh của một vùng rộng lớn, hệ sinh thái phong phú, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rặng san hô... Anh Hai Thung, một ngư dân gắn bó với đầm hàng chục năm, rỉ rả vào tai khách phương xa: "Anh đi câu, tôi kéo lưới với bọn này một chuyến, vừa vui, vừa khỏe, lại ngon, lại rẻ...".

Cô Minh Vỹ, nữ cán bộ Mặt trận tỉnh Bình Định thì thào: "Trên đầm Thị Nại có rất nhiều tôm cá, nhưng đặc biệt theo mùa. Mùa gió nồm thì cá năng rất nhiều, rất lớn, cá hồng, cá mú chủ yếu nằm dưới chân cầu và cửa sông. Còn cá chẽm thì đông lắm, vào đầm sinh sản, đi theo từng đàn...".

Chúng tôi có mặt trên chiếc xuồng nhỏ gắn máy đuôi tôm vào một buổi sáng cuối thu. Chiếc ghe nhỏ từ từ rời xóm lưới, khu 9, phường Nhơn Bình, TP.Quy Nhơn, băng qua từng cơn sóng bạc nhỏ để ra giữa đầm. Ngồi nhấn nhá câu dưới bóng cầu Nhơn Hội, xa xa là cồn chim, gò Phương Mai rõ dần trong nắng trưa.

Giai đoạn cuối thu, khi nước lũ trên nguồn đổ xuống, là bắt đầu vào mùa câu cá chẽm - loại cá nổi tiếng ở đầm Thị Nại. Lúc đó, cá chẽm kéo từng đàn từ biển về cửa sông để chuẩn bị cho mùa sinh sản, vì thế, nó còn được gọi là cá vượt.

Thân dài, mồm rộng hoác, cá chẽm thuộc loại ăn "đa hệ", mồi gì cũng xơi tuốt tuồn tuột, mà toàn là mồi sống, từ tôm, cua cho đến các loại cá bé. Cá chẽm ăn rất khỏe, một khi đã cắn câu thì chẳng mấy khi sẩy, có con dài đến 1m, nặng hơn chục kí lô…

Bỗng một đồng nghiệp la to: "Trúng hàng!". Khoảng hơn 2 giờ đồng hồ, đã có bốn chú cá mú to cùng tôm, ghẹ do Hai Thung kéo được. Nồi nước đang sôi lăn tăn, tôm cá bỏ vào, chỉ một lát sau cá vừa chín, chúng tôi có bữa ăn nhậu tuyệt ngon từ tôm cá tươi non và cả gió thoảng sạch thơm hương biển.

Còn nhiều loại cá độc đáo sản sinh nơi vùng nước lợ, tạo nên một làng câu nghiệp dư và một thú ẩm thực ở thành phố biển này. Muốn gia nhập "làng" câu, điều kiện đầu tiên là phải có một bộ cần. Nên sắm bộ cần cầm chắc chắc tay một chút, giá từ vài trăm nghìn trở lên. Siêng đi câu, được con nào, anh đem về thả vào bể kính đặt trong nhà, trước là chơi cho đẹp, sau, còn có cái để lai rai mỗi khi bạn bè đến thăm.

Mùa câu ở đầm Thị Nại rộ nhất từ tháng 7 âm lịch trở đi, khi gió nồm đã dịu xuống và nước thì bớt trong. Hơn nữa, các loại cá lúc đó đã lớn con nên đi câu dễ trúng đậm. Nói vậy chứ ngày thường vẫn có người đi câu, kéo lưới. Đủ các loại cá ngon như hồng, mú, giò, dìa... Ngon nhất là cá giò, nhưng đắt nhất là cá mú.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem