Nuôi loài cá quý hiếm trong ao đất, dân Hòa Bình chờ mãi mới thấy lớn, nhưng bán đắt tiền

Tuệ Linh Thứ bảy, ngày 29/10/2022 18:43 PM (GMT+7)
Cứ ngỡ loài cá dầm xanh-một trong những loài cá quý hiếm ở Việt Nam, hay còn gọi là cá thần chỉ có trên dòng sông Mã nhưng người dân ở xã Vạn Mai (Mai Châu, Hoà Bình) đã nuôi thành công loài cá này trong ao…
Bình luận 0


Clip: Mô hình nuôi cá dầm xanh của chị Hà Thị Lan ở xóm Lọng, xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình.

Bí quyết nuôi cá dầm xanh trong ao nhà

Trong chuyến công tác đến xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình, chúng tôi được người dân nơi đây chia sẻ về bí quyết nuôi thành công loài cá dầm xanh mà trước đây chỉ sinh sống được ở môi trường nước sạch, có dòng chảy như sông Mã.

Gia đình chị Hà Thị Lan ở xóm Lọng, xã Vạn Mai, một trong những hộ nuôi cá thần nhiều nhất và là địa chỉ đỏ cung cấp giống cá uy tín ở Mai Châu.

Hoà Bình: Nuôi cá dầm xanh chậm lớn trong ao, người dân kiếm bộn tiền - Ảnh 2.

Từ nuôi cá dầm xanh, gia đình chị Lan có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Tuệ Linh.

Trao đổi với PV Dân Việt, chị Lan chia sẻ: Người dân xã Vạn Mai, huyện Mai Châu gọi đây là cá dầm xanh. Cách đây khoảng 50 năm trở về trước, loài cá này xuất hiện trên dòng suối Sia trong xanh ở Vạn Mai và được ông bà cụ đánh bắt về nuôi trong ao.

Và từ đó đến nay, nghề nuôi cá dầm xanh đã bắt đầu xuất hiện ở Vạn Mai và được con cháu duy trì và phát triển theo hướng hàng hoá.

Hoà Bình: Nuôi cá dầm xanh chậm lớn trong ao, người dân kiếm bộn tiền - Ảnh 3.

Muốn nuôi thành công cá dầm xanh đòi hỏi môi trường nước phải sạch, nước chảy vào và chảy ra vào liên tục. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo chị Lan, thực chất đây là giống cá thần sinh sống nhiều trên dòng sông Mã ở Thanh Hoá. Tuy nhiên, mỗi vùng lại có một cách gọi tên khác nhau.

Tiết lộ bí quyết nuôi thành công cá dầm xanh trong ao, chị Lan cho biết: Cá dầm xanh là giống cá quen sống trong môi trường tự nhiên ở suối Sia nên không thể nuôi được trong ao tù. Để nuôi được loài cá này, ao nuôi bắt buộc phải có nước chảy vào và lối thoát ra liên tục như suối.

Hoà Bình: Nuôi cá dầm xanh chậm lớn trong ao, người dân kiếm bộn tiền - Ảnh 4.

Cá dầm xanh ăn thức ăn có sẵn tại địa phương cộng với sức đề kháng tốt nên rất dễ nuôi. Ảnh: Tuệ Linh.

Cùng với đó, trên địa bàn xã Vạn Mai có mạng lưới sông, suối nhiều, nước sạch, mát lạnh quanh năm là điều kiện lý tưởng để cá dầm xanh phát triển.

Cũng theo chị Lan, cá dầm xanh nuôi trong ao có nước chảy vào chạy ra liên tục sinh trưởng và phát triển rất tốt. Cá bố mẹ để trứng tự nhiên trong ao. Sau đó, vớt trứng ra cho vào ao khác.

Hoà Bình: Nuôi cá dầm xanh chậm lớn trong ao, người dân kiếm bộn tiền - Ảnh 5.

Giống cá dầm xanh khi còn bé. Ảnh: Tuệ Linh.

"Lúc cá dầm xanh còn nhỏ, gia đình nghiền bột ngô, bột sắn đem nấu và khuấy thả xuống ao cho cá ăn. Khi cá đủ 1 năm tuổi, bắt đầu cho ăn rau. Loài cá này ăn thức ăn có sẵn tại địa phương như: Các loại cỏ, lá chuối, lá sắn nên rất dễ nuôi. Mặt khác, cá dầm xanh có sức đề kháng tốt so với các loài cá khác nên hầu như không bị bệnh", chị Lan nói.

Thịt cá dầm xanh là món ngon thượng hạng

Theo tìm hiểu, cá dầm xanh là giống cá chậm lớn. Từ lúc nuôi cá con đến lúc đủ trong lượng xuất bán đạt kích cỡ từ 2 – 3 kg phải mất từ 4 – 5 năm. Cá dầm xanh nuôi trong ao cho thịt săn chắc, thơm ngon không kém gì cá sinh sống trên sông, suối. Vì vậy, loại cá này luôn được giới nhà giàu và thực khách săn tìm.

Hoà Bình: Nuôi cá dầm xanh chậm lớn trong ao, người dân kiếm bộn tiền - Ảnh 6.

Thời gian nuôi càng lâu, thân cá dầm xanh chuyển dần sang màu đỏ. Ảnh: Tuệ Linh.

Do thời gian nuôi lâu nên trước đây, cá dầm xanh luôn trong tình trạng khan hiếm mỗi khi khách ở xa đặt mua. Bởi, số lượng cá chỉ đủ cung cấp cho các nhà hàng và khu du lịch tại huyện Mai Châu.

Nhưng trong 5 năm trở lại đây, gia đình chị Lan và bà con trên địa bàn xã Vạn Mai đã chuyển sang phương thức nuôi gối nên đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ở Hà Nội và một số địa phương khác.

Chị Lan cho biết thêm: Cá dầm xanh nuôi càng lâu và trọng lượng càng lớn thì giá trị kinh tế càng cao. Hiện nay, thương lái tại Hà Nội mua tại ao với giá 250.000 đồng/kg đối với loại từ 1 – 2,5 kg; 300.000 đồng/kg đối với loại từ 3 kg trở lên.

Trung bình mỗi năm, gia đình chị Lan xuất bán khoảng 4 tạ cá dầm xanh ra thịt trường. Với mức giá bán như trên, gia đình chị thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Cà Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Mai (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) thông tin: Trên địa bàn xã Vạn Mai, cá dầm xanh được nuôi nhiều ở các xóm: Nghẹ, Lọng, Củm… với tổng diện tích ao nuôi hơn 6 ha. Trong vài năm trở lại đây, nghề nuôi cá dầm xanh trên địa đã giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập.

Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Mai Châu tập huấn kỹ thuật, tạo điều kiện cho vay vốn để hỗ trợ người dân mở rộng diện tích nuôi. Qua đó, góp phần đưa nghề nuôi cá dầm xanh thành sản phẩm chủ lực của địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem