Câu chuyện cuộc đời của bà mẹ 43 tuổi, 13 con ở Hà Nội

Chủ nhật, ngày 24/02/2013 12:33 PM (GMT+7)
Trưa mùa đông lạnh giá, bà mẹ 43 tuổi đang ngồi bế cháu ngoại. Xung quanh, mấy đứa con đang đè vai, bá cổ, sà vào lòng hay túm tụm dưới chân. Thỉnh thoảng lại có đứa quay sang ngửa tay: "Mẹ, cho con vài chục đi hội".
Bình luận 0

Làng Cổ Đản, Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội đang tưng bừng mở hội làng, khách thập phương về khá đông. Trong căn nhà trống hoác cách đình làng chừng trăm mét, một khung cảnh như nhà "Chị Dậu" giữa ngôi làng trù phú không khỏi khiến người đối diện giật mình.

13con5-jpg-1361589384_500x0.jpg
Chị Hải bên cháu cùng mấy đứa con nhỏ.

Căn nhà nhỏ chừng hơn 20m2 với khoảng 22 người sinh sống. Trên một chiếc giường ghép từ mấy tấm gỗ, người lớn đang say sưa ăn uống. Dưới sàn nhà, hơn chục đứa trẻ lóc nhóc sà vào mâm cơm, mặt mũi nhem nhuốc tự mình xúc lấy ăn. Trong góc nhà, hai người phụ nữ tuổi tầm 18, đôi mươi đang bồng con cho bú. Nhìn qua sẽ thấy vài đứa trẻ đôi mắt đỏ hoe, có lẽ chúng vừa trải qua một trận cãi vã.

Chị Đặng Thị Hải - người phụ nữ "nổi tiếng" vì mới hơn 40 tuổi đã có 13 đứa con cho biết, hôm nay là hội làng nên con gái chị lấy chồng ở Nam Định, con trai lấy vợ trên Lạng Sơn vừa về. Đây là bữa cơm đoàn viên của gia đình từ Tết.

Sinh năm 1970, năm nay chị Hải mới 43 tuổi nhưng nếp nhăn đã đầy khuôn mặt, hốc mắt sâu, dáng người còm cõi. Bà con xóm làng phải thốt lên rằng may mà chị còn sức khỏe, nếu không cái gia đình 13 đứa con, một ông chồng nát rượu, mẹ già, lại thêm mấy đứa cháu sẽ không biết sống thế nào.

Gọi chị là "người đàn bà khốn khổ" quả không sai. Từ nhỏ, Hải đã nhận thấy mình thua kém anh chị em trong nhà, không được mẹ thương yêu. Năm 18 tuổi, cô gái này kết duyên với người đàn ông tên Nguyễn Doãn Nam (còn có tên là Nguyễn Doãn Tằng) rồi bắt đầu cuộc đời "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường".

Trong vòng 22 năm tiếp theo, chị lần lượt cho ra đời 13 đứa con. Chị kể, từng có một thời gian dài gia đình chị dựng lều trên đê ở. Sau đó anh em thương xót, bên nội cho một mảnh đất nhỏ, nhà ngoại cho tiền xây. Và rồi căn nhà cấp 4 hơn 20m2 trở thành "đại bản doanh" của gia đình này.

Sở dĩ gọi tên này bởi vì nhà chị Hải có tới 3 nơi ăn ở. Ngoài chỗ này còn có một cái lán ở hồ cá - đấu thầu đất của hợp tác xã làm kế sinh nhai và một túp lều khác dựng gần nhà văn hóa. Căn nhà nhỏ, với 2 chiếc giường không thể đủ cho ngần ấy con người nên chị Hải hầu như cả ngày ở ngoài lán làm việc. Mấy đứa con tự nấu nướng để ăn. "Tôi không thể mang chúng đi theo vì sợ ông ấy (chồng chị) đánh chửi bọn nhỏ", chị nói lý do.

Nhà đông con, chồng không biết làm ăn, mình tay chị Hải chèo chống từng bữa cơm cho gia đình. Chị kể: "Mỗi ngày tôi phải cố kiếm từ 5 kg gạo cho các con ăn. Bữa nào không có ông ấy thì mấy mẹ con cơm rau cũng xong. Nhưng hôm chồng ở nhà thì kiểu gì cũng đòi thức ăn, tôi lại phải đi mua. Thoáng buổi sáng cũng mất đến 50.000 đồng".

Rồi người "đàn bà khổ" bổ sung: "Giờ đi chợ chỉ có nước chết đói. May nhà tôi đấu thầu được đất thả cá. Ngày ngày tôi đi cắt cỏ nuôi cá, xem đó làm nguồn thu chính. Rồi đi hái rau, mò cua, bắt ốc. Có đêm hái từ 8h tối đến 3, 4 giờ sáng. Có vậy chúng mới no bụng được". Nói đoạn chị giơ bó rau muống lên: "Rau mọc ngoài đồng và tôi trồng thêm, nhiều lắm hái không xuể. Một bó thế này bán 2.000 đồng".

Bữa cơm đã tan. Một đứa con chị chạy đến cái thùng cạnh tủ lôi gói mứt, xin mẹ bóc. 5 đứa bé túm tụm dưới chiếu, ngước lên cái ti vi đen trắng, thoáng chốc gói mứt xanh đỏ đã hết veo. Mặt đứa nào đứa ấy hớn hở.

Chị Hải nhìn đàn con, thở dài, lệ tràn ra khóe mắt. Chị nhận định, người ta có bầu được ăn "sướng", đằng này chị phải làm quần quật đến tận ngày sinh. Đẻ xong cũng chỉ nghỉ được dăm bảy ngày. Rồi chị giơ tay chỉ: "Đấy, nhìn thằng Trâu (con thứ 6) mà xem, tôi sinh nó được 5 ngày đã đi mò ốc".

13con3-jpg-1361589612_500x0.jpg
"Đại bản doanh" của gia đình có 13 người con toang hoác không có vật gì đáng giá.

Tất cả 13 đứa con của chị (đứa lớn nhất sinh năm 1989, đứa nhỏ nhất năm 2011) không đứa nào có giấy khai sinh hay chứng minh nhân dân. Đến giờ, ngay cả 3 đứa cháu nội, ngoại của chị cũng chưa được làm khai sinh.

Chị bảo mình đi làm cả ngày, nhà cửa lại không có nơi nào cất giấu nên sổ hộ khẩu bị các con nghịch mất lúc nào không hay. Giờ chỉ có 4 đứa con thứ 7, 8, 9, 10 đang đi học từ cấp 1 đến cấp 2. Học lực cao nhất trong nhà là em Nguyễn Doãn Tới sinh năm 1990 (học đến lớp 11 rồi bỏ, giờ đã lấy vợ, có con). 3 bé nhất đã đến tuổi đi học nhưng chưa được đến trường.

"Vì không có giấy khai sinh hay chứng minh thư nên giờ mấy đứa con lớn của tôi cũng không thể xin việc được. Chúng bữa đực bữa cái đi bốc gạch, làm thuê, được đồng nào chúng giữ nuôi con, tôi cũng không hỏi đến", chị Hải cho biết. 13 đứa con của chị cứ thế vạ vật sống hồn nhiên và lớn lên, học được chữ nào hay chữ đó.

13con4-jpg-1361589612_500x0.jpg
Bé Tươi (2007) và Sáng (2008) chưa từng được cầm đến chiếc bút dù đã đến tuổi đi học.

Theo ông Nguyễn Duy Nam - Tổ trưởng tổ dân phố - thì đến nay chính quyền đã "hết cách" với gia đình 13 con này.

"Từ ngày nhà này sinh con thứ 4, chính quyền đã 'lôi' chị Hải đi triệt sản nhưng ông chồng lên trạm y tế chửi bới bác sĩ rồi lôi về. Và cứ thế cách một năm gia đình chị lại cho ra đời một thành viên mới. Đến khi sinh con thứ 11, cả đài truyền hình, ông Tổng cục trưởng Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, về tận nơi hạ quyết tâm không cho nhà này đẻ nữa, nếu chính quyền thôn, xã không 'dừng đẻ' của nhà này sẽ bị kỉ luật. Nhưng rồi bao nhiêu biện pháp mà nhà họ vẫn đẻ thêm hai đứa nữa", ông Nam cho biết.

Ông Nam lắc đầu ngán ngẩm kể tiếp: "Giờ chính quyền nói mãi, bàn mãi mà họ cứ bỏ lơ, chán nhà này lắm rồi". Ông chỉ tội nếu đến lúc người mẹ chân run, mắt mờ, sức khỏe giảm thì không biết nhà này làm sao mà chống đỡ khi đàn con còn nheo nhóc thế.

Đầu giờ chiều, chồng chị Hải quát mắng chán, thản nhiên hạ một câu: "Mặc kệ chúng mày thích làm gì thì làm, tao phải đánh giấc đã", rồi lên giường ngủ ngon lành. Mấy đứa con lớn chuẩn bị đi xem hội làng. Cô gái sinh năm 1989 đặt con của mình sang mẹ rồi giơ tay xin: "Mẹ, cho con mấy chục đi chơi". Bị chị khước từ, cô lẳng lặng quay đi. Lát sau, cô bé sinh năm 1994 cũng chạy lại xin mẹ cho vài chục, và chị cũng lặp lại điệp khúc "Trên người tao chẳng còn đồng nào".

Những đứa con lít nhít khác của chị tóc tai bê bết, người có mùi, dắt díu nhau đi chơi. Còn một bé 2 tuổi cùng 3 đứa cháu, một bà lão 80 chen chúc trên chiếc giường chỉ trần trụi một cái ruột chăn cáu bẩn, cứ thế chìm vào giấc ngủ. Chị Hải cắp gánh ra lán trông cá, hái rau. Dáng chị thất thểu trên con đường nhỏ.

Theo VnExpress

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem