Câu đối hay khiến quan triều đình phải một phen… lên ruột!

Nguyễn Hữu Hiệp Thứ sáu, ngày 20/02/2015 14:00 PM (GMT+7)
Câu đối xưa cũng thường được dán ở cửa. Người hay chữ xúm nhau bàn tán. Nhưng có những câu đối hay đến mức quan triều đình phải một phen … lên ruột!
Bình luận 0
Lê Thánh Tông là một bậc anh quân (1460 - 1497), chẳng những sửa sang được nhiều việc chính trị quan trọng, đánh Lão Qua, dẹp Chiêm Thành, làm cho nước nhà được lừng lẫy, cường thịnh, mà còn là người rất có tài về văn học, và làm cực thịnh nền văn học nước nhà. Chính ông đã thành lập và làm Nguyên súy hội văn học “Tao đàn nhị thập bát tú”.

Ông là tác giả của nhiều tập thơ chữ Hán, chữ nôm và nhiều bài đề vịnh phong cảnh. Do rất quan tâm đời sống dân nghèo nên thơ văn ông không bó hẹp trong cung vàng điện ngọc, mà lại thường gởi gắm tâm tư, tình cảm mình vào những đề tài rất mực tầm thường như thằng mõ, thằng ăn mày, thằng bù nhìn, cái chổi, con cóc, cái nón v.v.
img
Ông đồ viết câu đối dịp Tết (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ; nguồn Internet)
Tương truyền tối ba mươi Tết, ông giả làm người học trò, kín đáo vi hành các nẻo đường phố ở kinh đô để dạo chơi và đọc câu đối Tết để rõ dân tình. Đến nhà một người thợ nhuộm, thấy không có dán câu đối, “người học trò” ấy bèn vào thăm hỏi, và viết cho một câu đối:

Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ,
Triều trung ngô tử tống ngô gia.

(Xanh, vàng thiên hạ đều tay tớ,
Đỏ, tía triều đình bởi cửa ta).

Cũng viết cho người thợ dệt nhà gần đó:

Tay ngọc lần đưa thoi nhựt nguyệt,
Gót vàng nhẹ đạp máy âm dương.

Lại ghé sang một hàng trầu nước, cũng thấy không có dán câu đối, ông viết cho:

Nếp giầu quen thói kinh cơi, con cháu nương nhờ vì ấm,
Việc nước ra tay chuyển bát, Bắc Nam đâu đấy lại hàng.

(Giầu là nhà giàu có, ở đây cũng có nghĩa là trầu; kinh cơi là phách lối, làm cao, ở đây cũng có nghĩa là cơi trầu; ấm là phúc ấm của cha mẹ để lại cho con, ở đây thêm nghĩa là cái ấm nước; chuyển bát là bắt bẻ, xoay xở, muốn sao cũng được, ở đây hiểu thêm là cái chén đựng nước uống; hàng là đầu thú, quy phục, ở đây thêm nghĩa là cái quán nước).

Câu đối được dán ở cửa. Người hay chữ xúm nhau bàn tán. Mấy ngày sau đồn truyền đến tận triều đình, các quan bèn tức tốc đến xem. Trong khi đó ông Trạng Lương trên đường từ nhà đến chầu, đọc được câu đối ở cửa hàng người thợ nhuộm, và thợ dệt, đang hết sức kinh ngạc, vì rõ ràng đây là khẩu khí của một bậc đế vương, thì ông bỗng gặp các quan cũng đang hoảng hốt không kém. Bởi các cặp câu đối đều chẳng những thể hiện đúng ước nguyện nghề nghiệp riêng của họ, mà còn toát lên khí phách kinh bang tế thế của một người đứng đầu thiên hạ, bèn bảo nhau đi dò xét. Mãi, chẳng rõ ai phóng bút, nên đem việc tâu lên. Vua mỉm cười, nhận là mình viết hộ, khiến các quan phải trải một phen lên ruột!
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem