Cầu thủ người Croatia Josip Balic: "Tôi chưa từng gặp ai như bầu Đệ"

Chủ nhật, ngày 09/08/2020 21:10 PM (GMT+7)
Chân ướt chân ráo đến Việt Nam sau nhiều năm chơi bóng tại châu Âu, song Josip Balic hiện đang cảm thấy vô cùng hạnh phúc với sự lựa chọn của mình.
Bình luận 0

Tháng 1/2020, Josip Balic đã quyết định rời châu Âu để bắt đầu chuyến hành trình mới đến Việt Nam, với Thanh Hóa là điểm dừng chân đầu tiên.

Sau hơn 8 tháng chơi bóng và sinh hoạt tại dải đất hình chữ S, tiền vệ người Croatia mới đây đã dành cho GOAL một cuộc phỏng vấn xoay quanh cuộc sống thường nhật tại CLB Thanh Hóa, những ấn tượng ban đầu về giải đấu cũng như về bóng đá Việt Nam.

Cầu thủ người Croatia Josip Balic: "Tôi chưa từng gặp ai như bầu Đệ" - Ảnh 1.

Ngoại binh Josip Balic (phải).

“Ngay từ những ngày đầu, tất cả mọi người đều tỏ ra rất thân thiện”

Sau nhiều năm chinh chiến tại châu Âu, Balic đã quyết định sang Việt Nam chơi bóng. Trong quãng thời gian đầu tại đây, anh đã phải đối mặt với những khó khăn gì?

Cuộc sống ở Việt Nam rất khác biệt so với châu Âu, từ nền văn hóa, đồ ăn, xe cộ… Nhưng tôi không mất nhiều thời gian để thích nghi với lối sống nơi đây.

Ngay từ những ngày đầu tiên sinh hoạt cùng đội bóng, mọi người đều tỏ ra thân thiện với tôi. Vì thế, tôi đã không gặp bất kỳ khó khăn gì trong việc hòa nhập với mọi người.

Tôi là một người thích sự trải nghiệm. Tôi đã chơi bóng tại 5 quốc gia, nhưng đây là lần đầu tiên tôi sang châu Á. Đến lúc này, tôi cảm thấy vô cùng đúng đắn với quyết định này.

Anh đánh giá thế nào về cơ sở vật chất tại Thanh Hóa? Điều này liệu đã đáp ứng đủ nhu cầu tập luyện của các cầu thủ?

Cơ sở vật chất ở đây vẫn còn hạn chế. Mặt cỏ không phải lúc nào cũng trong tình trạng tốt nhất, ảnh hưởng rất nhiều đến lối chơi phối hợp nhỏ của các cầu thủ.

Tuy nhiên, tôi nghĩ đội bóng nên có thêm một sân tập nữa. Điều này sẽ giúp quá trình bảo dưỡng mặt cỏ được đảm bảo hơn.

Anh nghĩ sao về CĐV Thanh Hóa nói riêng và V.League nói chung?

Tôi phải nói rằng, họ rất tuyệt vời. Các CĐV luôn theo chân đội bóng ngay cả khi chúng tôi phải thi đấu trên sân khách. Đây chính là điểm tôi rất thích ở bóng đá Việt Nam. 

Khi còn chơi bóng ở châu Âu, tôi cảm thấy đây là một điều khá xa vời. Ở một vài trận đấu, chúng tôi dường như phải chơi bóng trên sân vắng khán giả vậy.

Tại V.League 2020, Thanh Hóa đã phải liên tục đối mặt với những khó khăn ở một vài thời điểm? Theo anh, đâu là lý do khiến đội bóng không thể đạt được thành tích như ý? \

Thanh Hóa không phải là một đội bóng dồi dào về mặt tài chính. Đây là giai đoạn chúng tôi gặp nhiều khó khăn.

Lúc này, toàn đội còn biết tập luyện thật tích cực để đạt thành tích tốt trên sân. So với giai đoạn đầu mùa giải, chúng tôi đang tốt dần lên.

Trọng tài hiện cũng đang là một vấn đề nổi cộm. Nhưng tôi nghĩ đây không phải là vấn đề quá lớn đối với Thanh Hóa. 

“Tôi cảm thấy bình thường khi bầu Đệ xuất hiện ở khu vực huấn luyện”

Đầu năm nay, HLV trưởng của Thanh Hóa là Fabio Lopez. Tuy nhiên, ông ấy đã phải sớm chia tay đội bóng chỉ sau 3 vòng đấu. Theo anh, đâu là lý do khiến HLV Fabio Lopez mất ghế? Việc này có xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ hay không?

Chúng tôi đã không gặp may ở cả ba vòng đấu đầu tiên. Chúng tôi đã không ít lần áp đảo đối phương, nhưng lại thiếu may mắn trong khâu ghi bàn.

Lúc này, Fabio Lopez đã cố gắng cải thiện tình hình. Đối với tôi, ông ấy là một HLV giỏi, nhưng lại kém may mắn.

Khi một đội bóng trải qua một chuỗi thành tích kém cỏi, HLV trưởng là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Tất nhiên, bất kỳ vị chủ tịch nào cũng muốn tốt cho đội bóng và bầu Đệ cũng không phải ngoại lệ. Chính vì thế, ông ấy đã quyết định thay thế HLV Lopez.

Tôi nghĩ không đôi bên đã gặp mâu thuẫn gì, nhưng trước mắt hành động của bầu Đệ cũng chỉ vì mục đích phục vụ lợi ích đội bóng.

Hơn 8 tháng tại Thanh Hóa, anh có ấn tượng gì về bầu Đệ?

Bầu Đệ là một con người rất nhiệt huyết. Ông ấy quyết “sống chết” vì đội bóng này. Ông ấy có mặt tại đại bản doanh của Thanh Hóa hằng ngày và luôn đáp ứng những nguyện vọng mà chúng tôi đưa ra.

Bầu Đệ rất yêu bóng đá. Tôi chưa từng gặp vị chủ tịch nào luôn sẵn lòng vì công tác làm bóng đá như ông ấy.

Mỗi khi Thanh Hóa thi đấu, bầu Đệ thường xuyên xuất hiện trong cabin huấn luyện. Anh có suy nghĩ gì về hình ảnh này? Ông ấy có can thiệp vào chuyên môn của đội bóng hay không?

Bầu Đệ chỉ đưa ra lời khuyên cho chúng tôi. Những thay đổi về mặt kỹ - chiến thuật vẫn thuộc vào quyết định của ban huấn luyện. Việc chủ tịch và HLV trao đổi với nhau là điều quá bình thường ở nhiều đội bóng.

Tôi cảm thấy không quá lạ lẫm với sự xuất hiện của bầu Đệ trong cabin huấn luyệnDinamo Zagreb - đội bóng giàu thành tích nhất Croatia - cũng từng có một người như bầu Đệ, đó là Zdravko Mamic.

Giữ cương vị Giám đốc điều hành của Zagreb đến năm 2016 trước khi đảm nhận vai trò cố vấn của đội bóng, ông Mamic thường xuyên xuất hiện trong phòng thay đồ của Dinamo Zagreb trong giờ nghỉ giữa hiệp.

Tôi không rõ Mamic làm gì, nhưng tôi nghĩ ông ấy là một người có chuyên môn, bởi những thành công của Zagreb mang nhiều dấu ấn của ông ấy.

Chính vì thế, tôi cảm thấy bình thường với hình ảnh bầu Đề xuất hiện cùng chúng tôi trong khu vực huấn luyện.

Nhưng tôi nói vậy chỉ để cho thấy điều này không có gì lạ thôi, còn bầu Đệ và Mamic hoàn toàn không giống nhau về những điều còn lại. Mamic từng bị buộc tội biến thủ công quỹ CLB. Ông ấy là người phạm tội. 

Zdravko Mamic (trái) chính là anh trai của Zoran Mamic - HLV đương nhiệm của Dinamo Zagreb

Anh nghĩ gì về Nguyễn Thành Công, tân HLV trưởng của Thanh Hóa?

Tôi có ấn tượng tích cực về ông ấy. Nguyễn Thanh Công biết rất rõ những đội bóng tại V.League và luôn chuẩn bị những phương án riêng biệt trước khi đối đầu với họ.

Ông ấy đặt nặng vấn đề thể lực của các cầu thủ. Hiện tại, chúng tôi đang rất muốn thi đấu trở lại ngay lúc này để chứng minh sự tiến bộ của toàn đội.

Tại Thanh Hóa cũng như V.League, anh ấn tượng với cầu thủ nào nhất?

Tôi đánh giá cao Samson và Epassi, những người sở hữu lối chơi đầy sức mạnh và luôn chăm chỉ trên sân.

Ở V.League, tôi thấy rất nhiều cầu thủ tốt tại đây và ấn tượng nhất với bộ tứ xuất thân từ HAGL, đó là Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường và Tuấn Anh.

“Rút lui khỏi giải đấu không phải là một cách giải quyết tốt”

Mới đây, chủ tịch Nguyễn Văn Đệ đã bày tỏ ý định muốn Thanh Hóa rút lui khỏi V.League 2020 do gặp những khó khăn về tài chính trong mùa dịch COVID-19?

Theo Josip, anh nghĩ gì về hành động này? Liệu trường hợp này đã xuất hiện ở Croatia?

Như tôi đã nói, Thanh Hóa không phải là một đội bóng sở hữu tiềm lực tài chính dồi dào. Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trong mùa dịch COVID-19. Đây chính là thách thức lớn dành cho những người đứng đầu đội bóng.

Tuy nhiên, tôi nghĩ bỏ giải không phải là cách giải quyết tốt. Lúc này, tôi chỉ hy vọng giải đấu sẽ sớm trở lại để tất cả các cầu thủ có cơ hội ra sân thi đấu.

Tại Croatia, các đội bóng cũng gặp rất nhiều khó khăn khi mất nguồn thu từ bản quyền truyền hình và tiền vé. Những thương vụ chuyển nhượng từ đó cũng đã không thể thực hiện thành công.

Tuy nhiên, tất cả đội bóng vẫn quyết tâm vượt qua giai đoạn này. Hiện tại, mọi thứ cũng đã ổn định. Liên đoàn cũng đã hỗ trợ họ rất nhiều.

Anh có thể chỉ ra đâu là sự khác biệt giữa bóng đá Việt Nam với những nền bóng đá khác tại châu Âu mà anh từng kinh qua?

Bóng đá châu Âu và Việt Nam vẫn có những khoảng cách lớn. Bên cạnh vấn đề tài chính, sân bãi, nơi tập luyện, cầu thủ ở châu Âu sở hữu thể trạng tốt hơn nhiều.

Nhưng bù lại, cầu Việt Nam lại rất có tiềm năng. Theo tôi, họ cần phối hợp với nhau nhiều hơn để khai phá hết những tiềm năng sẵn có. Chung quy lại, Việt Nam là một đất nước đầy triển vọng về bóng đá.

Anh có thể giới thiệu đôi nét với nền bóng đá tại quê hương anh - Croatia? Liệu có điểm gì khác biệt giữa hai nền bóng đá?

Croatia đã một đất nước nhỏ với vỏn vẹn khoảng 4 triệu dân. Tuy nhiên, chúng tôi đang là những nhà Đương kim Á quân của thế giới.

Croatia cũng đang sở hữu không ít tài năng bóng đá, trong số đó sau này thậm chỉ đã vươn lên tầm đẳng cấp thế giới như Luka Modric hay Ivan Rakitic.

Giống như Croatia, tôi cảm thấy cầu thủ Việt Nam rất tiềm năng. Tuy nhiên theo tôi, đất nước các bạn nên tập trung hơn vào công tác đào tạo trẻ và thay đổi phong cách chơi bóng.

Nhiều đội bóng rất thích sử dụng lối chơi bóng dài, nhưng tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu áp dụng lối chơi chiến thuật có khoa học. Điều này sẽ phù hợp hơn với thể trạng của con người Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện tại, đa số các giải VĐQG đã phải tạm hoãn hoặc diễn ra trên sân không khán giả. Tuy nhiên, trước khi V.League 2020 bước vào lần tạm hoãn thứ hai, BTC vẫn cho phép CĐV vào sân theo dõi bóng đá.

Chứng kiến những hình ảnh này, cảm xúc của anh như thế nào?

Tôi cảm thấy thật hạnh phúc và may mắn khi được thi đấu dưới sự cổ vũ của hàng ngàn khán giả.

So với các nước lân cận, Việt Nam đang làm rất tốt công tác chống dịch. Tôi nghĩ các bạn nên cảm thấy tự hào với điều này. Con người Việt Nam rất yêu bóng đá và tôi có thể cảm nhận được tình yêu này ở mọi SVĐ mà tôi từng đặt chân đến.

Croatia hiện chỉ cho phép một số lượng khán giả vào sân. Lúc này, tôi nghĩ V.League cũng nên áp dụng theo. Đây sẽ là một sự lựa chọn hợp lý hơn so với việc hủy bỏ giải đấu.

Anh có cảm thấy hài lòng với công tác phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam, với cuộc sống tại đây?

Công tác phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam rất tốt. Hãy nhìn vào những quốc gia khác, tình hình tại đó đang thật sự rất tồi tệ. Chính phủ Việt Nam đã triển khai các biện pháp chống dịch rất linh động và kịp thời, từ đóng cửa biên giới đã giãn cách xã hội.

Tại Croatia, chúng tôi vẫn chưa đóng cửa biên giới, dù những ca bệnh đang một ngày gia tăng. Thậm chí, Chính phủ còn cho phép khách du lịch ra vào rất dễ dàng.

Hiện tại, Thanh Hóa vẫn đang duy trì nhịp sống bình thường. Toàn đội vẫn tập luyện hai buổi/ngày. Không giãn cách xã hội, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ không được phép chủ quan.

PV (Theo Goal/VN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem