Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tại buổi Giao lưu trực tuyến "Phát triển sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ nguồn dược liệu Việt" do báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt tổ chức ngày 17.10 tại Hà Nội.
TS Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Cụ thể, khi được hỏi về việc đánh giá thực trạng dược liệu Việt Nam nhất là trong sử dụng nguyên liệu sản xuất những thực phẩm chất lượng cao hiện nay, TS Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết: " Phải nói, chúng tôi rất mừng khi Bộ Y tế đã trình Chính phủ Đề án Phát triển Y học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại. Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển cây dược liệu. Chúng ta có tới 5.000 loại thực vật, hơn 400 động vật có giá trị để chiết xuất, sản xuất dược liệu. Số lượng phong phú và đa dạng như vậy nhưng chúng ta mới chỉ đáp ứng được 25% nguồn nguyên liệu để làm các loại thuốc dược liệu là còn khiêm tốn".
"Rõ ràng từ tiềm năng đến hiện thực đáp ứng được nhu cầu vẫn còn cách xa. Với dân số 100 triệu dân chắc chắn tiềm năng về thuốc dược liệu còn rất lớn. Câu chuyện là làm thế nào để biến tiềm năng thành hiện thực", TS Ngọc thông tin thêm.
Được biết, chúng ta có thể kể một loạt chính sách, từ Quyết định 176 (2013) về Quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu và chiến lược quốc gia về phát triển ngành dược liệu tới năm 2020, tầm nhìn 2030.
Hay như đến Nghị định 65 (2017) về Chính sách Đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu. Tiếp đến là Nghị định 57 (2018) về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Hoặc nghị định 116 (2018) về Chính sách ưu đãi vốn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, Việt Nam có hệ thiên nhiên sinh thái phong phú và đa dạng về các loại cây dược liệu khi cả nước có hơn 4.000 loài cho công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loài dược liệu được xếp danh sách quý hiếm trên thế giới như sâm ngọc linh, sâm vũ diệp, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng...
Theo thống kê của Cục quản lý Dược, Bộ Y tế, trong các loại dược liệu có nhu cầu cho sản xuất thuốc lớn nhất từ năm 2011, Artiso đứng đầu danh sách với số lượng tiêu thụ 2.000 tấn/năm, tiếp theo là đinh lăng với hơn 900 tấn/năm. Trong số những loài đã công bố, có nhiều loài được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới, sâm ngọc linh (hay sâm Việt Nam) là một trong những loại sâm có hàm lượng Saponin nhiều nhất, cao hơn cả những loại sâm quý được nghiên cứu sử dụng lâu đời trên thế giới như sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc.
Cà gai leo và dây thìa canh đã trồng thành công tại xã Yên Than (Tiên Yên - Quảng Ninh), mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân. (Ảnh: KTNT)
Cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm và truyền thống lâu đời sử dụng các loại cây, con dùng làm thuốc để phòng và chữa bệnh vô cùng đa dạng và phong phú, góp phần hình thành nên một kho tàng tri thức sử dụng cây, con làm thuốc chữa bệnh rất quý giá.
Song song với việc tập hợp các bài thuốc dân gian gia truyền của các thế hệ lương y, nhiều dược phẩm còn được phát triển dựa trên tri thức sử dụng của cộng đồng như tri thức sử dụng cây chè dây để chữa bệnh của người Tày ở Cao Bằng, sử dụng cây tật lê chữa bệnh của người Chăm,… Các hoạt động này cũng góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển không ngừng các giá trị văn hóa dân tộc, đa dạng sinh học cây thuốc, đồng thời mở ra triển vọng cho việc phát triển những loại thuốc mới cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, trước xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ thì dược liệu chính là nguồn nguyên liệu của nền công nghiệp tân dược trong tương lai, không phải là nguồn nguyên liệu hóa dược mà con người mất nhiều thời gian và công sức theo đuổi trong nhiều năm qua. Nhu cầu về chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền kết hợp với y học hiện đại cũng dần trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều người, nhất là những người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính, bệnh mới nổi và bệnh khó chữa.
Cũng theo đánh giá của Cục Quản lý Dược, không chỉ là những bài thuốc, cây thuốc đơn thuần mà y học cổ truyền còn là di sản văn hóa dân tộc cần được bảo vệ, phát huy, phát triển. Do đó, việc triển khai mạnh mẽ nghiên cứu ứng dụng và hiện đại hóa y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại nhưng không làm mất đi bản chất của y học cổ truyền Việt Nam là yêu cầu tất yếu được đặt ra trong tình hình hiện nay.
Phát triển y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại cũng chính là nhằm đạt mục tiêu nâng cao sức khỏe, an toàn, hiệu quả, hiện đại, dễ tiếp cận cho người dân trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Y tế và các bộ ngành chức năng tiếp tục đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu ứng dụng và hiện đại hóa y học cổ truyền về nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, chẩn đoán, điều trị, sản xuất thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Chú trọng phát triển các vùng trồng dược liệu quy mô lớn trên cơ sở khai thác các vùng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thích hợp với sinh trưởng và phát triển của cây dược liệu.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để chọn, tạo ra các loại dược liệu có năng suất, chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất thuốc dược liệu. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đưa các dịch vụ y học cổ truyền Việt Nam ra thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.