Cây me cổ thụ ở Long An chưa đạt tiêu chí, tại sao vẫn được công nhận là Cây Di sản Việt Nam?
Cây me cổ thụ ở Long An chưa đạt tiêu chí, tại sao vẫn được công nhận là Cây Di sản Việt Nam?
Thứ ba, ngày 18/04/2023 12:44 PM (GMT+7)
Tháng 4/2023, cây me cổ thụ làng Ba Cụm, ấp 6, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, được công nhận là Cây di sản Việt Nam dù các chỉ số về độ lớn, chiều cao đều chưa đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, "cụ" me cổ thụ làng Ba Cụm đã có mặt từ những ngày đầu mở đất, cũng là "chứng nhân" cho tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của người dân làng Ba Cụm và có nhiều ý nghĩa với người dân trong vùng.
Người tìm hiểu, kể lại câu chuyện đó, góp phần thuyết phục Hội đồng xét duyệt để "cụ" me trở thành Cây Di sản Việt Nam chính là nhà báo lão thành Quang Hảo. Ông cũng là người trực tiếp làm hồ sơ đề xuất công nhận cây me làng Ba Cụm và nhiều cây cổ thụ khác trong tỉnh là Cây Di sản Việt Nam.
1. Khu vườn nhỏ của nhà báo Quang Hảo đầy cây và hoa. Dưới tán cây xanh đổ bóng là những chậu hoa, cây cảnh, cây bonsai đang độ trổ hoa, khoe dáng. Là người rất yêu quý cây xanh, ông sẵn sàng dành nhiều thời gian, tâm sức để cứu những gốc cây bị bỏ đi, nâng niu, chăm chút tạo hình cho chúng. Trong khu vườn của mình, ông kể về hành trình tìm Cây Di sản Việt Nam ở Long An: “Cây Di sản Việt Nam đầu tiên tôi làm hồ sơ chính là cây trôm tại giồng Cai Yến, phường Khánh Hậu, TP.Tân An.
Cây trôm cổ thụ là chứng tích sống của rừng nguyên sinh lâu đời ở đó, trước khi vùng đất giồng Cai Yến được người Việt đến khẩn hoang, lập làng.
Đó là lần đầu tiên làm hồ sơ, do chưa quen nên tôi cũng gặp một số khó khăn nhưng được vài người bạn giúp đỡ trong việc đo đạc nên quá trình thực hiện cũng không mất quá nhiều thời gian”. Không lâu sau khi hồ sơ được gửi đi, cây trôm làng Khánh Hậu được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Từ đó, “cụ” trôm được chính quyền và người dân quan tâm bảo vệ, chăm sóc nhiều hơn.
Nhà báo Quang Hảo bên gốc cây trôm mõ cổ thụ- Cây di sản Việt Nam ở phường Khánh Hậu, TP Tân An, tỉnh Long An (Ảnh nhân vật cung cấp).
Sau cây trôm cổ thụ làng Khánh Hậu, nhà báo Quang Hảo lại tiếp tục lặn lội khắp các địa phương trong tỉnh để tìm những gốc cây cổ thụ, có giá trị về cả văn hóa, lịch sử để làm hồ sơ đề nghị công nhận Cây Di sản Việt Nam. Lần lượt cụm cây me cổ thụ chùa Rạch Núi (huyện Cần Giuộc), cụm cây cổ thụ chùa Nổi (huyện Vĩnh Hưng), 2 cây đa đình Vạn Phước (huyện Cần Đước), cây me làng Ba Cụm (huyện Bến Lức) được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
2. Mỗi gốc cổ thụ mang theo một câu chuyện và là "chứng nhân" cho lịch sử khai hoang mở đất cũng như đấu tranh giải phóng dân tộc. Thời gian dần trôi, nếu những câu chuyện ấy không được nhà báo Quang Hảo kỳ công tìm kiếm và lưu giữ lại thì e rằng sẽ dần mai một.
Ông trầm ngâm chia sẻ: “Cây thường gắn liền với đời sống tâm linh, tinh thần của người dân ta từ thuở mới khẩn đất, lập làng. Trong những cuộc Nam tiến của ông cha ta, hành trang thường có một cái cây từ quê cha, đất tổ. Đến nơi dừng lại, ông cha ta thường sẽ trồng cây và dựng lên ngôi đình làng. Chính vì thế, hình ảnh cây đa, giếng nước, mái đình luôn gắn bó trong ký ức của bao thế hệ. Nên có thể nói, Cây Di sản Việt Nam chính là tài sản thiêng liêng của tiền nhân để lại, mỗi cây đều lưu giữ những câu chuyện rất riêng”.
Cây me cổ thụ làng Ba Cụm, ấp 6, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An dù không đạt các tiêu chí nhưng nhờ giá trị về văn hóa, lịch sử, đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam
Ông đã nhiều lần chứng kiến sự tiếc nuối, xót xa của bạn bè mình khi không tìm thấy những tán cây từng gắn bó. Những câu chuyện đó khiến nhà báo cảm nhận rõ nét về sự gắn kết giữa cây xanh với đời người và thôi thúc ông dành nhiều tâm sức cho hành trình tìm kiếm Cây Di sản Việt Nam trên khắp các địa phương trong tỉnh.
Để một “cụ” cây được công nhận, ông phải lui tới nhiều lần, xem xét, đo đạc để có các thông số cần thiết, hỏi thăm người cao tuổi ở làng; đồng thời, dò tìm các thông tin về lịch sử, khảo cổ kể kiểm chứng và có thêm căn cứ. Không chỉ vậy, sau khi hoàn tất hồ sơ, ông còn viết riêng 1 bài thuyết trình về giá trị văn hóa, lịch sử của cây, chụp và rửa ảnh cây gửi kèm với hồ sơ.
Ngoài ra, ông còn viết bài gửi cộng tác cho cơ quan báo chí địa phương, góp phần giúp Hội đồng xét duyệt có căn cứ công nhận Cây Di sản Việt Nam. Ông làm tất cả những điều đó bằng sự tự nguyện, tận tâm, không cần bất kỳ sự tôn vinh hay hỗ trợ nào.
Khi biết ở đâu có cây cổ thụ là ông sẵn sàng “một mình một ngựa” tìm đến. Ông nói: “Mỗi Cây Di sản Việt Nam đều có tuổi đời trên 200 năm, chứng kiến bao bể dâu của vùng đất đó và cả ký ức của người làng. Việc giữ được Cây Di sản Việt Nam không chỉ có ý nghĩa trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc mà còn góp phần trong việc khai thác và phát triển du lịch của địa phương. Cây Di sản Việt Nam thường gắn với các cơ sở tín ngưỡng của người dân như đình, chùa, miếu,... Và nếu giữ được những cội cây trăm tuổi tại các điểm tín ngưỡng, thờ cúng sẽ là một điểm nhấn đặc biệt khi phát triển du lịch tâm linh. Bởi dân ta thường tin tưởng rằng các “cụ” cây cũng có linh hồn”.
Thời gian tới, cây da làng An Thạnh (huyện Bến Lức) sẽ được công nhận Cây Di sản Việt Nam và ông đã bắt tay vào việc tìm hiểu, làm hồ sơ cho cây sộp tại TP Tân An. Chỉ bằng tâm huyết và tình yêu dành cho cây xanh, nhà báo lão thành Quang Hảo vẫn miệt mài trên hành trình tìm Cây Di sản Việt Nam, giữ lại cho thế hệ sau những điều quý báu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.