Đến khổ, gặp cảnh xót ruột khi nông dân nơi này Đắk Lắk phải phá bỏ vườn tiêu chết hàng loạt

Thứ sáu, ngày 20/05/2022 05:53 AM (GMT+7)
Thời gian gần đây, cây tiêu chết đồng loạt khiến nông dân xã Ea Lai (huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk) khốn đốn, trắng tay vì không có thu hoạch.
Bình luận 0

Xã Ea Lai có hơn 257 ha tiêu, đây là loại cây chủ lực giúp phát triển kinh tế cho người dân tại địa phương. Thế nhưng, hai năm nay, tiêu xuất hiện hiện tượng vàng, chết đồng loạt, mặc dù bà con đã tìm cách cứu chữa nhưng vẫn không thể “cứu vãn”, nhiều nhà vườn rơi vào cảnh nợ nần.

Nhận thấy tiêu được giá, năm 2005 gia đình ông Nguyễn Đình Thìn (thôn 10) đã quyết định đầu tư 300 triệu đồng trồng hơn 300 trụ tiêu trên diện tích 3 sào. 

Với hy vọng đổi đời từ cây “vàng đen”, ông Thìn đã bỏ công đi học hỏi kinh nghiệm chăm sóc. 5 năm đầu, tiêu phù hợp với đất nên sinh trưởng và phát triển tốt, khoảng gần 100 trụ thu bói đã cho năng suất hơn 5 tạ khô. 

Thế nhưng, đến nay trong giai đoạn phủ trụ, cây bắt đầu vàng lá, tiêu rụng, ngưng phát triển. Mặc dù là người có thâm niên trồng tiêu hơn chục năm, nhưng ông Thìn cũng phải “bó tay” đứng nhìn vườn tiêu chết dần. 

Hiện hơn nửa vườn tiêu của gia đình đã tàn gốc, trụi lá gây thiệt hại hàng chục triệu đồng. Vụ năm nay coi như mất trắng vì tiêu không có trái để thu hoạch khiến ông Thìn xót xa, lo lắng vì bao nhiêu vốn liếng đã đổ hết vào vườn tiêu, không biết sắp tới đây cuộc sống của gia đình sẽ ra sao.

Đến khổ, gặp cảnh xót ruột khi nông dân nơi này Đắk Lắk phải phá bỏ vườn tiêu chết hàng loạt - Ảnh 2.

Vườn tiêu vàng úa, đang chết dần của gia đình ông Nguyễn Đình Thìn (thôn 10, xã Ea Lai, huyện M'Drắk, tỉnh Đắk Lắk).

Cũng theo ông Thìn, những năm qua, tiêu chưa phát triển đồng loạt nên việc thu hoạch cũng chỉ đủ trả vốn mua trụ, đầu tư chăm sóc. 

Vì vậy, việc tiêu chết dần không thể cứu chữa, đồng nghĩa với công chăm sóc, đầu tư phân bón nhiều năm trời của gia đình ông uổng phí, có chăm mà không có lãi, ông phải đau đầu với việc cải tạo lại đất đai, dỡ bỏ trụ, trồng các loại cây khác phù hợp. 

Tuy nhiên, nơi này là đất cát trắng cộng thêm thời tiết thất thường nên các loại cây ăn trái khác cũng “kén chọn”, khó mà “cắm rễ” được.

Từ vụ mùa 2021, vườn tiêu hơn 5 sào của gia đình anh Nguyễn Văn Hải (thôn 10) đã bắt đầu chết chậm, năng suất giảm mạnh so với các năm trước. Năm 2007, gia đình anh Hải vay mượn để đầu tư hơn 100 triệu đồng trồng 550 trụ tiêu. 

Những năm 2015 - 2017, tiêu đẹp lại được giá, sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình anh lãi hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, năm nay cây tiêu bỗng ngưng phát triển, vẫn ra trái nhưng bị bệnh, trái rụng khiến gia đình anh lâm vào thế khó. 

Anh Hải ngậm ngùi chia sẻ, hai năm gần đây, tiêu của gia đình có dấu hiệu mắc bệnh chết chậm, lá xoăn, vàng, sau đó lá rụng dần, cây còi cọc và chết. Bệnh lan dần từ trụ này sang trụ khác khiến hơn 80% trụ tiêu của gia đình đã chết khô. Cả năm chỉ chờ đến ngày thu hoạch nhưng năm nay mất sạch, gia đình anh gánh thêm một khoản nợ mới hơn chục triệu đồng tiền công làm cỏ, mua phân bón chăm sóc, thuốc trừ sâu... mà không biết xoay đâu để trả.

Đến khổ, gặp cảnh xót ruột khi nông dân nơi này Đắk Lắk phải phá bỏ vườn tiêu chết hàng loạt - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Văn Hải (thôn 10, xã Ea Lai, huyện M'Drắk, tỉnh Đắk Lắk) đang phá bỏ vườn tiêu chết khô của gia đình.

Ông Trương Công Sanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lai cho biết, nguyên nhân nhiều vườn tiêu của bà con chết hàng loạt xuất phát từ nhiều yếu tố. 

Cụ thể, do địa hình của địa phương nằm gần vùng duyên hải miền Trung nên nắng nóng, mưa nhiều; cộng thêm việc thời điểm tiêu được giá, bà con vội vàng trồng ồ ạt tại những vùng trũng thấp không phù hợp nên mưa xuống, cây tiêu bị “mẫn cảm” với nguồn nước dẫn đến bộ rễ bị thối. 

Ngoài ra, trong quá trình canh tác, người dân thường xuyên sử dụng thuốc hóa học để diệt cỏ với liều lượng cao nên cây tiêu bị nhiễm độc không thể phát triển.

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã hướng dẫn bà con xử lý đất để tái canh lại cây trồng, tránh bỏ trụ lãng phí. Bên cạnh đó, khuyến khích bà con trồng tại những vùng phù hợp như sườn đồi, dốc cao để tránh bị ngập úng khi mưa xuống. 

Đồng thời hướng dẫn bà con đánh rãnh, múc mương theo từng luống để thoát nước nhanh khi mưa xuống, tránh thối rễ. Hằng năm, chính quyền địa phương tổ chức những buổi tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học, sử dụng thuốc diệt cỏ đúng liều lượng. 

Các cơ quan chức năng khuyến cáo, bà con không nên chặt phá, bỏ trụ ồ ạt mà nên tái canh lại, trồng xen canh các loại cây khác như cà phê, sầu riêng... để hạn chế rủi ro khi tiêu chết, có loại cây khác thay thế sẽ hạn chế thua lỗ.

Khánh Huyền (Báo Đắk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem