Như Dân Việt thông tin, Cơ quan công an quận Đống Đa vừa khởi tố vụ án, làm rõ hành vi “Gây rối trật tự công cộng” và “Chống người thi hành công vụ” trong vụ việc đốt pháo sáng tại sân vận động Hàng Đẫy.
Trước đó, tối 11/9 trên sân vận động Hàng Đẫy diễn ra trận bóng giữa Hà Nội FC và Nam Định. Khi Hà Nội FC ghi bàn ấn định tỉ số 4-1, các cổ động viên Nam Định đã có những hành động quá khích đốt pháo ném sang khán đài A. Hành động này đã khiến chị Huyền Anh - một nữ cổ động viên bị thương nghiêm trọng, một cảnh sát cơ động bị thương nhẹ khi dập tắt quả pháo.
Chị Huyền Anh đã bị thương ở đùi khá nặng khi bị pháo sáng rơi vào.
Trao đổi với Dân Việt về hành vi trên, luật sư Hoàng Trọng Giáp – Đoàn luật sư TP. Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Tôi cho rằng khởi tố vụ án về hành vi gây rối trật tự công cộng là hoàn toàn chính xác. Đối với hành vi chống người thi hành công vụ cơ quan chức năng cần xem xét làm rõ những người nào đang làm nhiệm vụ. Ví dụ như những cảnh sát cơ động lên để dập pháo, chạy lên để ngăn cản náo loạn có phải là người đang làm nhiệm vụ không, nếu đúng như vậy thì khởi tố về hành vi này là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, nếu những cảnh sát cơ động có mặt ở đó nhưng không có nhiệm vụ thì việc khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ cần phải xem xét lại.
Trong trường hợp này, khởi tố với 2 tội trên thậm chí đang còn có dấu hiệu bỏ sót. Vì hành vi gây thương tích cho chị Huyền Anh và cho những cảnh sát cơ động hoàn toàn có cơ sở căn cứ để khởi tố thêm về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác”.
Luật sư phân tích, trong trường hợp của chị Huyền Anh, đã có cơ sở gây thương, khiến chị bị bỏng nặng. Người bắn pháo sáng đã biết rằng hành vi bắn pháo sang khán đài nơi đông người có thể gây nguy hiểm, gây thương tích cho người khác nhưng vẫn làm, như vậy là cố ý gây thương tích. Pháo sáng có thể được cho là hung khí nguy hiểm. Cho nên dù thương tích của chị Huyền Anh trên hay dưới 11% vẫn có thể khởi tố cổ động viên quá khích với tội danh này.
“Chiếu theo Điểm d Khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội gây rối trật tự công cộng mức án có thể là từ 2 năm đến 7 năm tù giam.
Đối với tội chống người thi hành công vụ theo khoản 2 Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức án từ 2 năm đến 7 năm tù” – luật sư Giáp cho biết.
Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 2 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.