CEO HSBC Việt Nam: "Xử lý nợ xấu cần sự tham gia của khối tư nhân"

Trần Giang Thứ ba, ngày 06/12/2016 10:21 AM (GMT+7)
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam nên xem xét việc cho các ngân hàng nhỏ, nợ xấu cao và không có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính được phá sản. Biện pháp này sẽ giúp loại bỏ các thành viên yếu kém mà không cần tốn nguồn lực để giải quyết.
Bình luận 0

img

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam. 

Dự báo về năm 2017, ông Hải cho rằng năm 2017 sẽ là một năm nhiều biến động và thử thách cho các thị trường mới nổi bao gồm cả Việt Nam. Sau cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ, thị trường kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trở lại nếu chính phủ mới của Mỹ thực hiện cắt giảm thuế và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

“Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ tăng lãi suất vào tháng 12.2016 và khoảng 2 – 3 lần nữa trong năm 2017 do tăng trưởng kinh tế và lạm phát tăng. Đây là một bài toán khó cho rất nhiều nền kinh tế mới nổi khi chi phí vay vốn bằng USD sẽ tăng cao”, ông Hải phân tích.

Ngoài ra, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền của các thị trường mới nổi do kỳ vọng FED tăng lãi suất.

“Xu hướng này sẽ gây khó cho các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi khi dư địa cắt giảm lãi suất hầu như còn rất ít”, ông Hải dự báo.

Thông thường, các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. “Tuy nhiên, khi đồng nội tệ mất giá so với USD và lãi suất USD có xu hướng tăng, việc cắt giảm lãi suất sẽ khó thực hiện được”, ông Hải nhận định.

Riêng ngành ngân hàng, ông Hải cho rằng năm 2017 vẫn đặt ra những thách thức cho nền kinh tế, với nợ xấu và tăng trưởng tín dụng cao.

“Chúng ta đang còn khoảng 200.000 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC chưa giải quyết. Việc giải quyết nợ xấu nhất định phải có sự tham gia của khối tư nhân”, ông Hải phân tích.

Thống đốc cũng đã đưa thông điệp mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng tại hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội ngân hàng châu Á diễn ra gần đây.

“Để thực hiện được điều này, tỷ lệ sở hữu ở các ngân hàng trong nước cần được thay đổi. Với sự áp dụng của Basel II và xu hướng tuân thủ những quy chuẩn quốc tế, nếu chỉ có một tỷ lệ cổ phần nhỏ, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mong muốn mua lại các ngân hàng nội địa và tham gia quá trình tái cấu trúc vì họ sẽ không thể tham gia kiểm soát hoạt động ngân hàng”, ông Hải bình luận.

Ông Hải cho rằng Việt Nam vẫn cần xem xét việc sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu ngân hàng vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mạnh dạn tham gia tái cơ cấu ngân hàng nếu họ không có sự hỗ trợ của Chính phủ về vốn và các điều kiện khác.

“Chúng ta cũng nên xem xét việc cho phép các ngân hàng nhỏ, nợ xấu cao và không có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính được phá sản. Biện pháp này sẽ giúp loại bỏ các thành viên yếu kém trên thị trường mà NHNN không cần tốn nhiều nguồn lực để giải quyết”, ông Hải bình luận.

Ngoài ra, bản thân các ông chủ ngân hàng cũng sẽ phải thay đổi cách thức kinh doanh để hoạt động bền vững.

“Người gửi tiền cũng sẽ xem xét rất cẩn trọng khi chọn gửi tại ngân hàng uy tín thay vì chỉ dựa vào lãi suất như hiện nay”, ông Hải khuyến nghị.  

Bên cạnh tỷ lệ sở hữu, Chính phủ cũng nên xem xét về mặt chính sách, tạo một môi trường chính sách ổn định để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư trong dài hạn.

“Tôi nghĩ trong năm 2017, chính sách tín dụng của NHNN sẽ tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, mục tiêu tiếp tục của đất nước trong 5 năm tới. Tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục được ưu tiên cho những lĩnh vực quan trọng cho nền kinh tế và căn cứ vào hiệu quả sử dụng vốn, đó là sản xuất kinh doanh, bên cạnh đó kiểm soát tín dụng ở những lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán”, ông Hải nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem