Nhìn vào báo cáo tài chính quý I.2016 của một số ngân hàng lớn có thể thấy, các ngân hàng làm được bao nhiêu lợi nhuận đều bị trích lập dự phòng rủi ro, chi phí này đã “ăn mất” lợi nhuận. Do vậy, nếu phải giảm lãi suất cho vay, không chỉ lợi nhuận ngân hàng giảm mà còn ảnh hưởng tới cả “sức khỏe” của ngân hàng.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ phản ánh họ không tiếp cận được vốn ngân hàng với lãi suất thấp như nhiều ngân hàng công bố.
Hiện các ngân hàng đang sử dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn ở mức cao, theo NHNN. Một khi không thể điều tiết được nguồn vốn thì rất khó để giảm lãi suất. Bởi các ngân hàng phải cố gắng huy động thật nhiều để kịp xoay vòng vốn cho vay mới. Lãi suất huy động tăng thì rất khó nói đến chuyện giảm lãi suất cho vay.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để giảm được lãi suất, trước mắt NHNN cần phải sử dụng chính sách tái cấp vốn với lãi suất thấp, điều này sẽ giúp các ngân hàng có thanh khoản. Bên cạnh đó, cần phải giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu để có một dòng tiền thực quay trở về hệ thống ngân hàng.
Trước đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cam kết ngành ngân hàng đã đạt được thỏa thuận về việc giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, đề giảm được lãi suất, các ngân hàng đã “mặc cả” với Thống đốc về việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Giới chuyên gia đã không đồng thuận với đề xuất này của ngân hàng và cho rằng “đây là lập luận của ngân hàng”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, không nên giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng và giúp NHNN điều chỉnh cung tiền. Theo ông Hiếu, với mức dự trữ bắt buộc hiện nay, NHNN cũng không còn nhiều dư địa để giảm.
Hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các dòng vốn huy động tiền gửi VND ngắn hạn ở mức 3%, dòng vốn huy động tiền gửi trung và dài hạn ở mức thấp hơn chỉ là 1%.
Riêng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND trong cho vay nông nghiệp nông thôn giảm 2 điểm phần trăm so với mức thông thường, tức chỉ còn 1%. Huy động ngoại tệ ngắn ở mức 8%, trung và dài hạn 6%.
Theo ông Hiếu, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ đồng nghĩa với việc đẩy một lượng tiền ra lưu thông. “Thời điểm này tín dụng đang tăng nóng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Do đó, nếu đẩy lượng tiền lớn ra lưu thông, lượng tiền đó có thể sẽ bị hút vào lĩnh vực này và không có tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất”, ông Hiếu phân tích.
Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia tài chính cũng cho rằng, NHNN không nên hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc vì sẽ tăng cung tiền và thúc đẩy lạm phát. “Quan trọng hơn, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có nghĩa NHNN sẽ phát đi thông điệp ổn định vĩ mô không còn là ưu tiên hàng đầu nữa, vì sẽ chạy theo giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng”, vị này bình luận.
Thực tế, tỷ lệ dự trữ bắt buộc là công cụ điều hành chính sách tiền tệ trực tiếp, nên khi điều chỉnh sẽ tác động tới cung tiền ra thị trường và có thể tạo những biến động quá mức cần thiết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.