Cha mẹ bất cẩn và nỗi đau của con trẻ

Thứ năm, ngày 16/09/2010 11:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dường như ngày nào các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cũng tiếp nhận những ca tai nạn trẻ em rất đau lòng. Hầu hết các tai nạn này đều diễn ra trong nhà và do người lớn bất cẩn.
Bình luận 0

Nguy hiểm từ cầu thang, lan can

Bệnh viện Việt Đức liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ em ngã chấn thương nặng từ nhiều tỉnh, thành chuyển đến. Mới đây, bé gái 3 tuổi N.H.M, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu.

img
Người lớn thận trọng hơn, trẻ em sẽ giảm nguy cơ bị tai nạn.

Gia đình cho biết, cháu bị trượt chân, ngã dọc theo cầu thang. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng cháu đã không qua khỏi vì chấn thương sọ não. Cũng bị tai nạn vì ngã cầu thang, cháu Nguyễn Văn T, 11 tháng tuổi ở Hiệp Hoà, Bắc Giang bị gãy xương cẳng chân trái và tay trái. Mẹ bé cho hay, bé bị ngã ở độ cao chỉ hơn 1m nên may mắn thoát chết.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010 đã có gần 500 trẻ dưới 4 tuổi bị tai nạn. Một trong số những nơi dễ tai nạn là lan can nhà chung cư cao tầng. Đã có ít nhất 3 trẻ rơi từ lan can cầu thang chung cư tầng 5, 6 xuống và tử vong tại chỗ trong 2 năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Trọng An – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) bức xúc: Các nhà thầu xây dựng đã không tuân thủ quy định của Bộ Xây dựng về an toàn trong thiết kế và xây dựng.

Cụ thể, nhà từ tầng 5 trở lên theo quy định không được có lan can. Từ tầng 5 trở xuống kẽ lan can phải khít. Cửa kính nếu ở chỗ va đập được phải là kính không vỡ. Nhiều khi nhà thiết kế tuân thủ nhưng nhà xây dựng lại chống. Do vậy, đã có rất nhiều vụ tai nạn đau lòng xảy ra.

Cha mẹ bất cẩn

img Chỉ cần người lớn cẩn thận một chút để đặt phích nước xa tầm với của trẻ, vài giây để chuyển nồi canh đến vị trí khác an toàn hơn, cũng vài giây để đóng cửa phòng khi cho trẻ chơi xe lắc, thiết kế ổ điện đặt ở trên cao… sẽ không xảy ra những tai nạn đáng tiếc. img

Khoa Cấp cứu Viện Bỏng Quốc gia thỉnh thoảng lại tiếp nhận những ca bỏng hơi nồi cơm điện. Cháu Linh ở Hòa Bình mới 3 tuổi, thấy nồi cơm điện bốc hơi cao đã thích thú lao vào sờ. Hậu quả là bỏng 2 ngón tay rất sâu.

Trước đó, đã có một bé gái 3 tuổi ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) bị bỏng tới 75% diện tích da vì ngã vào nồi nước sôi và tử vong tại Viện Bỏng Quốc gia.

Theo các chuyên gia của Viện Bỏng Quốc gia, việc chữa trị bỏng cho người lớn đã khó, chữa bỏng cho trẻ em càng khó hơn vì da trẻ non, sức đề kháng yếu.

Ngoài ra, các ổ điện, dao kéo cũng là “sát thủ” trong gia đình. Nếu ổ điện để thấp trẻ dễ thò tay vào và có thể sẽ bị giật. Dao kéo để ở tầm thấp, trẻ vớ vào nghịch, nhẹ thì đứt tay, nặng có khi đứt gân…

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mỗi năm VN có hàng nghìn trẻ bị tai nạn, trong đó nhiều trẻ tử vong. Các nguyên nhân chính do tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc thức ăn, bỏng, ngã…

Điều đáng nói, tai nạn thương tích là nguyên nhân tử vong lớn nhất ở trẻ, với khoảng 70%. Nếu người lớn cẩn thận hơn thì số tai nạn trên có thể giảm đáng kể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem