Cha mẹ cần tỉnh táo khi chọn các khóa học mùa hè

Minh Nguyệt (thực hiện) Thứ hai, ngày 22/03/2021 06:01 AM (GMT+7)
Trước tình trạng các cơ sở dạy kỹ năng sống mùa hè "mọc như nấm sau mưa" khiến nhiều cha mẹ hoang mang không biết chọn gì cho con học, ông Nguyễn Trọng An (ảnh) - nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) đã có cuộc trao đổi với PV Báo NTNN xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0

Ông An cho rằng, cha mẹ cần phải có kiến thức để lựa chọn những lớp học phù hợp với trình độ, tâm sinh lý, nhu cầu của con trẻ. Đồng thời, cơ quan chức năng cần siết chặt hơn hoạt động cấp phép, đánh giá năng lực của các cơ sở này.

Ông đánh giá thế nào về những khóa học kỹ năng sống như trại hè quân đội, khóa tu mùa hè... đang nở rộ hiện nay?

- Phải thấy rằng, trong dịp hè, trẻ em cần được vui chơi, mở mang đầu óc. Đặc biệt, các em cần được cập nhật các kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích; kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục... kỹ năng bảo vệ sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, chất lượng các khóa học này hiện chưa được thẩm định, đánh giá. Nhiều khóa học "đầu voi, đuôi chuột", quảng cáo một kiểu, chất lượng một kiểu.

Cha mẹ cần tỉnh táo khi chọn các khóa học mùa hè - Ảnh 1.

Học sinh tại  Đông Anh (Hà Nội) chơi các trò dân gian tại trại hè năm 2019. Ảnh: L.H

Thực tế đã từng xảy ra những vụ trẻ gặp nguy hiểm khi tham gia lớp học kỹ năng sống. Nếu không may xảy ra các vụ trẻ bị tai nạn, hay bị bạo hành, xâm hại tại các lớp học kỹ năng sống tương tự thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

- Khi có các vụ tai nạn, xâm hại, bạo hành xảy ra thì những người quản lý, tổ chức lớp học đó phải chịu trách nhiệm. Chính quyền địa phương nơi mở lớp chịu trách nhiệm liên đới.

Các cơ sở tổ chức mở lớp đào tạo kỹ năng sống cho trẻ có phải báo cáo địa phương hay cơ quan quản lý nào để quản lý, giám sát không, thưa ông?

- Về nguyên tắc, các cơ sở này phải đăng ký với Phòng giáo dục đào tạo, phải xin ý kiến chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, nhiều cơ sở đào tạo kỹ năng sống chưa được cấp phép. Nhiều lớp học kỹ năng sống, khóa tu hành chưa được giám sát, đánh giá và quản lý của chính quyền địa phương.

Bởi vậy, cha mẹ phải có sự tìm hiểu cẩn thận, phải tự đặt câu hỏi khóa học đó có tốt, có phù hợp, an toàn với con không? Liệu con mình có phù hợp cả thể chất, lẫn tinh thần, về giới, về tuổi với lớp học đó không? Đặc biệt, cần xem xét kỹ năng lực của đơn vị tổ chức quản lý khóa học. Tránh việc cho con đi học mà "tiền mất, tật mang".

Các nhà quản lý ở địa phương cần đảm bảo tất các lớp dạy kỹ năng sống phải được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Với đơn vị không đủ năng lực, không phù hợp thì tuyệt đối không cho hoạt động. Cần đảm bảo các lớp học đó cũng có sự giám sát của cả cha mẹ, gia đình các em.

Theo ông, cần phải làm gì để nâng cao chất lượng dạy kỹ năng sống cho trẻ?

- Tôi cho rằng để chuyên nghiệp, cần sớm đưa chương trình dạy kỹ năng sống vào nhà trường. Cần dạy kỹ năng sống cho học sinh từ cấp mẫu giáo. Dạy liên tục, chứ không phải tới mùa hè mới dạy. Từ lúc bé cần dạy cho trẻ em nhận thức phân biệt về giới, nhận thức về giống đực, giống cái, trẻ em trai, trẻ em gái. Lớn hơn chút thì phải nghiên cứu về giới tính, về pháp luật, về các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục... Chương trình dạy kỹ năng sống cần nâng dần về mặt cấp độ phù hợp với lứa tuổi.

Các khóa học kỹ năng trong mùa hè thực tế vẫn rất cần thiết, tuy nhiên cần phải được giám sát chặt chẽ. Bản thân các khóa học cũng cần được đầu tư nâng dần chất lượng về cả giáo trình, giáo án. Quan trọng nhất, đội ngũ giảng viên, đội ngũ quản lý cần phải có năng lực quản lý, đứng lớp. Nhiều người chỉ thiên đánh bóng tên tuổi, quảng cáo nhiều mà năng lực không có.

Ông có lời khuyên nào cho cha mẹ, nhiều người vẫn phân vân không biết sẽ phải cho con học gì, làm gì khi mùa hè đang cận kề?

- Tôi cho rằng không khó để lựa chọn một khóa học kỹ năng cho con. Dựa vào những thông tin được cung cấp, cha mẹ nên lựa chọn những khóa học dựa trên nhu cầu, sở thích cũng như phải tính đến độ phù hợp với lứa tuổi của các con.

Các gia đình có con tham gia khóa học cần phải nắm bắt thông tin, nếu không được thường xuyên thì cũng cần phải điện thoại, chát, gọi video... để có thể trò chuyện. Nắm bắt xem con có cảm thấy phù hợp, có nắm bắt bài học thực tế hay không. Quan trọng là phải theo dõi sự an toàn của con, tránh việc con bị lạm dụng, bị xâm hại tình dục, bị trầm cảm.

Sau tất cả, tôi vẫn khuyên các bậc cha mẹ hãy để cho con có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa sau 9 tháng học tập căng thẳng, mệt mỏi. Mong cha mẹ đừng áp đặt các con trong việc phải học thêm khóa học này, khóa học kia để các con thêm áp lực. Cha mẹ cần đặt sự quan tâm tới vấn đề an toàn thể chất cũng như sức khỏe tinh thần của con lên hàng đầu.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem