Cha mẹ già 10 năm nuôi con trai bị điên và hai cháu nhỏ mất mẹ

Thứ năm, ngày 10/10/2013 07:05 AM (GMT+7)
Ở cái thôn Vĩnh Hạ bé nhỏ này, mỗi khi nhắc đến gia đình cụ Thoa, ai nấy đều thở dài cám cảnh, thương hai cụ tuổi cao sức yếu mà vẫn bươn chải tối ngày để kiếm sống và chăm nom đứa con điên loạn cùng hai đứa cháu nội thơ dại.
Bình luận 0
Nói về cuộc đời mình, cụ Thoa gói gọn trong hai từ “bất hạnh”.

Bi kịch gia đình nghèo

Hai cụ Nguyễn Thị Thoa và Trần Gia Sản (thôn Vĩnh Hạ, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội) năm nay 75 tuổi. Gương mặt khắc khổ, lưng còng sát đất, cụ ông chỉ biết thở dài ngồi nghe cụ bà tiếp chuyện chúng tôi. Anh Trần Văn Đan (SN 1975) là con thứ 2 của hai cụ, ngày chưa phát bệnh, anh là chàng trai khỏe mạnh, chăm chỉ, cần mẫn nức tiếng trong làng. Anh cũng lấy vợ và có hai đứa con, một trai, một gái đều khỏe mạnh và đáng yêu.
img
Cứ ngỡ niềm vui, hạnh phúc đã đến với gia đình nghèo khó nơi miền quê chiêm trũng này nhưng sự đời không ai biết được điều gì sẽ đến ở phía trước. Sinh đứa con gái thứ 2 chưa được bao lâu thì chẳng hiểu sao bỗng cuối năm 2007, bệnh tật từ đâu kéo tới khiến anh Đan đang từ một thanh niên lực điền thành một kẻ tâm thần vô dụng.

Những giọt nước mắt đau đớn, buồn tủi chưa kịp khô, thì lại một lần nữa, số phận nghiệt ngã vẫn bám riết lấy gia đình này, trái tim người cha, người mẹ lại quặn thắt khi đến năm 2010, hai cụ lại đối mặt với tin dữ khi người con dâu Nguyễn Thị Hưởng mang trong mình bệnh tim, bệnh ung thư giai đoạn cuối đột ngột qua đời, để lại hai đứa cháu nội thơ dại và người con tâm thần lên đôi vai còng của đôi vợ chồng già nghèo khó.

Trong cơn điên loạn, cụ Thoa đã nhiều lần bị con trai đánh đến tím mặt, có lúc bị con trai cầm dao rựa rượt đuổi, đòi chém chết bố mẹ già khắp làng. Các cụ may mắn thoát chết là nhờ bà con lối xóm giúp đỡ, can thiệp đúng lúc. Cuối cùng, cực chẳng đã, vợ chồng cụ đành nhờ người xích chân con trai vào cột nhà. Những lúc lên cơn động kinh, toàn thân anh Đan co giật, nói năng huyên thuyên một mình, sùi bọt mép, không làm chủ được hành động của bản thân.

Song cũng vài lần, anh Đan nhờ đám trẻ nhỏ lấy hộ con dao rựa, chặt đứt xích thoát thân rồi đòi đốt cột, đốt nhà, đòi đuổi đánh bố mẹ. Rồi có lần tháo được xích, anh Đan còn cầm gậy gộc chạy dọc làng đuổi đánh bà con lối xóm, đập phá nhà cửa, vườn tược hoa màu, nhiều người tiếc của lao vào can ngăn thì bị trúng gậy bầm tím cả mặt mày. Đỉnh điểm nhất trong các vụ hành hung là lần Đan phá tan hoang cửa nhà hàng xóm. Hôm đó, cụ hàng xóm thấy Đan phá phách vườn nhà mình, tiếc của nên cụ buông lời chửi mắng, Đan càng hung dữ, lấy gạch đá và gậy gộc ném vào nhà. Hai cụ đành chạy vạy vay mượn tiền bạc đền bù hoa màu cho hàng xóm.
Cụ Thoa đang nấu cơm bằng những dụng cụ thô sơ nhất.
Cụ Thoa đang nấu cơm bằng những dụng cụ thô sơ nhất.
Cô ruột của anh Đan, cụ Trần Thị Nhung chia sẻ: “Thằng Đan khôn không ra khôn, dại không ra dại. Dân làng không hiểu lại bảo gia đình anh tôi xích con như vậy là ác quá nhưng nếu không xích nó như vậy thì nó lên cơn điên loạn là phá phách thôn xóm. Biết là vậy nhưng cũng chẳng biết làm sao”.

Chữa trị bằng thuốc men không khỏi, gia đình nghe mách nước, mời thầy bói tìm hiểu đường âm xem Đan có “duyên nợ”, “căn quả” gì hay không. Xem xong, “thầy” phán Đan bị “các ngài” hành, phải lập điện thờ. Gia đình nghe theo, lập điện thờ ngay trước sân, làm lễ cúng bái đủ các thủ tục mà bệnh con trai vẫn thế. “Thầy” khác thì khuyên về xây lại hướng nhà do không hợp phong thủy. Nghĩ cũng phải đạo, gia đình lại gom góp, chạy vạy khắp nơi tiền xây dựng lại nhà. Tuy thế, hướng nhà đã khánh thành, lễ lạt song bệnh tình của đứa con vẫn chẳng khá hơn chút nào.

Bà Lê Thị Nhị, một người hàng xóm cho biết: “Nhà bà Thoa, ông Sản đến cuối đời mà vẫn khổ vì đứa con khùng khùng điên điên và hai đứa cháu nội. Nhiều hôm trái nắng trở trời, thằng Đan phá xích chạy khắp làng kêu khóc, gào thét đánh nhiều người đến bươu đầu mẻ trán. Gặp lúc Đan phát bệnh, mọi người đều phải tránh”.
img
Trẻ con và cả người lớn trong thôn khi nghe nhắc đến tên Đan, ai nấy đều sợ xanh mặt. Trẻ con nhà ai khóc suốt dỗ dành không nín thì chỉ cần dọa sẽ cho gặp chú Đan là cạy răng cũng không dám khóc nửa lời….

Nhìn hai đứa cháu thơ dại, đứa lớn mới 9 tuổi, đứa nhỏ 6 tuổi, cụ Thoa lại nuốt nước mắt, tự động viên cố gắng gượng cho con cháu được nhờ. Cụ ông khỏe hơn, nên thi thoảng vẫn cố nhận làm thuê những việc làm lặt vặt cho bà con trong xóm để kiếm tiền. Nói tới đây, cụ Thoa lại hướng mắt ra cổng xót xa: “Cũng tội cho ông nhà tôi, vài năm nay yếu nhiều rồi, chân đi không vững, lưng còng ngang mặt đường mà vẫn phải đi làm thuê kéo phân cho người ta gom tiền nuôi cháu ăn học, chỉ mong chúng nhanh lớn, hiểu biết, có đủ sức nuôi bố, chúng tôi mới yên lòng. Ước là vậy, chẳng biết ông trời có rủ lòng thương không?”.
Anh Trần Văn Đan luôn trong tình trạng bị xiềng xích.
Anh Trần Văn Đan luôn trong tình trạng bị xiềng xích.
Về phần cụ Thoa, do nhiều năm bươn chải, vắt kiệt sức lực nên hiện nay cụ bị căn bệnh viêm khớp mãn tính hành hạ nên đi lại cũng rất khó khăn. Không còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn nữa nhưng để có tiền nuôi con cháu, cụ Sản vẫn cố nhận 2 sào đất bồi ngoài bãi nổi, trồng cây táo mong kiếm thêm vài đồng đóng học phí cho hai cháu nội. Song, từ ngày nhận bãi tới giờ, ông trời như thể trêu ngươi người nghèo, năm nào trúng mùa nhất cũng vừa đủ thanh toán tiền thuê bãi cho hợp tác xã.

Ngược lại, chỉ còn cách giật gấu vá vai đền bù tiền thuê đất cho hợp tác xã. Cụ Sản thở dài như thanh minh: “Người ta khỏe thì có sức chăm bón tốt cho cây, còn tôi già yếu rồi, cây cũng cằn cỗi theo vì mình không có sức chăm sóc nên mới vậy. Táo của tôi trồng ra cũng xấu hơn của người ta nên bán không được giá nhưng chẳng biết làm sao hơn, đành chịu. Gần như trồng táo để chặt cành thừa, cây cằn cỗi về phơi khô để mùa đông sưởi cho gia đình qua cơn giá lạnh. Nghĩ mà tủi nhưng số phận là vậy, không cưỡng lại được”.

Tương lai mù mịt

Ông Lê Xuân Dân – chủ tịch xã Sơn Công cho biết: “Chưa thấy ai khổ như vợ chồng cụ Thoa, phải xích con trai ngây ngây dại dại bằng xích trong gần 10 năm qua. Cả hai cụ sức đã yếu, lực đã cạn nhưng vẫn phải oằn lưng kéo xe chở phân bón thuê trong cái nắng 36 – 37 độ C để kiếm tiền nuôi con tâm thần và cháu nhỏ. Qua đây, chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm gần xa quan tâm, chia sẻ cho gia đình cụ Thoa qua cơn bĩ cực”.

Nhớ tới người con dâu hiếu thảo, hai cụ không khỏi ngậm ngùi: “Ngày còn sống, một tay nó lo toan mọi chuyện lớn bé trong nhà. Có đợt thấy nó xanh xao, chúng tôi bảo nó đi khám bệnh, ở nhà nghỉ ngơi nhưng nó không nghe”.

Phát hiện con dâu mắc bệnh tim, ung thư giai đoạn cuối, hai cụ đã làm hết những gì có thể, cứ cố gắng giành sự sống cho con. Nào ngờ vài tháng sau con dâu cụ cũng qua đời, để lại gánh nặng gia đình lên đôi vai héo rũ của cha mẹ già.

Chỉ vài tháng nữa là đầy ba năm ngày con dâu mất, cũng là thời điểm ông bà “tắm rửa, chuyển nhà mới” cho người con dâu xấu số. Nhìn những giọt nước nước mắt cám cảnh rơi lã chã trên 2 khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng xót xa.

Nhìn hai đứa cháu nội, đôi mắt mờ đục của cụ Sản ánh lên niềm vui, đứa cháu gái lên 6 tuổi đã biết tới bữa ra ruộng mót rau sam về nấu canh, biết thu dọn nhà cửa mỗi khi ông cụ mệt nhọc.

Nói về gia cảnh cụ Trần Gia Sản, cụ Hoàng Thị Quý chia sẻ: “Nhà ông Sản may mắn có hai đứa cháu nội lành lặn. Để nuôi được đứa con bệnh tật và các cháu đang tuổi ăn tuổi học thế này chẳng dễ dàng gì. Dân làng chúng tôi cũng chẳng giúp được gì nhiều, thỉnh thoảng cũng chỉ giúp được mớ rau, củ hành và động viên tinh thần là chủ yếu”.

Hiện tại, anh Đan được chính quyền trợ cấp 450.000 đồng/tháng, nhưng số tiền nhỏ bé đó cũng không đủ thuốc men cho anh Đan những lúc trái gió trở trời, chứ nói gì đến tiền sinh hoạt ăn uống và tiền học hành cho hai đứa con nhỏ.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về theo địa chỉ: cụ Nguyễn Thị Thoa và Trần Gia Sản, thôn Vĩnh Hạ, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội.
Trần Toản - Lưu Minh (Dòng Đời) (Trần Toản - Lưu Minh (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem