Nhiều đối tượng chưa được hưởng đúng chế độ
Gia đình anh Hoàng Văn Huệ (thôn Phúc Điền, xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) có con gái là Hoàng Thị Thúy (SN 2000) đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh xác định “Chậm phát triển tâm thần, dị tật biến dạng tứ chi, liệt nửa người bên trái, nói ngọng, nói khó, sức khỏe loại 5, mất khả năng học tập và tự phục vụ bản thân”. Gia đình làm hồ sơ đề nghị cho cháu được hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội thì được cán bộ chuyên trách xã trả lời: “15 tuổi trở lên mới được xét”.
|
Trần Văn Bảo (sinh năm 1993) ở xóm 7, thị trấn Cẩm Xuyên, bị liệt tứ chi mà chưa được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. |
Tương tự, cháu Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 2001) - con anh Nguyễn Văn Ca ở thôn Nam Lĩnh, xã Thạch Điền, bị tàn tật bẩm sinh nhưng “nếu xã không vận dụng Nghị định 28 thì cháu Trang cũng chưa được hưởng 180.000 đồng/tháng” - ông Trịnh Đình Hoàn - Chủ tịch UBND xã nói.
Chị Trần Thu Trang (thôn 4, xã Thạch Hưng, TP.Hà Tĩnh) là cháu dâu và là người trực tiếp nuôi dưỡng chị Dương Thị Đức bị mù, câm điếc bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ nằm liệt giường đã hơn 3 năm qua. Chị Đức chỉ được hưởng 180.000 đồng/tháng theo các Nghị định 67 và 13. Chị Trang làm hồ sơ đề nghị cho chị Đức hưởng chế độ không có khả năng tự phục vụ nhưng cán bộ LĐTBXH xã yêu cầu phải có giấy xác nhận của bệnh viện. Khi bệnh viện có kết luận “không có khả năng tự phục vụ bản thân”, chị Đức vẫn chưa được hưởng chế độ 360.000 đồng/tháng bởi cán bộ xã cho rằng chị “không có hộ khẩu tại địa phương” mặc dù chị Đức đã sinh ra và lớn lên ở thôn 4 từ năm 1964.
Người khuyết tật bị thiệt...
Ông Trịnh Đình Hoàn - Chủ tịch UBND xã Thạch Điền và ông Phan Hữu Tuất - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Thạch Hà cho biết: Nghị định 28/2012 được thực hiện không những đảm bảo sự công bằng, nâng chế độ cho người khuyết tật mà còn là cơ sở cho Hội đồng xác định mức độ khuyết tật. Đối tượng khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội theo các Nghị định 67, 13 sẽ được xác định dạng tật, mức độ khuyết tật (kể cả đối tượng tâm thần) thuộc vào các dạng tật và mức độ khuyết tật (khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng, khuyết tật nhẹ).
Như vậy, người tâm thần đang hưởng chế độ 270.000 đồng/tháng sẽ được hưởng 360.000 đồng/tháng, gia đình trực tiếp nuôi dưỡng hoặc người đảm nhận nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được hưởng trợ cấp chăm sóc hàng tháng là 180.000 đồng hoặc 270.000 đồng.
Điều 16 Nghị định 28 quy định hệ số tính mức trợ cấp xã hội hàng tháng: Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng; 2,5 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em... Điều 17 quy định hệ số tính mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng: Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi...
Như vậy, khi người khuyết tật đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội theo các Nghị định 67 và 13 nếu đủ điều kiện được hưởng chế độ tương ứng theo Nghị định 28 nhưng chậm được thực hiện thì gia đình đang nuôi dưỡng và người khuyết tật đang hưởng chế độ “không có khả năng tự phục vụ” mỗi tháng bị thiệt 450.000 đồng; Gia đình và người khuyết tật đang hưởng trợ cấp “không có khả năng tự phục vụ” là người cao tuổi, hoặc là trẻ em mỗi tháng bị thiệt 540.000 đồng...
Ngành LĐTBXH nói gì?
Hà Tĩnh hiện có 19.187 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp thường xuyên theo các Nghị định 67, 13, trong đó có 15.561 người đang hưởng chế độ “không có khả năng lao động, không có khả năng tự phục vụ”. Tính sơ bộ, số tiền người khuyết tật ở Hà Tĩnh bị thiệt là trên 36 tỷ đồng. Đây là con số tối thiểu.
“Khi Thông tư 26 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn một số điều của Nghị định 28 có hiệu lực thì những quy định có liên quan đến người khuyết tật và người tâm thần tại Thông tư liên tịch số 24/2010 của Bộ LĐTBXH và Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 67 và 13 hết hiệu lực. Trong khi UBND tỉnh vẫn chưa có quy định hoặc một hướng dẫn nào để cho cấp huyện chỉ đạo làm cho công tác thực hiện chế độ chính sách cấp cơ sở lúng túng, dẫn đến bỏ sót đối tượng” - ông Lê Tâm - Trưởng phòng LĐTBXH TP.Hà Tĩnh giãi bày.
Ông Nguyễn Văn Hùng -Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐTBXH Hà Tĩnh cho biết: Chậm thực hiện Nghị định 28/2012 là do các bộ có liên quan chậm hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện. “Sở LĐTBXH đã tham mưu cho tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 16/2011/QĐ-UBND về việc quy định đối tượng và mức trợ cấp thường xuyên, trợ cấp đột xuất cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh”.
Chí Thúc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.