Chậm xử lý sỏi, có thể mất... thận

Diệu Linh Thứ năm, ngày 14/04/2016 21:01 PM (GMT+7)
Đối với những viên sỏi không gây đau đớn, nhiều người không biết mình đang mang một mối nguy lớn về sức khoẻ, hoặc biết cũng trì hoãn việc điều trị. Điều này dễ gây biến chứng viêm nhiễm hoặc hỏng cả thận.
Bình luận 0

 Sống cùng sỏi 20 năm

Không ít bệnh nhân ung dung sống với viên sỏi khủng trong thận nhiều năm và chỉ uống thuốc nam, thuốc bắc để hy vọng sỏi tự tan. Nhưng không thể ngờ viên sỏi bằng hạt lạc ngày nào đã phát triển thành quả trứng gà, trứng vịt..., đến khi đau đớn, bí tiểu mới đi khám.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) vừa xử lý một viên sỏi thận có kích cỡ to như quả trứng vịt (6,1x5cm) cho bệnh nhân Đ.V.N, 62 tuổi, ở Hà Nội. Bệnh nhân này cho biết, 20 năm trước, ông đã khi khám và phát hiện sỏi thận. Tuy nhiên, nhiều người khuyên ông không nên “đụng dao kéo” dễ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Ông cũng được mách nhiều bài thuốc lá để tan sỏi nên vẫn uống thường xuyên. Thấy êm êm, ông tưởng sỏi đã tan rồi. Tuy nhiên, gần đây, ông bị đau nhức hai bên thắt lưng và đến khi bí tiểu đến mức không chịu được mới đi khám. Hình ảnh siêu âm khiến ông kinh hãi vì viên sỏi to như quả trứng vịt.

imgUống nhiều nước, tích cực tập thể dục sẽ hạn chế bị sỏi thận, sỏi tiết niệu.  Ảnh minh hoạ: Corbis

Bác sĩ Bùi Hoàng Thảo - khoa Phẫu thuật Tiết niệu (Bệnh viện Xanh Pôn) - người mổ cho bệnh nhân N cho biết, do sỏi quá lớn nên đài bể thận đã giãn to quá mức. Chỉ chậm trễ một thời gian nữa, bệnh nhân sẽ bị suy thận, mất chức năng của thận. Điều trị suy thận sẽ rất tốn kém, sức khoẻ suy yếu, thậm chí tử vong. 

Trước đó, Bệnh viện Xanh Pôn cũng đã điều trị cho bệnh nhân nam mới 18 tuổi nhưng đã có sỏi thận có kích thước 8mm và sỏi niệu quản 14cm gây tắc niệu đạo, bí tiểu.

 Theo một số báo cáo, sỏi tiết niệu là bệnh thường gặp, với khoảng 10-15% dân số mắc bệnh và chiếm khoảng 50% tổng số các bệnh về đường tiết liệu. Nguyên nhân sỏi thận thường do rối loạn chuyển hoá, di truyền nhưng cũng có nhiều thói quen sinh hoạt cũng làm tăng nguy cơ sỏi thận như: Uống ít nước, uống nhiều canxi, nhịn tiểu… 

Theo bác sĩ Thảo, nguyên nhân hình thành sỏi thận là do cơ địa của mỗi người, khiến những chất có thể hoà tan trong nước tiểu lại lắng cặn và kết sỏi trong thận. Các viên sỏi đọng lại ở thận, một số di chuyển xuống thấp lọt vào đường tiết niệu và gây sỏi niệu quản. Bệnh nhân bị sỏi thận rất đa dạng về lứa tuổi, thậm chí trẻ nhỏ hoặc thanh niên 18-20 tuổi cũng có sỏi. Nhưng đa phần bệnh nhân ở lứa tuổi 30-50. Đối với những viên sỏi lớn phải mổ mở, nhưng viên sỏi nhỏ có thể tán sỏi nội soi bằng năng lượng laser.

Dễ biến chứng

Bác sĩ Phạm Huy Huyên - Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu (Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, nếu để sỏi lớn, khiến bể thận giãn to, làm hỏng thận. Hơn nữa, sỏi là ổ vi khuẩn, dễ gây viêm nhiễm, ứ mủ, gây nhiễm trùng bể thận, khiến vi khuẩn xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng. Sỏi thận to phải mổ mở cũng có nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng, lâu bình phục. Thậm chí có trường hợp phải cắt bỏ thận vì viêm nhiễm quá nặng. Còn viên sỏi đường tiết niệu to sẽ cọ sát vào đường niệu làm tổn thương niêm mạc, gây phù nề, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm đường tiết niệu, suy thận. Đó là chưa kể đến tình trạng bế tắc đường tiểu làm tồn đọng nước tiểu, gây viêm nhiễm, lâu ngày sẽ làm xơ hoá thành đường tiểu kể cả đài thận. Thậm chí có trường hợp vỡ thận vì sỏi to, vỡ bàng quang do bí tiểu vì sỏi tiết niệu…

Sỏi thận sẽ làm chức năng thận suy giảm, dẫn đến suy thận. “Hiện các phương pháp điều trị sỏi thận, sỏi tiết niệu rất đơn giản, an toàn, ít gây đau đớn và ở vị trí nào cũng tán được như: Tán sỏi nội soi ngược dòng, tán sỏi ngoài cơ thể qua da… Bệnh nhân hoàn toàn bình phục sau 2-3 ngày tán sỏi. Chi phí các ca tán sỏi cũng không lớn. Do đó, người bệnh nên đi khám định kỳ để phát hiện sỏi thận, sỏi tiết niệu và có can thiệp từ sớm. Hãy cứu lấy thận trước khi quá muộn” – bác sĩ Huyên cho biết.

Bệnh viện Xanh Pôn vừa thành công triển khai tán sỏi qua da bằng laser đường hầm nhỏ. Phương pháp này giúp tán được các viên sỏi lớn mà không cần mổ mở. Bác sĩ sẽ mở “đường hầm” qua da ở thắt lưng, tiếp cận viên sỏi, sau đó dùng máy nội soi tán sỏi. Khi viên sỏi lớn vỡ ra, các viên sỏi nhỏ sẽ được gắp ra. Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ ít chảy máu, ít đau đớn, an toàn hơn, thời gian nằm viện cũng chỉ còn 3 ngày thay vì 7-10 ngày như mổ mở. Với phương pháp này, những người sợ đau, ngại “dao kéo” có thể yên tâm hơn. Các trường hợp bị bệnh tim cũng có thể tiến hành tán sỏi ngoài cơ thể được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem