Còn một nguyên nhân quan trọng mà kỳ 1 chưa nói tới. Đợt khảo sát toàn tuyến con đường gốm sứ mới rồi chỉ ra con đường gốm sứ được làm liền mạch trên mặt đê phân đoạn nên khó tránh bong bung. Điều này phù hợp với những gì giới xây dựng, kiến trúc nhấn mạnh từ năm ngoái đến giờ.
Cốt không vững, đẹp sao được
PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, tác giả (họa sĩ Nguyễn Thu Thủy) làm mỹ thuật mà chưa trọng kết cấu. Kỹ thuật xây dựng là cái cốt của bức tranh tường. Cái cốt không vững thì tranh khó mà bền đẹp.
Dù con đường gốm sứ nhận ý kiến khen chê trái chiều, sự chỉnh trang tu tạo vẫn là cần thiết. Ảnh: Như Ý
Đơn cử như chuyện đê lún không đều. Thân đê cứ 15m lại có một khe co giãn. Trong khi đó, làm tranh người ta lờ đi, phủ gốm chờm qua. Đường rung, đê lún, đoạn nhiều đoạn ít, tranh liền cả mảng không xô lệch bong bung mới lạ.
Xem kết quả khảo sát mới nhất, họa sĩ Thủy thấy đau đầu về vấn đề này. Bởi theo chị, dung hòa tính thẩm mỹ (tranh bị cắt đoạn) với kỹ thuật không dễ.
KTS Nguyễn Quốc Thông lại nghĩ khác: “Ngắt mạch chẳng hề ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ bởi cái mạch đấy chưa đầy một phân, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với chiều dài” - ông Thông nói thẳng - “Làm tranh tường liên tục, dọc tuyến giao thông về mặt kiến trúc xấu vô cùng. Tranh loại này chỉ nên đặt ở địa điểm yên tĩnh, không xe cộ. Người ta bận lái xe, ai để ý xem tranh. Nếu xem lại mất an toàn giao thông”.
KTS kỳ cựu này cho rằng đây thực ra là cơ hội sửa sai cho tác giả. “Nhân cơ hội này mà tạo kết dính linh hoạt hơn. Sử dụng vật liệu kết dính công nghệ mới tại những mảng bị bong đồng thời phải neo gia cố mặt sau tường (đoạn tường gạch xây thêm). Làm vậy mới bền được”. Bên cạnh đó, phải sử dụng biện pháp bảo vệ bề mặt: “Chẳng ai để tranh phơi trần như thế. Phải xử lý bề mặt tương tự kỹ thuật chống ăn mòn kim loại. Người Việt mình thừa sức làm”, vẫn theo ông Thông.
Còn chuyện người dân đổ rác phóng uế, thì hoàn toàn do ý thức, khó cấm cản. Tuy nhiên có thể mạnh dạn “ngắt cả đoạn” tranh ở một số “điểm nóng”. “Tùy sự sáng tạo của tác giả, theo tôi, có thể thay bằng hộp đèn hoặc bảng thông tin có phát thanh, kể câu chuyện lịch sử bằng lời. Như vậy đời hơn, cũng khiến người ta e dè hơn. Chứ ai lại phóng uế vào lịch sử” - ông Thông khẳng định - “Việc này cũng giảm được tính bất hợp lý về mặt kiến trúc giao thông như tôi nói ở trên”.
Sẽ hết cảnh cứ bong lại gắn?
Từ năm kia đến giờ, người đi đường quen cảnh hai công nhân của Tân Hà Nội ngồi tỉ mẩn ghép những viên gốm lên tường. Đó là cách họa sĩ Thủy chăm chút cho đứa con tinh thần của mình, dù có được cấp kinh phí hay không. Tuy nhiên chỉ là cách xử lý túc tắc vá víu (như nhận định trong kỳ 1 bài báo này).
Từ lúc nhận bàn giao (10/2014), Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội chọn cách làm chắc chắn, tìm hiểu được nguyên nhân xuống cấp thì mới đưa ra phương án xử lý.
Sở VH-TT&DL cùng lúc gửi công văn tới UBND hai quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ (nơi con đường gốm sứ chạy qua) đề nghị phối hợp bảo vệ cảnh quan chung, tuyên truyền vận động người dân giữ gìn vệ sinh bởi công ty môi trường dọn đều không xuể nếu người ta cứ tự do phóng uế. Thêm một công văn nữa được gửi cho bên quản lý cây xanh. Tới thời điểm này mớ túi bóng rác đã được dọn, một số hàng quán biển quảng cáo lấn chiếm bị dỡ bỏ, cây chết đang được nhổ đi trồng mới.
Phía tư vấn kỹ thuật cũng đang gói hồ sơ, đề xuất giải pháp, dự kiến cận Tết xong. Sở Văn hóa sẽ họp bàn, tham khảo ý kiến chuyên gia xây dựng, kiến trúc, mỹ thuật và điêu khắc.
“Giải pháp hay dở ra sao, phải chờ các chuyên gia đánh giá, góp ý đã. Chắc sau Tết mới làm được”- bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết.
Cũng theo bà Hòa vốn tu bổ trong năm 2015 đã được cấp, chứng tỏ thành phố quan tâm việc duy trì bức tranh tường dài gần bốn cây số này. Đây có lẽ cũng là mong muốn của nhiều người dân, không chỉ bởi cái danh kỷ lục Guinness, mà còn vì con đường gốm sứ đã trở thành một nét văn hóa của Hà Nội. Hay chí ít, nó sinh động hơn một dải đê bê tông khô cứng.
Con đường gốm sứ nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái, vì tình yêu Hà Nội năm 2008. Có khoảng 20 họa sĩ trong nước, 15 họa sĩ quốc tế của 10 nước trên thế giới cùng 500 em thiếu nhi đa quốc tịch tham gia “vẽ” bức tranh. Quá trình thực hiện này có lưu dấu câu chuyện tình cảm động giữa một nữ văn sĩ Mỹ và một chàng trai khiếm thị người Mỹ gốc Việt. Chàng trai ấy nhờ người yêu cầm tay, gắn từng viên gốm, góp phần tạo ra một đoạn tường gốm sứ.
(Theo Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.