Chăn nuôi bài bản giúp bảo vệ đàn lợn trước dịch tả châu Phi

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 22/11/2019 06:49 AM (GMT+7)
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn tiếp diễn, chăn nuôi lợn an toàn sinh học (ATSH) được xem là giải pháp cần thiết và hiệu quả để góp phần phòng chống dịch bệnh, từ đó chủ động nguồn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng...
Bình luận 0

img

Ngày 21/11, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Cục Thú y, Sở NNPTNT Bình Phước tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Giải pháp chăn nuôi lợn ATSH vùng Đông Nam Bộ”.

Vượt “bão dịch” nhờ chăn nuôi khép kín

img

   Số lượng các trang trại, mô hình chăn nuôi lợn ATSH ngày càng tăng. Ảnh: T.L

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, kết quả của các dự án đã tác động tích cực đến ý thức phòng bệnh của người chăn nuôi trên địa bàn triển khai dự án, đồng thời cũng tác động đến chính sách của một số địa phương trong việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Khi DTLCP bùng phát ở địa bàn thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, gia đình ông Phùng Văn Bảo (ngụ tổ 5, khu phố Phú An, phường An Lộc) vô cùng lo lắng, đứng ngồi không yên. Với quy mô trại lợn 50 nái, 1.000 lợn thịt/năm, nếu bị “dính” dịch thì thiệt hại vô cùng lớn.

Ông Bảo cho biết: Để ngăn chặn dịch lây lan vào trại, ngoài biện pháp phun thuốc tiêu độc khử trùng, rải vôi bột khắp nơi, chúng tôi đã mua lưới dày che kín hết xung quanh chuồng trại để ngăn côn trùng, vật trung gian truyền bệnh. Đồng thời, tăng cường cho khâu chăm sóc nuôi dưỡng, mua thêm men sinh học, vitamin cao cấp trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho lợn... Nhờ đó, đến nay trang trại vẫn bình yên, trong khi DTLCP đã xảy ra trên toàn bộ các xã phường của thị xã Bình Long từ tháng 7/2019.

Tương tự, nhờ chủ động, tích cực và thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp ATSH mà đàn lợn quy mô 1.600 con của Trại lợn giống quốc gia Bình Minh (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã vượt qua tâm “bão” DTLCP.

Theo đó, ngay khi trên địa bàn xã Bình Minh xuất hiện ổ dịch, trung tâm đã đóng cửa trại (nội bất xuất, ngoại bất nhập); thường xuyên kiểm tra vành đai bên ngoài tường rào của trại, tránh bị vứt xác gia súc gần trại; rải vôi bột khu vực ngoài cổng trại, trước cửa chuồng nuôi và khu liên kết giữa các lối đi chính trong trại. Thường xuyên kiểm tra và thay mới vôi bột (2 ngày/lần); định kỳ phun sát trùng thường xuyên...

Theo Bộ NNPTNT, chăn nuôi lợn vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu thịt và bữa ăn của người Việt, nếu không có giải pháp ngăn chặn dịch kịp thời và tái đàn an toàn thì nguy cơ thiếu thịt là rất lớn, nhất là trong dịp cuối năm 2019 và năm 2020. Nhưng tín hiệu đáng mừng là qua 8 tháng DTLCP xảy ra, từ thực tiễn đã xuất hiện rất nhiều mô hình chăn nuôi ATSH thích ứng, thích nghi được với DTLCP, như mô hình chăn nuôi lợn của Tập đoàn Quế Lâm, Amavet, Phân viện Chăn nuôi phía Nam…

Bà Nguyễn Thị Liễu Kiều - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, nhờ làm tốt công tác quản lý đàn vật nuôi và áp dụng triệt để chăn nuôi ATSH nên đàn lợn tại các trại lợn giống uy tín như Phước Long, Đồng Hiệp vẫn sinh trưởng tốt; đàn lợn tại các hộ chăn nuôi thực hiện mô hình trình diễn khuyến nông “Chăn nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh học” tại huyện Củ Chi (Bình Chánh) vẫn tăng trọng nhanh.

Chăn nuôi ATSH phát triển mạnh

Theo Bộ NNPTNT, trong những tháng còn lại của năm 2019, nhiệm vụ của ngành chăn nuôi là phải  triển khai mọi biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, nhất là DTLCP, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương áp dụng các biện pháp chăn nuôi ATSH để tái đàn, mở rộng quy mô đàn lợn ở các vùng, các cơ sở chưa có dịch và có đủ điều kiện chăn nuôi ATSH.

Điều đáng mừng là số lượng các trang trại, mô hình chăn nuôi lợn ATSH ngày càng nhiều. Nếu như năm 2016, cả nước có 2.147 trang trại chăn nuôi lợn ATSH, chiếm 18,3%, tổng đầu con trên 2,1 triệu con, thì sang năm 2017 tăng lên gần 2.500 trang trại với tổng đàn 2,8 triệu con; năm 2018 là hơn 2.500 trang trại, tăng 0,8% so với năm 2017, tổng đàn trên 2,82 triệu con, chiếm 9,9% tổng đàn lợn cả nước.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, năm 2018, đơn vị triển khai 9 dự án khuyến nông chăn nuôi ATSH với kinh phí 22,5 tỷ đồng. Theo đó, đã có 46 mô hình được triển khai với quy mô 164.325 con gia súc, gia cầm (trong đó: 2.041 con bò, 354 con lợn trong mô hình lợn sinh sản, 9.000 con lợn trong mô hình chăn nuôi an toàn kiểm soát dịch bệnh, 80.930 con gia cầm…), với tổng số 936 hộ và 3 đơn vị quân đội tham gia.

Hầu hết các chương trình dự án khuyến nông chăn nuôi đều áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi… nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi đã áp dụng quy trình chăn nuôi ATSH,  VietGAHP. Người chăn nuôi tham gia mô hình dự án được tập huấn, hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi ATSH, quy trình vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

Kon Tum: Dịch tả lợn Châu Phi cướp đi hơn 6.400 con lợn

Tỉnh Kon Tum đã tiêu hủy hơn 6.000 con lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi với số tiền hỗ trợ hơn 19 tỷ đồng, nhưng dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ tiếp tục lan rộng.

Ngày 22/11, ông Đoàn Thanh Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 144 thôn thuộc 47 xã, phường và 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, làm chết hơn 6.400 con lợn với tổng trọng lượng 300.000kg.                       

img

Đàn heo hơn 200 con mắc bệnh tại trang trại của ông Đào Trọng Khải (thôn Tà Ka, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum.

“Theo hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh Kon Tum đã tạm ứng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh với số tiền hơn 19 tỷ đồng, trong đó tỉnh đề nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ địa phương hơn 16,7 tỷ đồng” - ông Mai nói.

Cũng theo ông Mai, thời tiết ở Kon Tum hiện đang chuyển mùa, chênh lệnh cao về nhiệt độ, độ ẩm trong ngày làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu thụ, vận chuyển sản phẩm động vật vào địa bàn để tiêu thụ ngày càng gia tăng, trong khi dịch tả lợn Châu Phi chưa có vaccine phòng. Do vậy, dịch có chiều hướng lây lan nhanh, diễn biến khó lường, tạo điều kiện thuận lợi phát sinh thêm ổ dịch.

“Tính đến ngày 5/11, toàn tỉnh Kon Tum có 17/47 xã, phường, thị trấn, huyện Kon Rẫy và TP. Kon Tum đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, ở các xã khác dịch bệnh vẫn tiếp tục phát sinh thêm, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan trong thời gian tới vẫn rất cao”, ông Mai cho biết thêm.

                      img

Toàn tỉnh đã tiêu hủy hơn 6.000 con lợn mắc dịch tả lợn Châu phi, với số tiền hỗ trợ hơn 19 tỷ đồng.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum thường xuyên cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp phòng chống theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT và UBND tỉnh; hướng dẫn cơ quan thú y cấp huyện giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Ngoài ra, chi cục đã tổ chức thêm 12 lớp tập huấn cho 243 hộ chăn nuôi về chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng chống dịch bệnh.

Văn Hà

Giá heo hơi hôm nay 22/11: Miền Nam tăng 1.000 đ/kg, Bắc giảm nhẹ

Giá heo hơi hôm nay 22/11 ghi nhận tiếp tục tăng nhẹ ở các tỉnh phía Nam, trong đó có nơi tăng lên 74.000 đồng/kg như Đồng Nai, Tiền Giang, Sóc Trăng. Giá heo hơi hôm nay ở miền Bắc có xu hướng giảm nhẹ vài nơi, thương lái thu mua với giá phổ biến từ 75.000 - 77.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận, giá heo hơi hôm nay 22/11 ở một số tỉnh miền Nam tiếp tục tăng, đơn cử như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Tháp tăng thêm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, lên mức 72.000 đồng/kg;  Sóc Trăng và Tiền Giang đã tăng lên 75.000 đồng/kg; các tỉnh An Giang, Hậu Giang, TP.Cần Thơ cùng tăng thêm 1.000 đồng/kg lên mức 73.000 đồng/kg. 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, giá heo hơi hôm nay trên địa bàn tỉnh vẫn đứng ở mức cao, đạt từ 72.000 - 74.000 đồng/kg. Tuy nhiên lượng heo to không còn nhiều, các trại đang xuất bán cả heo 80-90kg/con. 

Trước đó, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P chi nhánh miền Nam đã điều chỉnh giá bán heo tại các kho thêm 500 đồng/kg. Hiện tất cả các loại heo siêu, 3 máu của doanh nghiệp này đạt 69.000 đồng/kg. Đại diện C.P khẳng định, dịch bệnh tả châu Phi lan rộng khiến nguồn cung thiếu hụt, giá heo hơi leo thang. Hiện mỗi ngày C.P cung ứng cho thị trường từ 16.000 - 17.000 con heo nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 

C.P cũng là doanh nghiệp có đàn heo nái lớn nhất cả nước, với hơn 300.000 con. Tuy nhiên các thương lái hiếm khi mua thẳng được heo tại công ty mà hầu hết phải qua các trung gian, lúc này giá đã bị đẩy lên thêm từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. 

Theo ông Nguyễn Văn Hải (Tiền Giang) - thương lái nhập heo về chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM), nếu mua được heo trực tiếp tại công ty thì mới có giá 68.000 - 70.000 đồng/kg tùy nơi, tùy loại; nhưng qua trung gian thì có thể lên đến 73.000 - 74.000 đồng/kg. 

Theo các tiểu tương chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền (TP.Hồ Chí Minh), lượng heo nhập về chợ những ngày qua không nhiều, thậm chí giảm so với trước nhưng tiểu thương buôn bán không tốt, giao dịch không còn tấp nập như trước đây. Ví dụ như ngày 20/11, chợ Hóc Môn nhập về 4.710 con heo, chợ Bình Điền 2.140 con; phiên trước đó là 4.730 con và 1.650 con. 

Do giá heo hơi thương lái nhập về vẫn tăng cao, nên giá heo mảnh bán tại chợ đã tăng từ 10.000 - 13.000 đồng/kg so với khoảng 1 tháng trước và tăng gấp đôi so với hồi tháng 5, 6. Theo đó, heo mảnh (đã mổ) ở mức 95.000 đồng/kg loại 1, 88.000 đồng/kg loại 2 và heo nái 60.000 đồng/kg; heo pha lóc có giá 85.000 - 95.000 đồng/kg đùi rọ, nạc dăm 98.000 đồng/kg, ba rọi 110.000 đồng/kg, cốt lết 85.000 - 92.000 đồng/kg, sườn non 150.000 - 160.000 đồng/kg.

Thiên Ngân

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem